Những 'cánh tay nối dài' nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Y tế đã tích cực nghiên cứu, tổ chức triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trạm Y tế lưu động số 2 Cụm công nghiệp Phú Chánh (phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Trạm Y tế lưu động số 2 Cụm công nghiệp Phú Chánh (phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Điển hình là trong giai đoạn cao điểm thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, việc triển khai thực hiện các Tổ COVID-19 cộng đồng, Mô hình Trạm y tế lưu động, phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”, quản lý điều trị tại nhà người bệnh F0, hỗ trợ tư vấn từ xa, mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, cải tiến công tác lấy mẫu... đã được thực hiện hiệu quả, kịp thời, góp phần giảm số mắc, bệnh diễn biến nặng và tử vong, đẩy nhanh tiến độ kiểm soát dịch bệnh trên cả nước.

Theo Quyết định 4042/QĐ-BYT năm 2021 hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, Trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

Thực tế cho thấy, Trạm y tế lưu động đã giúp giảm tải việc chuyển tuyến bệnh nhân thể nhẹ lên tuyến trên. Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh nhân ngay tại nhà giúp nhiều người bệnh không phải đi cách ly tập trung, hạn chế được lây chéo từ các bệnh nhân cùng cách ly. Việc điều trị tại nhà cũng đã tiết kiệm được nguồn lực kinh tế khá lớn cho mỗi địa phương trong việc chi phí vận chuyển, ăn ở, người phục vụ...

Đánh giá về vai trò quan trọng của Trạm y tế lưu động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, bản chất trạm là “cánh tay nối dài” của y tế cơ sở, được vận dụng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, vừa theo dõi điều trị F0 và theo dõi F1 cách ly tại nhà.

Qua số liệu cho thấy, y tế cơ sở, trạm y tế lưu động đã cáng đáng một công việc rất lớn, giảm rất nhiều áp lực cho tuyến trên. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, y tế cơ sở là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, luôn theo sát nhất người dân, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, thực hiện các nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, quản lý, vận chuyển kịp thời người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn.

Trong công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, mô hình đào tạo “Cô đỡ thôn, bản” đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô đỡ thôn, bản là những người dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được đào tạo các kiến thức, kỹ năng, thực hành tại các bệnh viện để có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.

Lực lượng cô đỡ thôn bản là những “cánh tay nối dài” của ngành Y tế và góp phần đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây cũng chính là sáng kiến của Việt Nam đóng góp với cộng đồng quốc tế trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng khó khăn.

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương triển khai đa dạng và toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo tiếp cận, cung cấp dịch vụ tối đa và tạo điều kiện tốt nhất cho những người nguy cơ cao, người nhiễm HIV.

Một số mô hình phát huy hiệu quả trong thời gian qua như: Huy động các tổ chức cộng đồng của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cung cấp các dịch vụ cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS (tư vấn, xét nghiệm, cung cấp các vật phẩm can thiệp, chuyển gửi người nhiễm HIV, người nguy cơ cao đến các cơ sở điều trị và các cơ sở dự phòng); xây dựng mô hình cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có nguy cơ cao qua trang thông tin điện tử để tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ xét nghiệm.

Tiêu biểu là mô hình điều trị Methadone đã chăm sóc điều trị cho hơn 51.000 người nghiện chích ma túy, nhờ hiệu quả mô hình này đã giúp người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, sức khỏe ổn định, có công ăn việc làm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Hoạt động phối hợp công tư, hỗ trợ các tổ chức cộng đồng phát triển thành doanh nghiệp xã hội, đáp ứng các điều kiện cung cấp một số dịch vụ y tế như: Điều trị PREP, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục cho chính những người nguy cơ cao trong cộng đồng của họ, nhờ đó mở rộng nhanh độ bao phủ các dịch vụ này cho nhóm nguy cơ cao…

PV (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/nhung-canh-tay-noi-dai-nang-cao-chat-luong-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-20230223125014278.htm