Những 'chiếc gương' làm cha mẹ

Trên con ngõ hẹp dẫn đến cổng trường tiểu học, một chiếc ô tô 4 chỗ vẫn cố chen vào dòng người, chủ yếu là cha mẹ chở con đi học, cho dù đầu ngõ đã có biển báo cấm xe hơi. Ngay lập tức, con ngõ tắc nghẽn, hàng trăm người 'chôn chân' trong khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt.

Khỏi phải nói sự tức tối của đám đông với người lái ô tô, cũng là phụ huynh chở con đến trường. Tôi biết người ta tức không hẳn vì cái ghen tị của người chạy xe máy với người đi ô tô, bởi trong số phụ huynh đi xe máy, không ít người cũng có xe hơi.

Không rõ cảm xúc của đứa trẻ trong xe ra sao khi chứng kiến cảnh các bạn ở ngoài đang đội mưa, trong khi nó yên ổn trong xe, trong khi mọi người xung quanh đang bày tỏ sự tức giận với hành vi của bố nó. Và cũng không rõ lúc đó bố đứa bé nghĩ sao, có thấy hối hận với hành vi của mình hay không.

Nhưng những chiếc ô tô vẫn ngày 2 buổi sáng chiều đi vào ngõ để cắt ngắn một đoạn đường đưa con đến trường, bất chấp sự tức tối của đám đông.

Chúng ta vẫn thường dạy trẻ những điều tốt đẹp, như phải chăm học, phải lễ phép với người lớn, ra đường phải tuân thủ luật giao thông, có hành vi đúng đắn nơi công cộng… Nhưng trong số những bậc cha mẹ nói lời hay ý đẹp, nói những lời đạo lý ấy, vẫn có những người sẵn sàng thực hiện những hành vi đi ngược với chính lời nói của mình. Họ nói con tuân thủ pháp luật nhưng khi đưa con đến trường lại sẵn sàng đi ngược chiều, lao vào đường cấm, gây cản trở sự đi lại của người khác, khi bị phản ứng thì sẵn sàng chửi bới, to tiếng.

Cha mẹ chính là tấm gương, là những thầy giáo, cô giáo lớn nhất của con cái. Hành vi của cha mẹ tác động rất lớn đến trẻ. Một nghiên cứu của Viện Tâm lý học cho thấy nguyên nhân trẻ vị thành niên phạm pháp do ảnh hưởng của gia đình chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Cha mẹ làm sai, con bắt chước.

Theo một thống kê tội phạm học, trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%, 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút. Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn có hành vi thiếu văn hóa, lối sống thiếu đạo đức và thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa hay đánh chửi nhau, đánh bạc, nghiện rượu, nghiện ma túy, buôn lậu, trộm cắp, tham ô..., trẻ dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo, dẫn tới đồng lõa với hành vi phạm pháp.

Trẻ em học hỏi chủ yếu thông qua quan sát và bắt chước. Hành vi của cha mẹ là nguồn “học liệu” quan trọng cho trẻ, ảnh hưởng đến cách trẻ suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Cha mẹ thể hiện những giá trị đạo đức, thái độ và cách cư xử tốt đẹp sẽ truyền cảm hứng cho trẻ noi theo. Ngược lại, những hành vi tiêu cực như bạo lực, nói dối, thiếu tôn trọng, vi phạm pháp luật sẽ có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ.

Cha mẹ và thầy cô giáo đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ, tuy nhiên vai trò của cha mẹ có thể được xem là lớn hơn so với thầy cô bởi họ ảnh hưởng đến con cái ngay từ khi trẻ sinh ra và tiếp tục trong suốt cuộc đời. Họ tác động trực tiếp đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ, từ nếp sống, thói quen, đạo đức, giá trị quan đến nhân cách.

Cha mẹ hãy là tấm gương tốt, dạy trẻ bằng cả lời nói tốt và hành vi đúng đắn, nếu không muốn biến thế hệ tương lai “miệng nói đạo lý” nhưng hành động thì ngược lại.

A.Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-chiec-guong-lam-cha-me-10278561.html