Những chiếc cột đèn vượt đỉnh Trường Sơn
Sau ba năm phát động chương trình 'Ánh sáng vùng biên' của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình, những bản làng ở biên giới xa xôi, ở vùng khó khăn nhất đã có ánh sáng đèn đường vào mỗi đêm. Cho đến bây giờ, người dân ở nhiều bản làng ở vùng khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình cũng không nghĩ rằng mình đã và đang được sống trong ánh điện sáng của sự nỗ lực của chính quyền các cấp, của tình cảm sự chung tay và chia sẻ của toàn xã hội để những vùng khó có những thay đổi trong đời sống của bà con dân tộc…
Những cột đèn băng đèo vượt suối…
Qua 3 năm thực hiện mô hình "Ánh sáng vùng biên", các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đã huy động hơn 4.500 ngày công, phối hợp xây dựng 101 công trình đèn điện chiếu sáng với tổng chiều dài gần 96km; tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng, tại các bản, làng trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Mô hình thực sự mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng biên giới.
Dốc Mây - bản làng của 25 hộ dân với hơn 130 nhân khẩu là bà con đồng bào dân tộc thuộc xã Trường Sơn (Quảng Ninh - Quảng Bình) là nơi được xem "biệt lập" giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Muốn đến với Dốc Mây, những đôi chân phải cuốc bộ khoảng 15km vượt những con dốc gần như thẳng đứng hay lội qua những con suối phủ đầy rong rêu, những phiến đá tai mèo lởm chởm rất nguy hiểm. Ở Dốc Mây, bà con đang sinh sống trong điều kiện không có điện lưới, không có đường đi và thiếu thốn về cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế, giáo dục phục vụ bà con nhân dân… Chừng đó đủ cho mọi người nhận thấy được sự khó khăn biết nhường nào đối với bà con.
Chia sẻ những khó khăn đó, Đồn Biên phòng Làng Mô (Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình) cùng chính quyền các cấp và các mạnh thường quân đã xây dựng cho bản Dốc Mây công trình "Ánh sáng vùng biên" rất ý nghĩa. Những cột đèn ấy đã băng rừng, vượt suối trên những đôi vai người chiến sĩ, những cột đèn ướt đẫm mồ hôi và công sức, ý chí của các cán bộ chiến sĩ cùng bà con dân bản. Công trình thực sự ý nghĩa khi bà con dân bản hân hoan với cuộc sống mới bởi trước đây trong những đêm tối, họ phải sống trong ánh đèn dầu, những ánh sáng yếu ớt từ những bóng đèn điện từ máy phát điện cũ kĩ của bà con đặt ở con suối đầu bản.
Anh Hồ Xy, Trưởng bản Dốc Mây vui mừng tâm sự: Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, và Bộ đội Làng Mô (Bộ đội Biên phòng đồn Làng Mô) bản Dốc Mây đã không còn nhiều khó khăn như trước; giờ đây, bà con đã biết canh tác, sản xuất, trẻ nhỏ đều được đến trường học chữ. Đặc biệt, niềm vui còn lớn hơn, bởi từ nay, nhiều tuyến đường được thắp sáng bởi ánh đèn điện. Tất cả đều là sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh Quảng Bình.
Có thể thấy rằng, "Ánh sáng vùng biên" được xây dựng ở Dốc Mấy chính công trình có ý nghĩa thiết thực, nhằm bảo đảm tốt an ninh trật tự trong bản, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho bà con. Mặc dù phải di chuyển khối lượng vật chất rất lớn, quãng đường xa, địa hình phức tạp, trong điều kiện thời tiết không được thuận lợi nhưng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng và đoàn viên, thanh niên trong xã cùng đông đảo nhân dân đã xác định tốt tinh thần trách nhiệm, quyết tâm triển khai xây dựng công trình trao tặng cho bà con trong bản Dốc Mây.
… "Vượt biên" chia sẻ tình yêu thương
Không chỉ Dốc Mây, đối với công trình "Ánh sáng vùng biên" là một trong những công trình ý nghĩa của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình trong những năm qua dành cho bà con dân tộc sinh sống ở vùng biên giới, vùng núi khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Xuất phát từ ý tưởng chia sẻ với những khó khăn của người dân nơi biên giới, năm 2019 Đồn Biên phòng Cà Xèng (Minh Hóa - Quảng Bình) đã phối hợp thực hiện thí điểm xây dựng đèn điện chiếu sáng với tổng chiều dài 2,5km, trị giá hơn 31 triệu đồng.
Công trình "Ánh sáng vùng biên" được Bộ tư lệnh BĐBP lựa chọn là mô hình "Dân vận khéo" và chỉ đạo nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước là bởi hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trường Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tâm sự: Với ý nghĩa và những hiệu quả thiết thực từ công trình thí điểm này mang lại, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã đặt tên cho công trình là "Ánh sáng vùng biên", đồng thời chỉ đạo, triển khai nhân rộng thực hiện ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Các công trình đã giúp nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần cho người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng khu vực biên giới. "Ánh sáng vùng biên" là mô hình tiêu biểu minh chứng cho tình đoàn kết quân-dân, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP với nhân dân, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.
Không dừng lại ở những bản làng xa xôi hẻo lánh của tỉnh Quảng Bình, công trình "Ánh sáng vùng biên" đã "vượt biên" sang bên kia biên giới giúp bà con vùng khó khăn của tỉnh bạn Khăm Muồn (Lào) có được ánh sáng đèn điện trải dài ở bản làng mình. Bản Na Chắt là bản làng của những người dân Lào còn gặp quá nhiều khó khăn đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình lựa chọn để xây dựng công trình "Ánh sáng vùng biên" đầy ý nghĩa này.
Không chỉ ở Na Chắt, khi ánh sáng được thắp lên ở hai bên biên giới vào những đêm tối đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân hai nước Việt – Lào anh em. Công trình mang ý nghĩa rất đặc biệt này thể hiện tình hữu nghị đoàn kết quân-dân hai bên biên giới sẽ được triển khai trong thời gian tới… Đại tá Trịnh Thanh Bình khẳng định.
Bà Nang Lo, 78 tuổi ở bản Na Chắt vui vẻ: "Từ ngày có đèn đường chiếu sáng, bản Na Chắt vui hơn, tối đến, mọi người tập trung quây quần trò chuyện, trẻ nhỏ thỏa sức vui đùa. Điện chiếu sáng xuyên đêm trên các trục đường, an ninh được bảo đảm hơn, mọi người không còn ngại bóng tối, nhất là những lúc mưa gió. Mừng lắm, cảm ơn Biên phòng Việt Nam nhiều lắm!".
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Chương trình "Ánh sáng vùng biên" của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thực sự đó là một hoạt động ý nghĩa ở khu vực biên giới xa xôi. Mỗi công trình được hoàn thành đồng nghĩa với việc hỗ trợ đời sống bà con được nâng lên, diện mạo nông thôn mới thêm phần khởi sắc; khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng vì thế cũng xích lại gần hơn.
"Không chỉ là ánh sáng của đèn điện bình thường, "Ánh sáng vùng biên" còn mang ánh sáng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; ánh sáng của tiến bộ, văn minh đến với đồng bào dân tộc thiểu số mà những cán bộ, chiến sĩ thuộc BĐBP tỉnh Quảng Bình là đơn vị vinh dự được giao trọng trách thực hiện. Đó chính là thành công lớn nhất mà mô hình này mang lại"…
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhung-chiec-cot-den-vuot-dinh-truong-son-2023012311271628.htm