Những chàng trai chơi đồng hồ tiền tỷ

Nam Võ sở hữu Patek Philippe Nautilus có giá khoảng 4 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong số nhiều chiếc đồng hồ thuộc bộ sưu tập của anh.

“Những người tầm cỡ nhìn nhận nhau qua chiếc đồng hồ đeo tay, chứ không phải quần áo hay xế hộp”, đó là câu nói tâm đắc của Nam Võ (28 tuổi, TP.HCM) khi ai đó hỏi anh về thú chơi đồng hồ xa xỉ.

Nam bắt đầu theo đuổi, tìm hiểu về đồng hồ từ năm 2017. Anh không tiết lộ tổng số đồng hồ hiện có, nhưng cho biết sở hữu một tủ kính khiêm tốn, vừa đủ cất giữ, bảo quản loạt phụ kiện đeo tay mà bản thân yêu thích.

Doanh nhân này hiếm khi nào ra đường mà không mang theo đồng hồ. Tùy tính chất công việc, hoạt động mỗi ngày, anh lựa chọn cho mình một mẫu phù hợp.

“Đối với tôi, chiếc đồng hồ nói lên nhiều điều về một người đàn ông. Một mẫu đồng hồ sang trọng, tinh tế không chỉ thể hiện họ vững mạnh về tài chính mà còn tạo nên dáng vẻ khỏe khoắn, lịch thiệp…”, anh chia sẻ cùng Zing.

Đam mê

Nam Võ nhớ lại chiếc đồng hồ hàng hiệu đầu tiên mà anh sở hữu - Hublot Classic Fusion Ceramic King Gold 541.CO.1781.RX với giá hơn 300 triệu đồng.

Trước khi mua, anh dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu. Mẫu phụ kiện này có tên “the Art of Fusion”, là sự kết hợp của nhiều chất liệu khác nhau như vàng, carbon và ceramic.

 Cận cảnh những chiếc đồng hồ của Nam Võ, có chiếc lên đến hơn 4 tỷ đồng.

Cận cảnh những chiếc đồng hồ của Nam Võ, có chiếc lên đến hơn 4 tỷ đồng.

Trong đó, vàng King Gold được xem là loại vàng độc quyền của thương hiệu Hublot. Thời điểm đó, phiên bản sử dụng chất liệu này có giá cao hơn hẳn so với loại phổ thông, nhưng Nam không tiếc tiền đầu tư.

“Tôi yêu thích tinh thần ‘Hublot’ trên chiếc đồng hồ này. Với tôi, nó không những mang giá trị vật chất mà còn rất có ý nghĩa về tinh thần”, anh nói thêm.

Ngoài ra, Nam còn sở hữu Patek Philippe Nautilus 5990/1A-001 và Rolex Day Date Diamond Bezel phiên bản đặc biệt.

“Tôi sẵn sàng chi 4,2 tỷ đồng để có được chiếc đồng hồ Rolex phiên bản này. Giá của những bản thường chỉ khoảng 2 tỷ đồng mà thôi”, anh bày tỏ.

Nam giải thích sở dĩ chiếc đồng hồ Rolex này độn giá là do mặt đồng hồ được làm từ ngọc trai, dây Pearlmaster kết hợp từ 3 loại vàng bao gồm vàng kim, vàng trắng và vàng hồng. Những chi tiết đặc biệt này đều do anh đặt riêng mới có.

“Tôi mua đồng hồ nhưng không hề quan tâm đến giá bán lại, sang tay. Tôi chỉ đánh giá nó dựa trên giá trị sưu tầm”.

Tương tự Nam Võ, Minh Quảng (30 tuổi, Hà Nội) cũng có đam mê với những chiếc đồng hồ xa xỉ.

Năm 2013, anh mua chiếc Longines Master bản demi vàng 18k với giá khoảng 25 triệu đồng.

Chia sẻ với Zing, anh cho biết mình yêu thích tìm hiểu về lịch sử của các thương hiệu, ngoài ra còn rất tò mò về cỗ máy thời gian bên trong những chiếc đồng hồ.

Đến hiện tại, anh nhẩm tính mình đã chi khoảng hơn một tỷ đồng và sở hữu trên dưới 10 chiếc đồng hồ với những thương hiệu, kiểu dáng khác nhau.

Trong đó, mẫu đắt đỏ nhất là Zenith Chronomaster phiên bản 2021, có giá khoảng 250 triệu đồng.

“Với người chơi đồng hồ, chi bao nhiêu tiền cũng không đủ, chiếc này đắt sẽ còn chiếc khác đắt hơn. Quan trọng, chúng ta nên biết thế nào là phù hợp và phản ánh đúng bản sắc cá nhân”, anh nói.

Một trong những chiếc đồng hồ đắt tiền của Quốc Thuận.

Một trong những chiếc đồng hồ đắt tiền của Quốc Thuận.

Trong khi đó, với Quốc Thuận (22 tuổi, TP.HCM), niềm đam mê với đồng hồ trỗi dậy khi anh xem những hình ảnh từ các thương hiệu như Rolex, Patek Philippe qua Internet, tạp chí…

Năm 2020, chàng trai sở hữu chiếc đồng hồ đầu tiên - Rolex Cosmograph Daytona 116500LN có giá khoảng một tỷ đồng.

