Vai trò người hộ sinh trong hành trình giảm tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh

Người hộ sinh đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Họ không chỉ là người đỡ đẻ, mà còn là điểm tựa tinh thần, là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong suốt hành trình làm mẹ.

Người hộ sinh: Điểm tựa tin cậy trong hành trình làm mẹ

Các nữ hộ sinh đón em bé chào đời khỏe mạnh tại một bệnh viện đa khoa của tỉnh Cao Bằng.

Các nữ hộ sinh đón em bé chào đời khỏe mạnh tại một bệnh viện đa khoa của tỉnh Cao Bằng.

Khái niệm hộ sinh theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế (ICM) là người có đủ tiêu chuẩn được cấp phép hành nghề, đã hoàn thành chương trình đào tạo hộ sinh được công nhận và có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em và gia đình trong suốt thai kỳ, chuyển dạ, sinh nở và thời kỳ hậu sản. Vai trò của người hộ sinh không chỉ giới hạn trong phòng sinh mà còn bao trùm lên toàn bộ quá trình thai sản của người phụ nữ.

Ở giai đoạn chăm sóc trước sinh (khám thai), người hộ sinh thực hiện việc khám thai định kỳ, theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, phát hiện sớm các nguy cơ hoặc biến chứng. Họ tư vấn về dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, chuẩn bị tâm lý cho quá trình sinh nở và giáo dục về các dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý.

Hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở là vai trò cốt lõi nhất của người hộ sinh. Họ theo dõi sát sao quá trình chuyển dạ, hỗ trợ sản phụ vượt qua cơn đau, động viên và hướng dẫn cách rặn đẻ đúng cách. Người hộ sinh có trách nhiệm thực hiện các thủ thuật cần thiết trong quá trình sinh như: Đỡ đẻ thường, cắt tầng sinh môn (nếu cần), khâu vết rách và xử trí các tình huống cấp cứu ban đầu. Khả năng nhận biết và xử lý kịp thời các biến chứng sản khoa là yếu tố then chốt giúp cứu sống mẹ và bé.

Sau khi sinh, người hộ sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe của sản phụ, kiểm tra tình trạng tử cung, sản dịch, vết khâu và tư vấn về dinh dưỡng, vệ sinh, cách cho con bú. Đối với trẻ sơ sinh, họ thực hiện các biện pháp chăm sóc ban đầu như cắt dây rốn, ủ ấm, theo dõi nhịp thở, tim thai, sàng lọc các dị tật bẩm sinh ban đầu; hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc trẻ sơ sinh, nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của bé.

Ngoài việc chăm sóc trực tiếp, người hộ sinh còn là những người tư vấn đáng tin cậy về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp tránh thai và tư vấn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, những kiến thức thiết yếu nhưng đôi khi bị bỏ sót. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe sinh sản và giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn.

Nâng cao năng lực chuyên môn cho người hộ sinh ở vùng núi, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trò chuyện với nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tại tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thái Bình - Sức khỏe và Đời sống

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trò chuyện với nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tại tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thái Bình - Sức khỏe và Đời sống

Tại các tỉnh vùng núi, với đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại còn nhiều hạn chế và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, vai trò của người hộ sinh càng được khẳng định rõ nét.

Trong bối cảnh thiên tai, thảm họa hoặc dịch bệnh, khi hệ thống y tế có nguy cơ quá tải hoặc bị gián đoạn, vai trò của người hộ sinh lại càng trở nên nổi bật. Nhất là tại các địa phương vùng sâu vùng xa, nơi còn nhiều xóm, bản có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, người hộ sinh tại các Trạm Y tế xã có thể là nhân lực y tế duy nhất còn trụ lại tuyến đầu trong những thời điểm khẩn cấp. Họ không chỉ hỗ trợ sinh nở trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị, mà còn đảm nhận việc sơ cứu, cấp cứu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, xử trí các tình huống nguy cấp bằng kinh nghiệm thực tế và tinh thần chủ động.

Bên cạnh đó, hộ sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, đặc biệt với phụ nữ mang thai, nhóm đối tượng dễ tổn thương nhưng thường ít chủ động tiếp cận thông tin. Nhờ sự tận tâm và linh hoạt, người hộ sinh góp phần duy trì liên tục các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ sơ sinh ngay cả trong điều kiện khó khăn nhất.

Trong nỗ lực xây dựng hệ thống y tế cơ sở vững mạnh, giảm thiểu tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, ngành Y tế các tỉnh vùng núi cần luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ hộ sinh cũng như điều dưỡng và kỹ thuật viên.

Người hộ sinh, bằng đôi tay lành nghề và trái tim tận tụy đang góp phần từng ngày vào hành trình bảo vệ sự sống, mang lại khởi đầu an toàn và trọn vẹn cho hàng nghìn trẻ em và gia đình. Ghi nhận và nâng cao vị thế của họ chính là một phần quan trọng trong xây dựng nền y tế công bằng, tiếp cận và nhân văn.

Trong nhiều năm qua, công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình quốc gia. Bộ Y tế cũng ban hành nhiều Kế hoạch hành động, đề án về phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em và tổ chức triển khai hiệu quả với những kết quả ấn tượng trong mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023 - đứng thứ 4 các nước Đông Nam Á; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm hơn 4 lần từ 44 ‰ xuống còn 11,6‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58‰ xuống còn 16,9‰; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53‰ xuống còn 9,7‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi là 18,2%.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam được đánh giá là một trong 6 nước trên thế giới đạt được chuẩn về tỷ lệ giảm tử vong mẹ theo như các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây.

Kim Ngân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vai-tro-nguoi-ho-sinh-trong-hanh-trinh-giam-tu-vong-o-me-va-tre-so-sinh-169250707111726631.htm