Những 'cây sáng kiến' nơi công xưởng

Những năm qua, phong trào thi đua 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo' được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng, thu hút đông cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động trên nhiều lĩnh vực cùng tham gia. Thông qua phong trào thúc đẩy tư duy sáng tạo trong lao động, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khẳng định vị trí tiên phong của giai cấp công nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đôi tay làm nông trở thành đôi tay cải tiến

Xuất thân từ nhà nông, nhiều năm gắn bó với nghề cạo mủ cao su thuê, năm 2015, anh Trần Thế Vịnh (SN 1988) xin vào làm công nhân tại Công ty TNHH Megatec, Khu công nghiệp Chơn Thành (TX. Chơn Thành). “Làm thuê bên ngoài công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên tôi quyết định xin vào công ty với mong muốn tìm kiếm môi trường làm việc ổn định, tác phong công nghiệp, chuyên nghiệp” - anh Vịnh cho biết.

Người thợ trẻ giỏi Trần Thế Vịnh có nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty, tạo môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động

Người thợ trẻ giỏi Trần Thế Vịnh có nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty, tạo môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động

Khi dần quen việc cũng là lúc anh Vịnh phát hiện ngành nghề sản xuất gỗ của công ty, bụi được tạo ra từ tất cả công đoạn như cưa, xẻ, bào, chà nhám. Bụi gỗ không chỉ độc hại mà còn gây bệnh hen phế quản, viêm da, ung thư và dễ gây ra cháy nổ, mất an toàn lao động... Thay vì tìm môi trường làm việc khác, anh Vịnh chọn cách ở lại và lên ý tưởng “cải tiến môi trường lao động thoáng mát, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp cho người lao động”. Tranh thủ giờ nghỉ trưa và Chủ nhật, anh mày mò thiết kế, thử nghiệm. Ròng rã suốt 3 tháng sáng kiến mới hoàn thiện, giúp công ty tiết kiệm được tiền điện chiếu sáng và quạt làm mát 500 triệu đồng/năm. “Khi tôi tập trung nghiên cứu, thử nghiệm sáng kiến, nhiều anh chị em công nhân nói đi làm công ăn lương thì cứ hết giờ là về. Nhưng với tôi, đã làm thì phải làm cho tốt, hết sức có thể vì sự phát triển của công ty và tăng thu nhập cho công nhân” - anh Vịnh chia sẻ.

Trên tinh thần phát huy tư duy sáng tạo, năm 2024, anh Vịnh tiếp tục thành công với sáng kiến “Cải tiến máy bào phôi gỗ từ 2 mặt thành 4 mặt”. Theo đó, tỷ lệ hàng thiếu size từ 15% giảm còn khoảng 7-8%, chất lượng bề mặt gỗ được cải thiện, đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra môi trường làm việc an toàn, giúp công ty giảm chi phí sản xuất hơn 870 triệu đồng/năm.

Không chỉ là “cây sáng kiến”, anh Vịnh sống gần gũi, hòa nhã, thân thiện, là trung tâm của sự đoàn kết công nhân, người lao động trong công ty. “Chính những năng lượng tích cực của anh đã tạo động lực để công nhân gắn bó lâu dài, coi công ty như mái nhà thứ hai ấm áp, nghĩa tình” - chị Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Megatec chia sẻ.

Với những nỗ lực không ngừng, anh Vịnh được UBND tỉnh tặng bằng khen “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” năm 2024 và nhận được nhiều chế độ đãi ngộ từ công ty như: thưởng sáng kiến, tăng lương, tăng cấp lên vị trí Tổ trưởng tổ bào 4. Anh Vịnh vui mừng chia sẻ: “Đây vừa là những phần thưởng danh giá đối với bản thân, cũng là động lực giúp tôi và anh em công nhân có thêm nhiệt huyết tiếp tục cống hiến, nghiên cứu nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần xây dựng công ty ngày càng vững mạnh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương”.

