Những cầu thủ trẻ Hải Dương ở phố núi Gia Lai
Những cầu thủ trẻ Hải Dương ở phố núi Gia Lai dù xa gia đình song luôn cố gắng để nuôi dưỡng ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai.
Trong khi các bạn cùng trang lứa ngày ngày vẫn có sự chăm bẵm của người thân thì các cầu thủ trẻ người Hải Dương đã chấp nhận đánh đổi hạnh phúc ấy, sống xa gia đình để theo đuổi niềm đam mê với trái bóng tròn. Chặng đường dù còn xa, còn nhiều gian khó nhưng những ánh mắt của các cầu thủ trẻ ấy như khẳng định: họ đang quyết tâm để trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp và họ sẽ thành công!
Những "chàng trai" của phố núi...
Cứ 11 giờ 30, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, chiếc xe buýt màu lá cây lại chầm chậm tiến vào không gian xanh mướt của Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng của Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, ở xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai. Đấy là lúc các cầu thủ lứa U13 của Học viện Bóng đá Nutifood - JMG trở về sau buổi học văn hóa tại Trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương, cách đó chừng 15 km.
Quy định chặt chẽ như trong quân đội, các cầu thủ trẻ ở đây ăn sáng lúc 5 giờ 50, 6 giờ 40 xe đưa đến trường, 11 giờ tan học, 11 giờ 30 về ăn - nghỉ trưa, 14 giờ ra sân tập, 17 giờ xuống bể bơi. Ăn tối xong, 18 giờ vận động tự do, 18 giờ 40 - 20 giờ tự học. Học xong được phát điện thoại để gọi về nhà, chơi game. 21 giờ nộp điện thoại, ăn đêm. 21 giờ 30 tắt đèn đi ngủ.
Mọi việc cứ thế lặp đi, lặp lại. Nhưng những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi ở đây đều răm rắp và hào hứng, cả ở trường cũng như trên sân tập.
Trong số các cầu thủ trẻ ấy có 4 gương mặt người Hải Dương, mới đến với phố núi từ mùa thu năm trước gồm: Trịnh Gia Phát, Nguyễn Gia Khánh và Bùi Quang Huy (Học viện Bóng đá Nutifood - JMG), còn Đặng Văn Ban tập tại Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai.
Với nhiều cầu thủ khác, để đến được phố núi, được ăn tập trong môi trường chuyên nghiệp, với các huấn luyện viên chuyên nghiệp là cả một hành trình dài thì với cậu bé sinh năm 2011 Trịnh Gia Phát này, con đường đến với học viện thật đặc biệt.
Năm 2019, Gia Phát được bố đưa từ thị trấn Cẩm Giang đến Câu lạc bộ Bóng đá trẻ Tiến Linh - CGF ở xã Cao An (cùng huyện Cẩm Giàng) tập luyện. Đến tháng 11.2020, Gia Phát được tuyển chọn vào đội tuyển U10 Hải Dương. Vốn chỉ có một cậu con trai, phần khác do Gia Phát ít được sử dụng trong đội tuyển, đầu tháng 1.2021, gia đình xin thầy cho con trở về học văn hóa. Con đường đến với bóng đá của Gia Phát tưởng như dừng lại thì một ngày, anh Hoàng Hữu Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá trẻ Tiến Linh - CGF và huấn luyện viên Hán Văn Trọng của Trung tâm Bóng đá cộng đồng HVL (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) gợi ý nên cho Gia Phát tiếp tục tập luyện. Đây là 2 người "mát tay" với bóng đá trẻ, đã nhìn ra ở Phát có một tố chất bẩm sinh để có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Một số cầu thủ từ 2 cơ sở này đã bước chân vào môi trường chuyên nghiệp.
Sau lời gợi ý đó, hằng ngày, Gia Phát lại khoác ba lô ngồi sau chiếc xe Cub của bố đến Trung tâm Bóng đá cộng đồng HVL. Và chỉ sau 3 tháng, Gia Phát được đưa vào Gia Lai thi tuyển. Cậu cùng với Gia Khánh và Quang Huy là 3 cầu thủ Hải Dương trúng tuyển vào khóa 3, Học viện Bóng đá Nutifood - JMG. Trong đợt thi tuyển năm 2022, học viện chỉ tuyển được 17 cầu thủ trong tổng số 4.000 học viên trên cả nước.
Gia Khánh quê ở Tứ Kỳ, Quang Huy quê ở Kim Thành, cùng học lớp 7, còn Gia Phát học lớp 6. Vào phố núi đã gần 1 năm, đã quen khí hậu và khẩu vị. Nước da của cả 3 cậu bé đã dần đen nhẻm dưới sương gió cao nguyên và ngày càng rắn rỏi. Ba anh em dù chênh tuổi nhưng luôn ngồi gần nhau mỗi khi xe đón đến trường. Họ coi nhau như anh em, luôn tìm đến nhau mỗi lúc nhớ nhà. Cả với Đặng Văn Ban, người đồng hương cùng tập luyện ở một khuôn viên nhưng thuộc Hoàng Anh Gia Lai cũng thế. Dù có thể chỉ nhìn thấy từ xa, nhưng các cầu thủ trẻ luôn dành cho nhau những cử chỉ hết sức đáng yêu. Những ngày dịch Covid-19, Phát, Khánh, Huy của Nutifood, đứng từ xa, vòng tay hình trái tim lên đầu để chào Ban của Hoàng Anh Gia Lai. Bức ảnh ấy làm ai cũng xúc động. Các cầu thủ trẻ người Hải Dương ở phố núi dù còn nhỏ tuổi, nhưng chững chạc, tình cảm và tự lập để theo đuổi ước mơ.