“Đây là chiếc đồng hồ tôi rất thích bởi là dòng thể thao bán chạy nhất của Rolex và được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới lựa chọn”, anh nói thêm.

Quốc Thuận cho biết có những mẫu đồng hồ được săn đón đến mức rất khó mua trực tiếp tại cửa hàng. Lúc này, những ai thật sự yêu thích đồng hồ như anh phải sẵn sàng bỏ ra gấp nhiều lần giá bán ban đầu để sở hữu mẫu phụ kiện trong mơ.

Khoản đầu tư cho tinh thần, tài chính

Theo Nam Võ, giá trị của đồng hồ phụ thuộc nhiều vào nhiều thứ, bao gồm thương hiệu, mẫu mã, độ khan hiếm và mức độ ưa chuộng của giới thượng lưu.

 Nam Võ biết rõ giá trị của những chiếc đồng hồ mình có, nhưng quyết tâm không bao giờ bán lại.

Nam Võ biết rõ giá trị của những chiếc đồng hồ mình có, nhưng quyết tâm không bao giờ bán lại.

Đến nay, anh chưa từng sang tay bất cứ món phụ kiện nào của mình dù được trả giá cao. Anh xem đồng hồ như một bộ sưu tập riêng của mình, thể hiện bản sắc và cá tính.

“Tôi chỉ mua thêm chứ không bán đi, vì mỗi chiếc đồng hồ của tôi đều có giá trị và tinh thần riêng”.

Sắp tới, anh dự định bổ sung vào bộ sưu tập của mình chiếc Patek Philippe Celestial Grand Complications 6104R-001 có giá khoảng 12 tỷ đồng.

“Chiếc đồng hồ tinh tế trên tay người đàn ông hiện đại có thể nói là một bảo chứng cho sự thành công. Với tôi, xuất hiện trong một trang phục chỉn chu cùng một chiếc đồng hồ đẹp đã đủ nói lên tất cả”, anh cho hay.

Khác với Nam Võ, Minh Quảng là người đã sang tay nhiều chiếc đồng hồ vì thích đổi mới và trải nghiệm những cỗ máy khác nhau.

Anh nhận xét việc bán lại đồng hồ chắc chắn sinh lời, nhưng bên cạnh đó vẫn đi kèm với nhiều rủi ro.

“Chưa chắc chúng ta đã đủ tầm nhìn để biết một chiếc đồng hồ sẽ trở thành biểu tượng và tăng giá chóng mặt trong tương lai. Tuy nhiên, các thương hiệu lớn như Rolex, Patek Philippe đều giữ giá rất tốt. Tôi cũng thường đầu tư mua những mẫu đồng hồ thuộc thương hiệu này”, anh nói.

Đồng hồ được cho là món phụ kiện thể hiện cá tính và sự thành đạt của nam giới. Nhiều chàng trai sẵn sàng chi số tiền lớn để sở hữu mẫu đồng hồ thời thượng, được nhiều người săn tìm.

Các thương hiệu đồng hồ đến từ châu Âu không còn xa lạ ở các quốc gia châu Á. Tờ China Daily cho biết, cơn sốt đồng hồ Thụy Sỹ không hề thuyên giảm ở Trung Quốc suốt 30 năm qua.

Năm 2021, doanh số bán đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ giảm 23% trên toàn cầu, nhưng số khách hàng ở Trung Quốc vẫn chiếm đến 20% tổng doanh số. Thậm chí, con số này còn thấp vì chưa kể đến những người Trung Quốc mua đồng hồ hiệu tại các cửa hàng ở Hong Kong hoặc châu Âu.

Trong khi đó, tại Nhật Bản Hàn Quốc, người trẻ xem đồng hồ là một hình thức đầu tư đáng quan tâm. Nhiều chuyên gia nhận định đây vẫn là xu hướng đầu tư sẽ được nhân rộng và kéo dài trong vài năm tới.

Thống kê từ Bob’s Watches cho thấy khi nói đến tỷ lệ phần trăm tăng lên, đồng hồ Rolex vượt trội hơn đáng kể so với cả vàng và bất động sản. Điều này dựa trên các giá trị được điều chỉnh theo lạm phát đối với giá vàng do macrotrends.net cung cấp và dữ liệu giá bán trung bình của các ngôi nhà được bán ở Hoa Kỳ từ cơ sở dữ liệu Dữ liệu Kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (FED).

Theo đó, giá trung bình của một chiếc đồng hồ Rolex đã qua sử dụng đã từ dưới 5.000 USD vào năm 2011, lên hơn 13.000 USD vào cuối năm 2021. Điều quan trọng là mức tăng giá của đồng hồ Rolex kể từ khi bắt đầu đại dịch (đầu năm 2020) gần bằng tổng mức tăng giá trong 5 năm trước đó, và xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại khi chúng ta bước sang năm mới.

Mỹ Trinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-chang-trai-choi-dong-ho-tien-ty-post1349517.html