Những câu dân ca trên cao nguyên đá

Dân ca là thể loại trữ tình dân gian kết hợp lời và nhạc, truyền tải tình cảm đằm thắm, hồn nhiên của nhân dân lao động. Ca dao chính là phần lời của dân ca, các thể thơ trong ca dao cũng sinh ra từ dân ca. Ở Hà Giang, dân ca vốn được lưu truyền trong đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Lô Lô, Pu Péo và nhiều dân tộc khác. Dân ca được sử dụng trong những dịp lễ hội với hình thức hát xướng, hát giao duyên,… có nhiều làn điệu, thể loại dân ca đặc sắc của các dân tộc, vừa có tính nghệ thuật vừa mang tính tín ngưỡng.

Học sinh khối 7, Trường PTDT nội trú Đồng Văn tham gia mô hình đưa dân ca vào giờ văn học địa phương.

Học sinh khối 7, Trường PTDT nội trú Đồng Văn tham gia mô hình đưa dân ca vào giờ văn học địa phương.

Tuy nhiên hiện nay, dân ca đang ngày càng bị mai một trước những tác động của cuộc sống hiện đại. Số người cao tuổi biết các làn điệu dân ca của dân tộc mình ngày càng ít, nhiều làn điệu bị thất truyền, chưa được ghi chép và phục dựng. Thế hệ trẻ Lô Lô, Mông, Dao, Tày và nhiều dân tộc khác ở Hà Giang lớn lên và chịu ảnh hưởng của văn hóa hiện đại, họ sẽ bảo tồn và gìn giữ giá trị dân ca của dân tộc mình ra sao? Hướng tiếp cận trong bảo tồn văn hóa các dân tộc Hà Giang đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn.

Thực hiện chương trình đưa nội dung giáo dục địa phương vào trường học thông qua Đề tài “Nghiên cứu, biên soạn và tích hợp nội dung giáo dục địa phương cho học sinh các trường Tiểu học và THCS tỉnh Hà Giang”; thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang phối hợp với các Trường PTDT nội trú huyện Đồng Văn và Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lũng Táo đưa dân ca vào các giờ học văn học địa phương.

Tại Trường PTDT nội trú huyện Đồng Văn, chủ đề dân ca Lô Lô với trích đoạn Lễ tế trời đất, được đưa vào giảng dạy khối lớp 7. Các em đã được cô giáo dẫn dắt tìm hiểu nội dung trích đoạn gồm 3 phần: Lí giải truyền thuyết về nguồn gốc người Lô Lô từ bố trời, mẹ đất; sự sáng tạo trong lao động sản xuất; trân trọng giá trị gia đình. Sau tìm hiểu nội dung là hoạt động thực hành trải nghiệm: Tìm hiểu về văn hóa Lô Lô, hát dân ca với thể thơ 5 chữ thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc:

Vải đẹp nhờ màu pha

Áo chắc nhờ kim chỉ

Vải mịn dùng cho già

Vải thô dùng cho trẻ

Được trực tiếp tham gia các giờ học bổ ích, nhìn chung các sinh trong trường đều rất hứng thú với giờ học dân ca Lô Lô. Em Giàng Thị Súa, chia sẻ: Qua câu dân ca Lô Lô, giúp em hiểu được giá trị của lao động. Người Lô Lô đã trải qua thời kì lịch sử gian khó, song phong tục tập quán của họ vẫn được giữ gìn. Các em Giàng Minh Hùng, Sùng Mí Pá, Hạng Thị Chứ cũng bày tỏ niềm tự hào và tình yêu quê hương Hà Giang qua phần thực hành, trải nghiệm với các chủ đề về trang phục Lô Lô, hát dân ca Lô Lô. Đặc biệt, cảm nhận được sự hiệu quả ban đầu khi tham gia triển khai đề tài, cô giáo Phạm Huyền Linh, chia sẻ: Việc đưa dân ca các dân tộc vào dạy trong nhà trường là hướng tiếp cận rất tốt để bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc Hà Giang. Dân ca là nền tảng để văn học viết tiếp thu và ngược lại văn học viết làm cho những câu hát dân ca trở nên phong phú, đa dạng. Các thầy, cô cũng bày tỏ mong muốn sớm có tài liệu và hướng dẫn dạy học văn học địa phương, giúp cho giáo viên và học sinh thuận lợi hơn trong việc thực hiện chương trình địa phương.

Triển khai Đề tài tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Lũng Táo, học sinh được học về chủ đề dân ca Mông với trích đoạn “Ngọn nguồn”. Lớp học được các thầy cô chú trọng dẫn dắt tìm hiểu bài ca dao qua các phân đoạn tìm hiểu trích đoạn:

Trời đất thủa xa vời

Có những chín mặt trời

Trời đất thủa xa xăm

Có những chín mặt trăng

Truyền thuyết của người Mông về sự xuất hiện mặt trời, mặt trăng gắn với khát vọng về chinh phục thiên nhiên cuốn theo từng câu từ đầy triết tự song cũng thật gần gũi, đáng yêu. Với nghệ thuật tưởng tượng, nhân hóa, các loài vật trong trích đoạn trò chuyện với con người, mặt trời mặt trăng thật gần gũi, như mình với ta.

Sau phần tìm hiểu kiến thức, các em thực hiện hoạt động trải nghiệm với trò chơi đóng các con vật đi gọi mặt trời, mặt trăng; tìm hiểu văn hóa Mông qua trang phục, ẩm thực và hát dân ca. Sau mỗi tiết học, những lời dân ca thấm đẫm giá trị tinh thần không thể tách rời của mỗi thực thể văn hóa đã mang đến cho cô và trò những xúc cảm và tình yêu đối với mảnh đất, con người Hà Giang, giản dị, chân thực, hồn nhiên, gần gũi.

Dân ca không chỉ ảnh hưởng tích cực tới đời sống người dân mà còn có giá trị đối với nền văn học của đất nước nói chung và địa phương nói riêng. Mối quan hệ giữa dân ca đối với thơ văn từ xưa đến nay là một mối quan hệ biện chứng, bổ sung, tác động lẫn nhau cùng phát triển. Việc đưa phần lời dân ca vào dạy trong các giờ văn học địa phương trên địa bàn huyện Đồng Văn đã mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần tạo sự thay đổi nhận thức của những người làm công tác giáo dục về việc bảo tồn những giá trị truyền thống dân ca trong các nhà trường hiện nay. Thông qua các giờ học và trải nghiệm, dân ca chính là chất liệu, phương tiện để hình thành tình yêu và ý thức trách nhiệm bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa của học sinh Mông, Lô Lô và nhiều dân tộc khác.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt (Trường CĐSP Hà Giang)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202007/nhung-cau-dan-ca-tren-cao-nguyen-da-762254/