Những cây di sản ở miền Tây xứ Thanh
Chương trình Bảo tồn cây di sản ở Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng có ý nghĩa thiết thực về bảo tồn nguồn gen và khai thác sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững, đáp ứng sự quan tâm của Liên hợp quốc, cộng đồng các nước và các tổ chức quốc tế về bảo tồn.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây di sản
Có dịp đến thăm Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân ở thị trấn Yên Cát, trong khuôn viên của đơn vị chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ thụ của cây thị có tuổi đời khoảng hơn 700 năm. Theo các cụ cao niên nơi đây, cây thị tiếng địa phương còn gọi cây “kỵ”, có từ rất lâu đời, không ai biết rõ cây có tự bao giờ, chỉ biết rằng bao đời người dân sinh ra đã thấy cây đứng sừng sừng ở đó. Các cụ bảo rằng, nói về cây thị thì dài lắm, nhiều câu chuyện được kể lại cho con cháu thực có, hư có cũng không ai kiểm chứng, chỉ biết rằng, nó đã trường tồn cùng rất nhiều hệ người dân nơi đây. Năm 1986, một gia đình sống gần đó có chặt 2 cành phía dưới, sau đó từ vị trí vết chặt đã bật nhiều chồi mới và tỏa tán ngày càng rộng. Hiện nay cây sinh trưởng tốt, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái. Cây thị cổ thụ trải qua biến thiên của lịch sử, thời gian vẫn sừng sừng, tỏa bóng. Nhằm bảo tồn, vinh danh cây thị, Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân đã tiến hành khảo sát thực tế cùng các chuyên gia thực vật, chuyên gia khảo cổ học xác định tuổi đời của cây thị cổ thụ để lập hồ sơ đăng ký và đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội đồng Cây di sản Việt Nam xét duyệt công nhận là cây di sản Việt Nam.
Ông Phạm Văn Phượng, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân cho biết: Cây thị cổ thụ là tài sản vô giá, rất có ý nghĩa về giữ gìn bảo tồn gen, sinh thái môi trường cũng như gắn liền với những giá trị về mặt văn hóa, tinh thần của bà con dân tộc Mường, Thái nơi đây. Tháng 6-2022, cây thị có tuổi đời 700 năm nằm trong khuôn viên Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân đã phối hợp với địa phương bảo vệ nghiêm ngặt cây thị.
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu có 6 cây Chò xanh (tên khoa học Terminalia myriocarpa Henrila) được công nhận là cây di sản Việt Nam vào tháng cuối năm 2022. Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu nằm trên địa bàn 2 huyện Quan Hóa, Mường Lát được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao của Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng. Quần thể 6 cây Chò xanh phân bố ở khu vực Pom Há, Suối Há, Suối Long nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc địa giới hành chính của xã Trung Thành (Quan Hóa). Cây có độ tuổi từ 360 - 510 năm. Cây to nhất có chu vi bạnh vè là 12m, chiều cao vút ngọn đạt 40m. Các cây còn lại có chu vi bạnh vè từ 7,5 - 9,5m, chiều cao vút ngọn đạt từ 25 - 35m. Theo truyền thống và quan niệm của người Thái khu vực này, những cây gỗ lớn tồn tại hàng trăm năm tuổi trong rừng được cho là nơi trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi trú ẩn của những linh hồn người đã khuất. Việc tác động hay chặt hạ những cây cổ thụ được cho là rất kiêng kỵ và không được phép xâm hại, người dân trong khu vực này gọi là cây “Phay Thần”. Việc công nhận quần thể 6 cây Chò xanh là cây di sản Việt Nam góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm, tôn vinh giá trị nhân văn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời góp phần xây dựng ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho Nhân dân địa phương.
Bảo tồn cây di sản
Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục cây cổ thụ có tuổi hàng trăm năm đến nghìn năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh “Cây Di sản Việt Nam”. Đây là niềm tự hào của Nhân dân các địa phương trong tỉnh, nhằm khơi dậy truyền thống bảo vệ cây xanh giữ gìn môi trường và lưu giữ những nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học. Điển hình như cây Sa mu và 2 cây Pơ mu hơn 1.000 năm tuổi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân) là loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới đã được công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2013; Cây đa – thị và cây sui tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân); quần thể 3 cây Chò xanh tại Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Quan Hóa); quần thể 22 cây xà cừ ở thị trấn Nưa (Triệu Sơn) và 1 cây thị tại khuôn viên Hạt Kiểm lâm Như Xuân...
Ông Trịnh Quang Tuấn, Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50 cây di sản đã được công nhận, trong đó có 15 cây di sản đang trực thuộc quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; còn lại trực thuộc chính quyền địa phương. Thời gian qua, chi cục kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, các khu bảo tồn thiên nhiên và các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Như Thanh, Như Xuân đã phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức công nhận, bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản.
Theo ông Trịnh Quang Tuấn, tiêu chí để được công nhận cây di sản Việt Nam bao gồm cây tự nhiên, cây trồng và các cây khác. Để bảo vệ, phát huy giá trị cây di sản, lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền cho Nhân dân trong vùng có cây di sản nhận thức đầy đủ, to lớn về vai trò, ý nghĩa, giá trị các cây di sản được vinh danh để mọi người có ý thức chung tay bảo vệ, giữ gìn nhằm phát huy các giá trị cây di sản trong công tác bảo tồn nguồn gen và phát triển du lịch sinh thái, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về quê hương Thanh Hóa.