Những câu hỏi lớn về hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng

Theo lời Tổng thống Donald Trump, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng được cho sẽ bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công từ không gian, song nhiều chuyên gia và nhà lập pháp Mỹ bày tỏ sự quan ngại về kế hoạch này.

Ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chi tiết về dự án xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome) để bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công.

Tên lửa Vòm Vàng được thiết kế nhằm bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa siêu vượt âm và tên lửa hành trình tiên tiến.

Theo Tổng thống Trump, dự án sẽ hoàn thành trong 3 năm với chi phí ước tính khoảng 175 tỉ USD, tờ The Hill đưa tin. Thời gian hoàn thành và ngân sách ông Trump đưa ra ngắn và thấp hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực quốc phòng.

Dự án được cho sẽ đối mặt nhiều thách thức không chỉ về ngân sách mà cả về công nghệ lẫn vấn đề đạo đức. Dưới đây là 5 quan ngại về dự án tên lửa Vòm Vàng:

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

1. Ngân sách dự án có thể vượt xa con số đề xuất

Dự án Vòm Vàng dự kiến nhận 24,7 tỉ USD khởi động, với phần lớn kinh phí từ dự luật thuế "One Big Beautiful Bill" của Tổng thống Trump dùng để xây mạng lưới vệ tinh và hệ thống đánh chặn trong không gian nhằm phát hiện và tiêu diệt tên lửa địch.

Cụ thể, 7,2 tỉ USD dành cho phát triển và mua cảm biến đặt trên vệ tinh; 5,6 tỉ USD để phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa không gian; 2,4 tỉ USD cho các công nghệ phòng thủ phi vật lý như tác chiến điện tử; 2 tỉ USD cho vệ tinh quân sự có khả năng phát hiện mục tiêu di động trên không.

Về công nghệ mặt đất, dự kiến 2,2 tỉ USD sẽ được dành đẩy nhanh việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa siêu vượt âm; 1,9 tỉ USD để cải thiện radar phòng thủ mặt đất và 800 triệu USD cho phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa liên lục địa thế hệ mới.

Mặc dù ông Trump cho biết chi phí xây Vòm Vàng rơi vào khoảng 175 tỉ USD nhưng các chuyên gia cảnh báo tổng chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều, có thể lên đến hàng trăm tỉ hoặc thậm chí cả nghìn tỉ USD. Nguyên nhân một phần đến từ số lượng vệ tinh cần thiết để bao phủ và bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mỹ là rất lớn, dao động từ 400 đến hơn 1.000 vệ tinh. Ngoài ra, còn khoảng 200 vệ tinh tấn công trang bị tên lửa hoặc tia laser sẽ được sử dụng để đánh chặn vũ khí đối phương.

Đầu tháng này, Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ ước tính chỉ riêng các thành phần trên không gian của hệ thống Vòm Vàng có thể tiêu tốn tới 542 tỉ USD trong 20 năm tới.

2. Vai trò gây tranh cãi của tỉ phú Elon Musk

Một điểm nóng tranh luận trong dự án tên lửa Vòm Vàng là khả năng tỉ phú Elon Musk có thể nhận được các hợp đồng lớn thông qua công ty SpaceX của ông, gây ra lo ngại về xung đột lợi ích khi ông hiện đang giữ vai trò cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Trump.

Theo báo cáo của hãng tin Reuters, SpaceX đang là ứng viên hàng đầu cho một hợp đồng lớn trong việc xây dựng hệ thống tên lửa Vòm Vàng, làm dấy lên quan ngại trong cơ quan lập pháp.

Một nhóm 42 nghị sĩ đảng Dân chủ đã gửi thư yêu cầu Thanh tra Bộ Quốc phòng vào cuộc điều tra, bày tỏ sự lo ngại rằng các hợp đồng quốc phòng có thể không nhằm bảo vệ người dân mà để làm giàu cho ông Musk và các nhà thầu thân cận.

Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen - thành viên cấp cao Ủy ban Quân vụ Thượng viện - đã đề xuất dự luật cấm các hợp đồng liên bang được trao cho các công ty thuộc sở hữu của bất kỳ nhân viên chính phủ đặc biệt nào, trong đó có ông Elon Musk.

