Những câu hỏi về khoản lỗ khổng lồ của Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) đã ghi nhận khoản lỗ kỷ lục trong vòng 115 năm qua là 132 tỷ franc Thụy Sỹ (CHF), tương đương 143 tỷ USD, vào năm 2022.
Khoản lỗ 132 tỷ CHF của SNB tương đương với khoảng 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến của nước này trong năm 2022. Trước đó, khoản lỗ kỷ lục ghi nhận được là 23 tỷ CHF vào năm 2015. Trong năm 2021, SNB ghi nhận mức lãi 26 tỷ CHF. SNB đã tạm dừng chuyển khoản chia sẻ lợi nhuận cho liên bang và các bang của Thụy Sỹ.
* Các ngân hàng trung ương tạm dừng chia sẻ lợi nhuận?
Không riêng gì SNB mà các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng ghi nhận những khoản lỗ nặng nề trong năm ngoái. Tuy nhiên, SNB đã mất nhiều tiền hơn bao giờ hết trong năm 2022. Hệ quả là tiền từ các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đã ngừng chảy vào chính phủ.
Ngoài SNB, các ngân hàng trung ương của Đức và Hà Lan sẽ không trả lãi trong năm nay, cùng với hầu hết các chi nhánh khu vực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nước Anh thậm chí còn kỳ vọng 230 tỷ bảng Anh (tương đương 260 tỷ CHF) sẽ chảy theo hướng ngược lại từ Kho bạc đến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), trong vòng 10 năm tới.
Thỏa thuận mới nhất giữa Chính phủ Thụy Điển và ngân hàng trung ương quy định biện pháp tương tự nếu vốn chủ sở hữu của Ngân hàng trung ương nước này (Riksbank) giảm xuống dưới 20 tỷ krona (1,8 tỷ CHF).
SNB đã công bố khoản lãi 8 tỷ CHF trong năm 2007, sau đó là khoản lỗ 4,7 tỷ CHF vào năm sau đó. Gần đây hơn, những con số này đã dao động với biên độ cao hơn nhiều. Khoản lãi kỷ lục 54 tỷ CHF trong năm 2017 hoàn toàn trái ngược với khoản lỗ 132 tỷ CHF của năm 2022. Kết quả trung bình hàng năm của SNB kể từ năm 2005 là lợi nhuận 3,5 tỷ CHF.
* Đằng sau sự biến động mạnh là gì?
Điều này được giải thích là do bảng cân đối kế toán của SNB bị phình to, tăng từ 130 tỷ CHF của năm 2007 lên hơn 1.000 tỷ CHF hiện nay. Do đó, mỗi 1 điểm phần trăm thay đổi trong lãi hoặc lỗ hiện được thể hiện bằng những con số lớn hơn nhiều so với trước đây.
Bảng cân đối kế toán của SNB tăng nhiều như vậy là vì SNB muốn kiềm chế đà tăng giá quá cao của đồng franc Thụy Sỹ từ năm 2005 đến năm 2021 bằng việc mua một lượng lớn ngoại tệ.
* Tại sao mức lỗ năm ngoái quá cao?
Nguyên nhân đầu tiên là do giá cổ phiếu và trái phiếu của các công ty sụt giảm trong năm 2022. Thứ hai, kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của SNB bị mất giá vì đồng euro giảm so với đồng CHF. Đồng CHF tăng lên mức ngang giá so với đồng euro vào tháng 7/2022.
SNB tích lũy cái gọi là Dự trữ phân phối từ lợi nhuận và có toàn quyền quyết định số tiền chảy vào khoản dự trữ này. Số tiền trả cho chính phủ liên bang và các bang cũng đến từ Dự trữ phân phối.
Tuy nhiên, khoản lỗ cũng được tính vào khoản dự trữ này và cũng có thể chuyển thành âm. Trong trường hợp này, luật quy định rằng lợi nhuận không được chia sẻ.