...trong môi trường chuyên nghiệp
Đến Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng, mới thấy để có một cầu thủ chuyên nghiệp, những người làm bóng đá phải chăm chút thế nào.
Đến như Kiatisuk Senamuang - huyền thoại của bóng đá Thái Lan cũng thế. Anh là cầu thủ của phố núi, rồi bây giờ là thuyền trưởng của Hoàng Anh Gia Lai, cũng đen sạm vì nắng gió. Giấu sau nụ cười tươi rói của anh là những truân chuyên của người làm bóng đá. Anh liên tục hô "Cười tươi lên. Cười tươi để khoe răng đẹp nào", khi thấy Phát, Khánh, Huy đứng tạo dáng cho chúng tôi chụp ảnh. Anh biết các cầu thủ trẻ ấy còn phải gian khổ lắm mới đi được qua một chặng đường dài để có thể bước ra "sân khấu lớn" của nghiệp diễn với trái bóng tròn.
Trên tường quán cà phê Ông Bầu ở khuôn viên Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng bây giờ là hàng loạt các bức ảnh của những cầu thủ đã thành danh từ phố núi. Trên ấy có những Văn Toàn, Văn Thanh của Hải Dương - những cầu thủ khóa 1 góp phần làm rạng danh bóng đá Việt Nam. Đấy là những người chỉ lối để Phát, Khánh, Huy, Ban bước tiếp.
Chị Ngô Đình Phương Ngân, chuyên viên văn hóa và đời sống (Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai) chứng kiến từ những ngày đầu 4 cầu thủ Hải Dương vào dự tuyển. Với chị Ngân, để có một cầu thủ chuyên nghiệp, cả một guồng máy từ tạp vụ, bảo mẫu, cấp dưỡng, bộ phận y tế, chuyên gia y tế, chuyên gia tâm lý, huấn luyện viên thể lực, huấn luyện viên kỹ thuật... giống như những người nông dân. Họ phải cày xới mảnh đất, gieo hạt rồi chờ ngày thu hoạch. Với các cầu thủ cũng vậy, họ như những mầm xanh, càng nhanh, càng khỏe thì mới vươn lên được lên tầm cao.
“Quang Huy nhỏ con, nhiệt tình, khát khao. Thi vào PVF không được nhưng vào được Nutifood. Gia Khánh cũng nhỏ con, nhanh. Ngày mới vào, Khánh ốm, nửa đêm phải đưa đi viện...". Những bước chân chập chững của các cầu thủ trẻ Hải Dương từ những ngày đầu được chị Phương Ngân ghi nhớ. Chị nhớ vì chúng khá nhỏ con nhưng cực kỳ máu lửa. Theo truyền thông của Nutifood, 3 cầu thủ Hải Dương đang phát triển rất tốt về chiều cao về thể lực. Gia Phát hiện cao 1 m 43, trước khi vào là 1 m 41, Gia Khánh khi vào cao 1 m 39,5, nay cao 1 m 46,5; Quang Huy cao 1 m 37,5, khi vào là 1 m 35.
Chị Phương Ngân được cánh báo chí gọi là "Bà trùm" vì có tất cả thông tin về cầu thủ, còn các cầu thủ trẻ gọi là "Chị Mưa", theo tên trên Facebook. Phương Ngân người TP Hồ Chí Minh, là một cổ động viên nhiệt thành của đội bóng phố núi. Rất am hiểu và yêu thích các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, sau này chị trở thành một phần không thể thiếu của đội bóng này.
Trong số các cầu thủ Hải Dương ở đây, Đặng Văn Ban được chị dành nhiều tình cảm hơn cả. Không phải vì hoàn cảnh khó khăn của cầu thủ này mà vì những gì em thể hiện trên sân cỏ. Trong suốt cuộc trò chuyện, Phương Ngân không ít lần xúc động:
- Ngày đầu, Ban nhớ nhà, dễ khóc. Trùm chăn khóc một mình, phải cho bánh, dỗ dành. Bạn ấy ngoan và tiết kiệm. Học ở trường cũng tốt, được tuyên dương. Có thể Ban biết rõ hoàn cảnh của mình nên cố gắng. Đam mê của bạn ấy làm mình xúc động!
Đặng Văn Ban sinh năm 2011 ở Cẩm Giàng, hoàn cảnh khó khăn. Trong lần thi tuyển vào Hoàng Anh Gia Lai, dù hoàn toàn thuyết phục được giới chuyên môn về kỹ thuật và ý chí, nhưng chỉ cao 1 m 30 nên bị loại. Ban đã khóc. Hình ảnh ấy được ông Trần Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Vị Trí Vàng, Trưởng đoàn bóng đá U19, U21 Hoàng Anh Gia Lai khi ấy phát hiện, đứng ra bảo lãnh và nhận làm con nuôi.
Không phụ kỳ vọng của bố Quỳnh và những người yêu quý, Ban đang thể hiện tốt vai trò đội trưởng đội dự tuyển, thi đấu trách nhiệm, máu lửa. Hiện cầu thủ này đang được hỗ trợ dinh dưỡng để tiếp tục phát triển chiều cao.
Vì quy định của đơn vị chủ quản, các cầu thủ trẻ chưa được tiếp xúc với báo chí nhưng theo chị Ngô Đình Phương Ngân, tất cả các cầu thủ trẻ người Hải Dương ở đây đang trong một guồng quay vận hành trơn tru. Nếu có đủ quyết tâm, đây sẽ là những cầu thủ giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức, như những lứa cầu thủ đàn anh người Hải Dương từng thể hiện!