Những chiếc hũ đựng hoàng thổ

Vùng Cố An ngoại ô Kinh thành có con sông Huân Hà vốn nước trong xanh không những để tưới cho đồng ruộng mà còn là nguồn nước để người và gia sús uống. Nhưng cuối nhà Minh và đầu nhà Thanh thường xảy ra các cuộc chiến tranh nên việc trị lý bị lãng quên cộng với yếu tố tự nhiên phù sa lắng đọng nâng đáy sông lên cao nên vào mùa mưa thường gây ra nạn lụt.

Sau khi được bổ nhiệm làm Tuần phủ không lâu ông Vu Thành Long đã có kế hoạch trị lý cải tạo sông Huân Hà, nhưng dân chúng trong vùng vừa trải qua nạn đói cuộc sống vẫn chưa hồi phục nên ông ăn không ngon ngủ không yên.

Một ngày, Tuần phủ Vu lên Kinh đô để nhận 200 ngàn lượng bạc cứu trợ thiên tai do triều đình phân bổ. Cuối buổi thiết triều Hoàng đế Khang Hy hỏi các vị đại thần: “Từ khi trẫm lên ngôi chiến tranh xảy ra liên miên, hiện nay thiên hạ thái bình bách tính an cư lạc nghiệp nên trẫm rất muốn đi vi hành một chuyến. Vậy xung quanh Kinh thành có nơi nào đẹp để vui chơi không?”.

Tất cả mọi người đều hướng ánh mắt về phía Tuần phủ Vu vì xung quanh Kinh thành là do ông quản lý nên ông là người hiểu biết nhất. Tuần phủ Vu suy nghĩ một lúc rồi tấu: “Thưa Bệ hạ, Cố An nhiều phong cảnh đẹp lại có Thái Tử Tam Công, có một dải đai ngọc Bệ hạ có thể du lãm”.

Nghe nói Cố An có nhiều cảnh đẹp Hoàng đế Khang Hy rất vui và cùng đoàn tùy tùng liền khởi hành đi du lãm Cố An. Sau khi đi dạo một vòng thấy không có gì đặc sắc vị Hoàng đế tỏ ra không vui hỏi ông Tuần phủ Vu danh lam thắng cảnh ở đâu?

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tuần phủ Vu chỉ tay về phía trước ôn tồn nói: “Bệ hạ nhìn xem, phía trước không xa là nhà của Thái Tử Tam Công, ruộng đồng vây quanh là Bắc công điền, Trung công điền và Nam công điền ạ”.

Nghe Tuần phủ Vu nói đám tùy tùng nhìn nhau xì xào phàn nàn: Đây chỉ là những ngôi nhà tranh và ruộng vườn vùng nông thôn có gì đẹp đâu? Thuộc hạ của Tuần phủ Vu cũng rất lo lắng không dám ra mặt vì rất dễ mắc tội lừa vua dối chúa nhưng Tuần phủ Vu không hề nao núng, ông nói: “Tuy phong cảnh nơi đây không mỹ lệ, không hùng vĩ, không có sơn thanh thủy tú nhưng có bề dày về lịch sử văn hóa, Bệ hạ cứ ngự lãm”.

Hoàng đế Khang Hy nén sự bực tức hỏi: “Vậy chiếc đai ngọc ở đâu? Mau đưa ta đến đó xem?”.

Tuần phủ Vu đi trước dẫn đường không lâu sau thì đến bờ sông Huân Hà. Đúng là danh bất hư truyền, nước sông Huân Hà hôi thối bẩn thỉu, đê điều đã lâu không được tu sửa nhiều đoạn sạt lở hư hỏng.

Nhìn thấy cảnh này, các quan lại nhìn nhau lắc đầu dè bửu, có người quỳ xuống trước mặt Hoàng đế tấu rằng Tuần phủ Vu đã lừa dối cả vua, phạm tội khi quân phải trị tội. Hoàng đế Khang Hy nhìn Tuần phủ Vu tức giận nói: “Đây là cái đai ngọc mà ngươi nói đấy à?”.

Tuần phủ Vu vội quỳ xuống nói: “Xin bệ hạ dung thứ, con sông này trước đây đúng là một cái đai ngọc nước trong xanh mát rượi, ban đêm vang tiếng hát của ngư dân nhưng những năm gần đây không được tu bổ đáy sông bị phù sa bồi đắp trở nên nông cạn, nước sông đục ngầu, đê điều không được sửa chữa trở thành hiểm họa. Vi thần liều chết nói dối Hoàng thượng chỉ là phương sách cuối cùng, kính mong bệ hạ đèn trời xem xét”.

