Những chặng tiếp theo trong hành trình chinh phục không gian của Ấn Độ
Ấn Độ chuẩn bị khởi động sứ mệnh không gian tiếp theo nhằm nghiên cứu Mặt trời và tác động của nó đến thời tiết vũ trụ, chỉ vài ngày sau thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3 đổ bộ xuống cực nam Mặt trăng.
Dưới đây là một số điểm nhấn của các sứ mệnh tiếp theo trong hành trình chinh phục không gian của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO).
ADITYA-L1
Aditya L1 (Aditya trong tiếng Hindi nghĩa là Mặt trời) là sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời đầu tiên của Ấn Độ. Dự kiến phóng ngày 2/9 tại cảng vũ trụ chính ở Sriharikota, tàu thăm dò này sẽ di chuyển 1,5 triệu km trong khoảng 4 tháng để nghiên cứu khí quyển của Mặt trời.
Điểm đến của Aditya-L1 là điểm Lagrange 1, một vị trí trong không gian nơi các vật thể có xu hướng đứng yên do lực hấp dẫn đạt trạng thái cân bằng, nhờ đó có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu cho tàu.
Nhiệm vụ của Aditya L1 là quan sát các hoạt động của Mặt trời và ảnh hưởng của chúng đến thời tiết vũ trụ trong thời gian thực.
Năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt khoản ngân sách khoảng 46 triệu USD để thực hiện sứ mệnh Aditya-L1. Tuy nhiên, phía ISRO hiện vẫn chưa cập nhật con số chính thức.
GAGANYAAN
Sứ mệnh không gian có phi hành đoàn đầu tiên của Ấn Độ (trong tiếng Hindi, “Gagan” có nghĩa là bầu trời, “yaan” nghĩa là tàu) dự kiến phóng tàu vũ trụ đưa phi hành đoàn gồm 3 thành viên lên quỹ đạo cách Trái đất 400km. Sứ mệnh kéo dài 3 ngày trước khi tàu hạ cánh xuống vùng biển Ấn Độ.
ISRO cho biết, Trung tâm vũ trụ Vikram Sarabhai đã thử nghiệm thành công các hệ thống nhằm ổn định mô-đun phi hành đoàn và giảm vận tốc của nó một cách an toàn trong quá trình quay trở lại khí quyển.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, khoảng 90,23 tỷ rupee (1,08 tỷ USD) đã được phân bổ cho chương trình Gaganyaan. ISRO cho hay, sứ mệnh này nhằm mục đích đạt được sự hiện diện bền vững của con người trong không gian.
Mặc dù chưa đưa ra thời điểm phóng chính thức, song theo ISRO, sứ mệnh Gaganyaan nhiều khả năng sẽ sẵn sàng vào năm 2024.
VỆ TINH NASA-ISRO SAR (NISAR)
NASA-ISRO SAR (NISAR) là hệ thống quan sát quỹ đạo Trái đất tầm thấp do NASA và ISRO cùng phát triển.
NISAR sẽ lập bản đồ toàn bộ hành tinh 12 ngày một lần, cung cấp dữ liệu phục vụ nghiên cứu những thay đổi trong hệ sinh thái, băng khối, sinh khối thực vật, nước biển dâng, nước ngầm và các hiểm họa tự nhiên bao gồm động đất, sóng thần, núi lửa và lở đất.
Có kích thước gần bằng một chiếc SUV, vệ tinh NISAR dự kiến sẽ được phóng từ Ấn Độ vào quý đầu năm 2024, có thể là tháng 1.
VỆ TINH X-RAY POLARIMETER (XPoSat)
Ấn Độ cũng đang trong quá trình chuẩn bị cho sứ mệnh đo phân cực chuyên dụng đầu tiên để nghiên cứu các nguồn tia X vũ trụ.
Sứ mệnh này nhằm mục đích mở ra những chân trời mới trong vật lý thiên văn năng lượng cao và sẽ cho phép nghiên cứu chuyên sâu về các ngôi sao neutron và nguồn gốc hố đen vũ trụ.
ISRO hiện chưa ấn định thời điểm cụ thể khởi động sứ mệnh này.
CÁC SỨ MỆNH KHÔNG GIAN TRONG QUÁ KHỨ
* Chandrayaan-3: Ngày 23/8, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu hạ cánh an toàn xuống vùng cực nam của Mặt trăng. Sứ mệnh này vẫn đang tiếp diễn, và ISRO cho biết tàu thăm dò của họ đã xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh, sắt, oxy và các nguyên tố khác trên Mặt trăng.
* Chandrayaan-2: Năm 2019, ISRO khởi động sứ mệnh Mặt trăng thứ hai, đồng thời cũng là nỗ lực đầu tiên của tổ chức này nhằm nghiên cứu cực nam Mặt trăng. Sứ mệnh bao gồm một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu thăm dò. Mặc dù được kỳ vọng rất cao, song sứ mệnh này đã không thành công khi tàu đổ bộ rơi xuống và va chạm với bề mặt Mặt trăng.
* Sứ mệnh tàu quỹ đạo sao Hỏa (MOM): Năm 2013, ISRO trở thành cơ quan vũ trụ thứ tư đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo sao Hỏa. Dù dự kiến chỉ kéo dài trong 6 tháng, song sứ mệnh MOM duy trì liên lạc với bộ phận điều khiển mặt đất mãi đến năm 2022.
* Chandrayaan-1: Sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ được phóng thành công vào năm 2008. Vệ tinh Chandrayaan-1 đã thực hiện hơn 3.400 vòng quỹ đạo quanh Mặt trăng và xác nhận sự hiện diện của băng nước trên thiên thể này. Sứ mệnh kết thúc vào tháng 8/2009 khi ISRO mất liên lạc với Chandrayaan-1.