Một thuật ngữ khác được sử dụng để mô tả tình huống này là “tổn thất bảng cân đối kế toán”. Năm ngoái, con số này là âm 39 tỷ CHF. Trong những điều kiện này, các khoản thanh toán cho Liên bang và các bang đã bị đình chỉ.
Trong năm 2010, SNB đã trao 2,5 tỷ CHF cho liên bang và các bang mặc dù báo cáo thua lỗ. Điều này trái với quy tắc rằng lợi nhuận chỉ có thể được chia khi lợi nhuận được tạo ra.
Năm sau đó vào năm 2011, thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận đã được sửa đổi và SNB đã tiến hành đánh giá pháp lý về hoạt động phân phối và sau đó đã thay đổi cách giải thích quy tắc.
Chủ tịch SNB hiện tại, Thomas Jordan, từng là Phó Chủ tịch vào năm 2010 và chịu trách nhiệm phân phối vào thời điểm đó. Bộ Tài chính và SNB sẽ thương lượng định kỳ về số tiền mà ngân hàng trung ương chi ra mỗi năm.
Thỏa thuận hiện tại quy định rằng 6 tỷ CHF sẽ được thanh toán nếu Dự trữ phân phối đạt 40 tỷ CHF. Các bang nhận được 2/3 số tiền tài trợ trong khi liên bang nhận 1/3 còn lại.
* Số tiền được thanh toán kể từ năm 2005?
Kể từ năm 2005, SNB đã tạo ra khoản lợi nhuận tích lũy là 63 tỷ CHF và được phân phối khoảng 42 tỷ CHF.
Một phần đáng kể lợi nhuận của SNB sẽ đi vào quỹ Dự phòng đầu tư nước ngoài, hiện ở mức khoảng 105 tỷ CHF.
SNB sử dụng khoản dự trữ này để tính vốn chủ sở hữu, đó là lý do tại sao các khoản lỗ không được tính vào tài khoản này.
* Triển vọng chia sẻ lợi nhuận trong tương lai?
Các khoản thanh toán trong tương lai chỉ có thể được thực hiện lại khi Dự trữ phân phối đạt 2 tỷ CHF, điều đó có nghĩa là SNB sẽ phải kiếm được 52 tỷ CHF lợi nhuận trong năm nay.
SNB quy định rằng 11 tỷ CHF lợi nhuận đầu tiên phải được chuyển vào Dự phòng đầu tư nước ngoài trước khi có bất kỳ khoản có thể được đưa vào Dự trữ phân phối.
Vốn chủ sở hữu SNB là tài sản ròng của ngân hàng trung ương, tương đương với giá trị của tất cả các khoản đầu tư trừ đi các khoản nợ. Vốn chủ sở hữu của SNB hiện ở mức 66 tỷ CHF.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu SNB có được bằng cách tính giá trị của vốn chủ sở hữu SNB so với các khoản đầu tư mà ngân hàng trung ương thực hiện. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu hiện ở mức khoảng 7%.
Điều này có nghĩa là nếu SNB lỗ thêm 7% cho các khoản đầu tư của mình, vốn chủ sở hữu của ngân hàng sẽ bị âm. Nói cách khác, giá trị của các khoản nợ SNB sẽ cao hơn tài sản của nó.
So sánh trên toàn cầu, chẳng hạn như Ngân hàng trung ương Thụy Điển gần đây đã công bố một so sánh toàn cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu ở các quốc gia khác nhau.
Điều này cho thấy tỷ lệ vốn chủ sở hữu của các ngân hàng trung ương ở Australia (-2%), New Zealand (3%) và Mỹ (1%) thấp hơn so với Thụy Sỹ. Thụy Điển (10%) và Hà Lan (8%) có tỷ lệ vốn chủ sở hữu của ngân hàng trung ương cao hơn một chút.
Mặc dù ghi nhận khoản lỗ lịch sử, nhưng điều này dường như không ảnh hưởng đến chính sách của SNB. Các nhà phân tích cho biết SNB đã tăng lãi suất ba lần vào năm ngoái lên mức 1% để kiềm chế lạm phát và khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm, lên mức 2% trong năm nay.