Những cây cầu của dân, do dân

Không quá nhiều người biết, rằng tại Việt Nam từ 2016 - 2021 có một dự án đường và cầu triển khai trên 51 tỉnh thành từ nguồn vốn 6.000 tỉ đồng do Ngân hàng Thế giới cung cấp. Người điều phối dự án là Bộ Giao thông Vận tải. Riêng về hợp phần cầu trong dự án này do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, chỉ tiêu đặt ra là làm 2.300 cầu dân sinh tại 51 tỉnh.

Việc tìm các báo cáo về quy trình và số liệu phân bổ nguồn vốn từ nhà điều phối cũng như chủ đầu tư dự án làm cầu dân sinh từ 2016 đến nay là chuyện không dễ và cần nhiều thời gian, công sức. Chúng tôi chọn cách dễ hơn để kể câu chuyện về những chiếc cầu dân sinh của dân (dân sử dụng) và do dân (nguồn lực làm cầu do dân các nơi và dân tại chỗ đóng góp)...

Đáp ứng đúng nhu cầu của dân là mục tiêu cao nhất

Long An, tính đến tháng 2.2018 đã có 11 cây cầu dân sinh được xây dựng với vốn đầu tư hơn 7,8 tỉ đồng, hầu hết là từ nguồn vận động ngoài ngân sách. Những con số thành tựu dường như chưa làm hé lộ một “kỷ lục” mà ít người biết: trong năm 2017, Long An đã khánh thành gần như cùng lúc bảy chiếc cầu dân sinh kiên cố chỉ trong ba tháng, trong đó hơn 60% chi phí xây cầu được vận động từ các cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Trong bối cảnh các công trình cầu đường do Nhà nước hoặc tư nhân được Nhà nước giao cho làm thường kéo rê về thời gian, đội mức kinh phí và không hiếm trường hợp có vấn đề về chất lượng thì thành tích trên đây của Long An đúng là kỷ lục.

Điều đáng nói nữa ở đây là cả bảy chiếc cầu đã được xây ở Long An trong ba tháng của năm 2017, tuy chiều dài đều không quá 35m nhưng chiều rộng của 6/7 chiếc cầu đó đều trên 3m, trọng tải 2,5 - 4 tấn. Các thông số của chiếc cầu là dựa chủ yếu vào “đặt hàng” của dân: đã làm cầu cho dân thì làm cho chắc chắn, rộng rãi để dân không chỉ thuận lợi đi lại bằng các loại phương tiện mà còn có cơ hội làm ăn với thương lái.

Cầu có rộng, có chắc thì xe có động cơ chở giống má, vật tư nông nghiệp mới vào tận vườn và thương lái mới làm giá mua tốt cho nông dân vì giảm được thời gian vận chuyển và tăng được số lượng hàng hóa chuyên chở so với ghe, thuyền.

Chiếc ô tô chở vật tư nông nghiệp đi qua cầu Bảy Giữ vào ngày khánh thành 27.2.2018

Ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp, khẩu hiệu từ ý nguyện của dân và quyết tâm của cán bộ địa phương đã được ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch Hội Khoa học cầu đường tỉnh thể hiện bằng mấy vần dễ nhớ: “Xóa cầu khỉ; giảm cầu vỉ; tăng cầu ván; ráng cầu xây”.

Theo tinh thần của khẩu hiệu trên, trong năm 2017 Lai Vung đã xây được 21 cây cầu và còn phải xây cấp thời 57 cây cầu nữa trong năm 2018. Cấp thời là vì cầu ván đã hư hỏng quá nặng, ảnh hưởng việc đi lại, học hành, làm ăn của nhân dân. Và quyết tâm của tỉnh, của huyện là chỉ làm cầu bê tông chứ không làm cầu ván nữa.

Còn một ý nguyện nữa của dân đã được chủ tịch huyện Lai Vung và bí thư các xã ghi nhận để bắt đầu thực hiện: chiều rộng của các cây cầu mới nên từ 4m trở lên để dân được thuận tiện hơn nữa trong làm ăn, đi lại. Đồng Tháp là xứ trồng cây ăn trái, sông rạch nhiều, những cây cầu bê tông vững chãi, rộng rãi chắc chắn sẽ tác động tích cực đến việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân và phục vụ phát triển du lịch sinh thái, khai thác tài nguyên bản địa nổi tiếng là đầm sen, hạt sen, lá sen...

Khai thác tốt nguồn lực trong dân nhờ cái tâm của người xây cầu

Mỗi cây cầu dân sinh ở Lai Vung xấp xỉ 300 triệu đồng, tùy theo địa hình. 57 cây cầu phải xây trong năm 2018 làm sao kiếm đủ kinh phí? Nghe thì khó vậy, nhưng hình như Lai Vung nói riêng và Đồng Tháp nói chung có “át chủ bài” mà không phải địa phương nào cũng có để tự tin đạt được chỉ tiêu đề ra.

Thứ nhất, lãnh đạo huyện rất quan tâm đến chương trình giao thông nông thôn, coi đó như một điều kiện “sống còn” cho phát triển. Hoàn thành xong cây cầu nào cũng có lãnh đạo huyện tới dự để động viên người làm cầu và người thụ hưởng cây cầu.

Thứ hai, người dân địa phương đồng thuận cao với việc xây cầu, sẵn sàng tự nguyện đóng góp ngày công trong quá trình thi công.