3. Nhiều nghi vấn về tính khả thi của công nghệ

Trong bài phát biểu ngày 20-5, ông Trump cũng nhắc lại Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) của cựu Tổng thống Ronald Reagan – dự án từng nhằm chống tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng bị hủy bỏ vào năm 1993.

 Hệ thống tên lửa Vòm Vàng. Ảnh: GETTY IMAGES

Hệ thống tên lửa Vòm Vàng. Ảnh: GETTY IMAGES

“Ông Reagan từng muốn làm điều này từ lâu, nhưng công nghệ lúc đó chưa đủ, thậm chí chưa đến gần được. Nhưng giờ chúng ta đã có công nghệ đó. Thật sự rất tuyệt vời. Đây là việc rất quan trọng. Thế giới rất nguy hiểm và chúng ta cần được bảo vệ” - ông Trump khẳng định

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng cho rằng dù công nghệ Mỹ đã tiến bộ, việc phát triển các thiết bị cần thiết như tên lửa đánh chặn trong không gian hay các công nghệ không dùng lực như năng lượng định hướng, laser và sóng vi ba công suất cao vẫn cần nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm.

Một số chuyên gia còn cho rằng nên tập trung nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại với nhiều lớp phòng vệ hơn.

Hiện Mỹ đã có radar và các hệ thống đánh chặn đặt tại căn cứ Fort Greely (Alaska) và căn cứ Không gian Vandenberg (California) để bảo vệ lãnh thổ khỏi tên lửa tầm xa. Các hệ thống khác bảo vệ trước tên lửa tầm ngắn như Hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung (THAAD) và Hệ thống phòng không tầm trung (NASAMS) cũng đang hoạt động.

4. Nhiều lo ngại về điểm yếu

Ngoài các nghi vấn về công nghệ, nhiều chuyên gia còn đặt dấu hỏi về tính khả thi của dự án khi nhiều nghiên cứu cho thấy hệ thống có thể bị đối phương vượt qua nếu bị tấn công đồng thời với số lượng lớn tên lửa.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Seth Moulton cùng với các quan chức phòng thủ tên lửa của quân đội Mỹ đã nhấn mạnh rằng Nga và Trung Quốc từng công khai lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Ông đặt câu hỏi liệu đã có đánh giá về khả năng đối thủ sử dụng vũ khí hạt nhân trong không gian để phá hủy lớp phòng thủ trên không của Mỹ trong xung đột hay chưa.

Ông Moulton cũng đặt câu hỏi liệu hệ thống này có thể chống được các cuộc tấn công bằng tên lửa từ tàu chiến, vì theo ông, kế hoạch của Tổng thống Trump chủ yếu tập trung vào việc phòng thủ các mối đe dọa từ trên không.

“Bạn có thể đưa tàu vào cảng Los Angeles, rõ ràng hệ thống này không được thiết kế để đối phó với nguy cơ đó” - ông Moulton nói, cho rằng đây là một điểm yếu nghiêm trọng cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi chi ngân sách lớn cho dự án.

Lấy cảm hứng từ hệ thống Vòm Sắt của Israel

Ý tưởng về Vòm Vàng xuất phát từ hệ thống Vòm Sắt của Israel, vốn là giải pháp đánh chặn các tên lửa và pháo cỡ nhỏ với tầm bắn tối đa khoảng 69 km.

Ông Trump lần đầu nhắc đến ý tưởng xây dựng hệ thống tương tự cho Mỹ vào tháng 12-2023.

“Chúng ta chưa có một chiếc vòm của riêng mình. Chúng ta sẽ xây dựng chiếc vòm vĩ đại nhất từ trước đến nay” - ông Trump khẳng định

Tuy nhiên, trong khi Vòm Sắt của Israel được thiết kế để bảo vệ một quốc gia nhỏ với các mối đe dọa tên lửa tầm ngắn, Mỹ phải đối mặt với các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo liên lục địa – những mối đe dọa có tầm bắn xa và phức tạp hơn nhiều.

NGUYỄN DUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhung-cau-hoi-lon-ve-he-thong-phong-thu-ten-lua-vom-vang-post850953.html