Những cây cầu dây văng của nước Nga
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, vô số những cây cầu dây văng đã được xây dựng kết nối những vùng đất hai bên bờ giúp cho giao thương nở rộ và trở thành những biểu tượng của các thành phố.
Bên cạnh đó, những cây cầu cũng mang đến cơ hội để các thành phố phô trương sức mạnh kinh tế và năng lực kỹ thuật của mình. Nhiều cây cầu vì thế đã trở thành những biểu tượng của các thành phố, tiểu bang, vùng hay cả quốc gia. Cầu Russky tại Vladivostok1 trên vùng Viễn Đông Nga cũng ra đời với mục đích như vậy.
Nằm trong Vịnh Peter Đại đế ở ngoài khơi bờ biển Vladivostok và bắc qua eo biển hẹp Đông Bosphorus, cây cầu được thiết kế để nối thành phố với hòn đảo rộng lớn có nhiều rừng cây rậm rạp Russky (diện tích 97,6 km2). Trong thời kỳ Xô viết, hòn đảo này có vị trí chiến lược về mặt quân sự vì nó che chắn cho Vladivostok từ phía Nam. Trong hơn 150 năm qua đã có rất nhiều đơn vị quân sự thay phiên nhau đồn trú trên đảo. Mãi đến tận vài năm trước, ngay cả những cư dân của Vladivostok cũng phải xin một loại giấy phép đặc biệt thì mới được đặt chân lên đảo.
Hiện tại, đảo Russky đã được mở cửa đón khách du lịch. Cây cầu Russky tráng lệ được khánh thành vào tháng 7/2012, dài 3.100 mét với phần nhịp chính dài 1.104 m (dài nhất thế giới, hơn cầu Tô Thông2 vượt sông Dương Tử ở Trung Quốc 16 m) và được cố định bằng 168 sợi dây văng, cao 320,9 m.
Cầu Russky được xây dựng để phục vụ hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trên đảo vào tháng 9/2012. Ngay sau khi công bố địa điểm tổ chức hội nghị, chính phủ Nga đã chi hàng tỷ Ruble để cải tạo hệ thống đường bộ và đường sắt của Vladivostok, trong đó cầu Russky chính là khoản đầu tư lớn nhất. Theo báo cáo, công tác chuẩn bị cho APEC 2012 đã tiêu tốn hơn 20 tỷ USD của nước Nga, riêng cây cầu ngốn khoảng 1,1 tỷ USD.
Nhà chức trách Nga đã có kế hoạch nhằm biến đảo Russky thành một trung tâm du lịch quy mô lớn. Ngoài ra, nó cũng được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều người tới làm ăn và học tập – Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU) có khuôn viên chính (main campus) khá đẹp trên đảo. Nhiều khách sạn sang trọng được xây dựng cho khách và đại biểu tham dự APEC lưu trú. Nhưng sau khi APEC kết thúc, sự phát triển đã không diễn ra như mong đợi, thậm chí còn vô cùng trì trệ.
Một trang web khá đông độc giả tại Nga đã bình luận: “Cây cầu được hoàn tất và hội nghị thượng đỉnh đã diễn ra tốt đẹp, nhưng sau đó là gì? Nó được kỳ vọng sẽ giúp FEFU thu hút thêm sinh viên, nhưng ai tới đó để học? Cả các bạn trẻ lẫn thầy cô giáo đều không sẵn lòng rời xa đất liền. Trên đảo thậm chí còn thiếu nước uống – theo lời phàn nàn của một sinh viên”.
Cầu Russky được thiết kế để phục vụ 50.000 lượt phương tiện/ngày, nhưng hiện mới chỉ có vài ngàn ô-tô và xe bus du lịch sử dụng công trình này. Trên đảo cũng chỉ có khoảng 20–30 km đường được rải nhựa, còn lại là đường đất. Trang web du lịch Lonely Planet từng lưu ý du khách: “Tại thời điểm này, Russky vẫn không khác gì hơn là một điểm đến hấp dẫn tự phong”.
Bên cạnh APEC 2012, nước Nga còn đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014. Với kinh phí lên tới gần 51 tỷ USD, đây được xem là kỳ hội thao đắt đỏ nhất trong lịch sử. Sochi 2014 cũng là Thế vận hội Mùa đông đầu tiên có công viên Olympic - với 7 địa điểm tranh tài được xây dựng quây thành hình vòng tròn (biểu tượng của Olympic). Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới lại cho thấy: rất nhiều công trình được xây dựng để phục vụ những sự kiện thể thao lớn thường sẽ bị bỏ hoang sau khi các cuộc tranh tài kết thúc, như tại Athens (2004) và Bắc Kinh (2008). Sochi cũng không phải ngoại lệ khi nơi này hiện trông không khác gì một “thành phố ma” với vẻ hoang tàn và vắng lặng đến lạ thường.
Đó chính là những bài học “nhãn tiền” cho lãnh đạo các quốc gia, rằng không phải cứ xin đăng cai tổ chức thật nhiều sự kiện quốc tế thì sẽ tốt cho sự phát triển. Mọi quyết định liên quan đến chi tiêu ngân sách đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở khoa học và phản biện chuyên gia để tránh gây ra thảm họa kinh tế cho đất nước.