Những câu chuyện dân gian thu hút trẻ nhỏ
Bộ sách 'Ươm mầm tư duy qua truyện kể dân gian' mang đến cho các bé trong độ tuổi mầm non nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn và sự tích dân gian thú vị.
Bộ sách Ươm mầm tư duy qua truyện kể dân gian
Trẻ nhỏ thường rất thích nghe kể chuyện. Với mỗi câu chuyện, bé sẽ được hòa mình vào các tình tiết và tự rút ra cho mình bài học bổ ích. Bên cạnh đó, cha mẹ đọc truyện cho bé nghe mỗi tối còn đem lại rất nhiều lợi ích như giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, giáo dục tâm lý và hành vi cho trẻ, hỗ trợ phát triển vốn từ vựng và kỹ năng giao tiếp, phát triển tính sáng tạo và khả năng tư duy,...
Có rất nhiều cuốn sách giúp bố mẹ kể chuyện đêm khuya cho bé. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà những câu chuyện dân gian luôn có sức hút đặc biệt, trở thành mạch suối nguồn tưới mát tâm hồn thế hệ trẻ thơ từ ngàn đời nay.
Bộ sách Ươm mầm tư duy qua truyện kể dân gian được biên soạn nhằm mang đến cho trẻ những câu chuyện dân gian thú vị nhất. Không chỉ bao gồm 25 câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, sự tích dân gian chứa đựng bài học sâu sắc của cha ông đúc kết lại, bộ sách còn có các hoạt động xen kẽ sau mỗi câu chuyện. Đó là những trò chơi khoa học logic giúp bé rèn luyện trí thông minh về mặt hình ảnh, tư duy cũng như cảm xúc.
Bộ sách gồm 5 cuốn, mỗi cuốn gồm 5 truyện kể dân gian và 10 trò chơi rèn luyện trí thông minh. Đó là những câu chuyện dân gian đã quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ, và mỗi người khi trưởng thành ắt hẳn đều có những giây phút nhớ về những lời kể của từng câu chuyện từ giọng của người thân trong gia đình.
Trong xã hội hiện đại, trẻ nhỏ thường dễ bị cuốn hút vào các trò chơi điện tử, tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ. Bởi thế, bộ sách Ươm mầm tư duy qua truyện kể dân gian được biên soạn còn nhằm mục đích hướng trẻ nhỏ dần rời xa những trò chơi vô bổ để tìm đến thế giới cổ tích với bao triết lý sâu sắc, rèn luyện những thói quen tốt, hình thành lối sống và tư duy ngay từ khi còn nhỏ.
Với mỗi cuốn sách, cha mẹ có thể dùng nhiều giọng kể với nhau để nhập vai sao cho phù hợp với lời thoại và tính cách của từng nhân vật trong chuyện. Chẳng hạn, với câu chuyện Tích Chu, những phân đoạn người bà, cha mẹ nên sử dụng giọng đọc chậm rãi, yếu ớt để mô tả rõ tình trạng sức khỏe của bà. Còn đến lời thoại của Tích Chu, sẽ có những đoạn cha mẹ cần đọc nhanh, vô tư (khi cậu bé còn ham chơi, chưa biết vâng lời bà) và đọc chậm rãi, buồn bã (khi biết tin bà đã hóa thành chim bay đi). Điều này sẽ khiến bé rất thích thú và tương tác với bố mẹ nhiều hơn.
Đôi khi, bố mẹ cũng có thể liên hệ những chi tiết trong câu chuyện với cuộc sống hàng ngày để hỏi han bé về những gì diễn ra trong cuộc sống của con. Ví dụ như: "Bạn Tích Chu ham chơi và không quan tâm đến bà như thế, nếu là con thì con có bỏ mặc bà ốm yếu ở nhà để đi chơi với bạn không nhỉ?". Những câu hỏi như thế sẽ là cơ hội để bố mẹ giáo dục tâm lý và hành vi cho trẻ.
Đặc biệt hơn nữa, khi được bố mẹ kể chuyện dân gian Việt Nam, bé dần dần sẽ hình thành tình yêu quê hương và niềm tự hào về văn hóa của dân tộc cùng bao triết lý sống hướng thiện. Bên cạnh đó, hình ảnh minh họa đậm chất dân gian, bắt mắt và dễ liên tưởng của từng trang sách sẽ mang đến cho các em sự tiếp thu hiệu quả nhất.
Không chỉ kể chuyện đơn thuần, Ươm mầm tư duy qua truyện kể dân gian được biên soạn theo mô hình "Nghe kể chuyện - Luyện tư duy". Đây là sự kết hợp độc đáo giữa những câu chuyện quen thuộc và trò chơi tư duy tích hợp mang tính khoa học hiện đại nhằm phát triển toàn diện tư duy và trí thông minh tiềm tàng trong mỗi đứa trẻ.