Công nhân thời đại 4.0

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Điện lực Miền Bắc, năm 2013, anh Đinh Công Hoan (SN 1988) về làm việc tại Nhà máy Thủy điện Đak Glun, xã Đường 10, huyện Bù Đăng. Công việc hằng ngày của anh là tham gia công tác kiểm tra bảo dưỡng định kỳ thiết bị máy móc, hỗ trợ các thành viên trong khâu vận hành thiết bị tính toán lưu lượng nước về hồ, công suất và thời gian chạy máy... Để đáp ứng yêu cầu công việc, anh Hoan thường xuyên cập nhật, nghiên cứu thêm tài liệu chuyên ngành. “Điện thoại thông minh, máy tính chính là “công cụ lao động” để tôi có thể tự nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật. Trên không gian số có kho lưu trữ dữ liệu khổng lồ với chi phí thấp. Tôi có thể vừa học vừa ứng dụng rất tiện lợi” - anh Hoan chia sẻ.

Với vai trò trưởng ca vận hành Nhà máy Thủy điện Đak Glun, anh Đinh Công Hoan luôn tích cực hỗ trợ đồng nghiệp ứng dụng công nghệ trong công việc hằng ngày

Với vai trò trưởng ca vận hành Nhà máy Thủy điện Đak Glun, anh Đinh Công Hoan luôn tích cực hỗ trợ đồng nghiệp ứng dụng công nghệ trong công việc hằng ngày

Chính từ sự sâu sát công việc hằng ngày, tinh thần tự giác học tập, nâng cao trình độ, nhất là ứng dụng công nghệ trên các hạ tầng số hóa… đã giúp anh Hoan trở thành lao động giỏi, đảng viên tiêu biểu, là trưởng ca vận hành nhà máy. “Ở vị trí quán xuyến cả ca vận hành, tôi sớm tìm ra những hạn chế chưa ứng dụng tốt công nghệ số. Mục tiêu sáng kiến của tôi là giảm sức lao động, chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả cho đơn vị” - anh Hoan bày tỏ.

Sáng kiến đầu tiên được anh tập trung nghiên cứu là “Số hóa cách ghi số liệu vận hành”. Nếu như trước đây, nhà máy phải mất khoảng 4 giờ/ngày để ghi các số liệu và chi phí in sổ sách 100 ngàn đồng/tháng, thì hiện nay Nhà máy Thủy điện Đak Glun đã áp dụng quy trình sáng kiến của anh Hoan, số liệu được cập nhật liên tục trong quá trình vận hành, thời gian để cập nhật số liệu giảm còn 2 giờ/ngày và không phải mất thêm chi phí in sổ sách.

Sau thành công của ứng dụng nêu trên, anh Hoan tiếp tục nghiên cứu cho ra đời sáng kiến thứ 2 “Số hóa phần mềm KIV”. Đây là ứng dụng giúp nhà máy tính toán lượng mưa và nước về hồ, từ đó giảm thiểu thất thoát nước tràn qua đập tràn hằng năm khoảng 30%, tương đương làm tăng thêm doanh thu khoảng 150 triệu đồng/năm.

Anh ĐinhCông Hoan say mê nghiên cứu và ứng dụngSố hóa cách ghi số liệu vận hành”, “Số hóa phần mềm KIV” tại Nhà máy thủy điện Đak Glun

Trong công việc, anh Hoan thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn công nhân biết cách ứng dụng tối ưu chuyển đổi số trong công việc thường ngày. “Một trong những lực đẩy để đơn vị vượt khó vươn lên chính là nhờ đội ngũ công nhân lao động lành nghề gắn bó, giàu sáng kiến, điển hình là anh Hoan. Người thợ trẻ giỏi này đã góp phần cùng Ban Giám đốc đưa hoạt động của công ty ngày càng chuyên nghiệp theo xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại 4.0” - ông Trần Văn Huyền, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đak Glun chia sẻ.

Những “người thợ trẻ giỏi” như anh Trần Thế Vịnh và Đinh Công Hoan là minh chứng rõ nét của phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đang ngày càng lan tỏa, hiệu quả ở các doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó góp phần tô điểm thêm hình ảnh người công nhân thời đại 4.0 luôn cần mẫn cống hiến, không chỉ vì kế sinh nhai mà còn vì niềm tin vào chính vai trò, vị trí của công nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thu Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/170977/nhung-cay-sang-kien-noi-cong-xuong