Thứ ba, Lai Vung có đội thi công cầu thiện nguyện nổi tiếng toàn tỉnh. Nổi tiếng vì chất lượng làm cầu rất cao, thi công rất nhanh, nhiều cây cầu thi công xong còn dư tiền so với dự toán, được đội báo cáo minh bạch và dồn lại để xây cho các cây cầu tiếp theo. Câu chuyện xài không hết tiền dự toán này rõ ràng rất hiếm hoi trong bối cảnh “xây cái gì cũng thiếu tiền, đội tiền”.

Cầu Bảy Giữ ở xã Vĩnh Thới được đội thi công thiện nguyện Lai Vung xây chỉ trong 2 tháng bằng vật liệu bền vững, rộng 3,5m, dài 33m không kể đường dẫn lên cầu. Số tiền thu được để xây cầu theo dự toán là hơn 288 triệu đồng từ nhân dân trong xã, từ các cá nhân hảo tâm trong và ngoài địa phương. Sau khi cầu làm xong, số tiền dư ra hơn 24 triệu đồng được công khai trong lễ khánh thành đã tạo thêm niềm tin cho những cá nhân hảo tâm đã ủng hộ xây cầu trong đó có gia đình ông bà Lê Ba và Hà Thị Huệ.

Ông bà Ba - Huệ là chủ Công ty Gỗ Đức Thành nổi tiếng từ nhiều năm qua trên thị trường hàng gỗ gia dụng ở Việt Nam và một số nước. Truyền thống làm từ thiện đã hình thành từ rất sớm trong gia đình Đức Thành, sau khi ông Ba mất vẫn được bà Huệ và các con tiếp nối, gìn giữ.

Chỉ tính từ vài năm nay, gia đình bà Hà Thị Huệ và các con đã đóng góp 6,5 tỷ đồng để xây các trường học, xây đường giao thông nội bộ, xây cầu ở xã Điện An (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), ở Bến Tre, ở Đồng Tháp; hỗ trợ khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi Đồng II. Trong hoạt động từ thiện ở xã Vĩnh Thới huyện Lai Vung, gia đình bà Huệ và các con đã đóng góp 156 triệu đồng - trong đó 120 triệu là góp vào kinh phí xây cầu Bảy Giữ.

Các con của bà Hà Thị Huệ (từ trái: chị Lê Hải Lài và vợ chồng chị Lê Hải Lý)

Chị Lê Hải Lý, con gái của bà Huệ, từ Đức về thăm nhà dịp Tết Mậu Tuất tâm sự: “Món quà Tết ý nghĩa nhất mà chúng tôi có thể tặng mẹ đó là làm từ thiện như mẹ luôn mong muốn. Thông qua sự giới thiệu của chị Đoàn Lê Hương và các chị trong Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM mà gia đình chúng tôi được tham gia tài trợ chính trong kinh phí xây cầu Bảy Giữ. Mẹ tôi đã trực tiếp cùng Hội Phụ nữ Từ thiện đi khảo sát trước nơi sẽ xây cầu, nhưng vì lý do sức khỏe bà đã không thể tham dự lễ khánh thành”.

Nhìn chiếc xe hơi chở vật tư nông nghiệp chạy qua chiếc cầu Bảy Giữ mới khánh thành vào ngày 27.2.2018, hai chị em Hải Lài - Hải Lý không khỏi xúc động khi thấy gia đình có chút đóng góp vào niềm vui của bà con địa phương, nơi một cây cầu ván cũ nát được thay thế bằng một cây cầu xây mới vững chãi.

Được khích lệ bởi tấm lòng của những cá nhân hảo tâm từ nơi xa đến, những người tham dự lễ khánh thành cầu Bảy Giữ đã được chứng kiến niềm tin cụ thể của người dân tại chỗ trao gửi cho chính quyền xã.

Vợ chồng anh Trần Văn Trường và Nguyễn Thị Kim Tươi đã từng đóng góp xây bốn cây cầu trong huyện Lai Vung trị giá khoảng 2 tỉ đồng, nay cam kết tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây cầu trong năm 2018. Anh Nguyễn Quốc Thái, nhà tại xã Vĩnh Thới đã góp trực tiếp 290 triệu đồng để xã có thể xóa nốt cây cầu ván cũ kỹ cuối cùng trên tuyến đường nối tiếp sau cầu Bảy Giữ. Đây là tiền phúng điếu đám tang mẹ anh Thái, được gia đình tự nguyện đóng góp làm việc thiện.

Chính quyền thực sự quan tâm, tổ chức đội thi công thiện nguyện chất lượng và minh bạch, khích lệ người dân chung tay cải thiện cuộc sống của chính mình. Kinh nghiệm triển khai thực hiện chính sách giao thông nông thôn trên đây của huyện Lai Vung, Đồng Tháp thực sự là nguồn cảm hứng để chúng tôi kể lại câu chuyện về những chiếc cầu dân sinh của dân và do dân.

Chỉ mong nhiều nơi khác có thể làm như Đức Huệ - Long An, như Lai Vung - Đồng Tháp. Chỉ mong xã hội có thêm nhiều cá nhân hảo tâm như gia đình bà Hà Thị Huệ, anh Trường, anh Thái... để kéo dài nhịp cho những chiếc cầu nối bờ vui, nhanh hơn, vững chãi hơn...

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Thanh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-cay-cau-cua-dan-do-dan-12970.html