Vị Hoàng đế hiểu rằng Tuần phủ Vu mượn cớ du ngoạn thắng cảnh để lừa mình đến đây xem tình hình thực tế của con sông Huân Hà. “Vu Thành Long, người có khó khăn gì? Chả nhẽ người muốn trị lý con sông này mà bắt ta phải bỏ tiền ra? Thôi được rồi, ta thấy ngươi vì lợi ích của bách tính nên ta tha tội chết cho ngươi đồng thời cũng để cho ngươi được toại nguyện, vậy trị lý sông Huân Hà như thế nào?”.

“Chi phí trị lý sông Huân …”.

Hoàng đế Khang Hy xua xua tay: “Ta giao cho ngươi thêm 200 ngàn lạng bạc nữa để ngươi tu bổ con sông này. Mùa xuân năm sau con sông bẩn thỉu này nhất định phải biến thành con sông sạch sẽ tạo phúc cho lê dân! Việc thành công ta sẽ ban thưởng nếu thất bại thì tuyệt đối không nhẹ tội đâu nhé!”. Hoàng đế Khang Hy nói xong cũng không đi du lãm nữa dẫn đoàn tùy tùng trở về cung. Tuần phủ Vu đứng dậy lau mồ hôi trên trán, may lại là điều tốt lành được Hoàng đế phê chuẩn vấn đề trị lý sông Huân Hà.

Dân chúng Cố An nghe tin Tuần phủ Vu đại nhân muốn trị lý sông Huân Hà chưa đợi lệnh điều động đã tự giác mang xẻng cuốc đua nhau tham gia vào cuộc chiến trị lý con sông. Tuần phủ Vu bàn bạc với một nhà thi công đường sông có kinh nghiệm vừa tiến hành nạo vét lòng sông vừa gia cố và đắp đê hai bên bờ. Những người dân tham gia công việc trị lý sông rất xúc động khi thấy Tuần phủ đại nhân cùng làm, cùng ăn với họ, nên họ làm việc rất nhiệt tình, hăng say và công việc tiến triển rất thuận lợi.

Trước sau phải mất hơn nửa năm công viêc trị lý sông Huân Hà mới hoàn thành. Hoàng đế Khang Hy nhìn con đê cao to vững chắc và dòng nước sông trong xanh không những hết lời khen ngợi Tuần phủ Vu mà còn ban thưởng thêm hơn 1.000 ngàn lạng bạc. Số bạc thưởng này Tuần phủ Vu phân phát cho những người nông phu đã gian khổ làm việc trong nửa năm trời và giết trâu mổ bò tổ chức một ngày hội mừng công ngay trên bờ sông Huân Hà.

Như vậy là trong hơn 6 tháng, Tuần phủ Vu không rời công trường sông Huân Hà nửa bước, bây giờ công việc đã xong và ông lại thu thập hành trang trở về chức Tuần phủ. Lâu ngày không gặp tưởng rằng Ngạc Nhĩ Thái sẽ ra đón ông nhưng ai ngờ ông vừa bước vào nha môn thì thấy Ngạc Nhĩ Thái đang ngồi ở đó vẻ mặt lạnh lùng.

Ông Vu không hiểu tại sao thì Ngạc Nhĩ Thái nói: “Vu đại nhân, ông đã có công trị lý sông Huân Hà lại được Hoàng thượng ban thưởng, đáng lẽ ra tôi phải chúc mừng ông nhưng có điều không may là có người đang kiện ông đấy?”.

Ông Vu sững người lại: “Kiện ta vì cái gì?”.

Ngạc Nhĩ Thái cười nhạt: “Kiện ông giả danh thanh liêm để tham ô công quỹ. Năm ngoái Hoàng đế cấp cho bách tính 200 ngàn lạng bạc cứu trợ nạn đói sau đó lại cấp cho thêm 200 ngàn lạng để trị lý sông Huân Hà, tổng cộng là 400 ngàn lượng, người ta cho rằng ông đã ăn mảnh không ít trong số bạc này”.

Tuần phủ Vu giận đến mức toàn thân run lên: “Ngươi ... ngươi có chứng cớ gì?".

“Chứng cứ à, đương nhiên là có! Hoàng thượng đã hạ lệnh cho ta lục soát nơi ở của ông, ta vừa mới kiểm tra nơi ở của ông quả nhiên không có vật gì, nhưng dưới gầm giường còn có mấy cái hũ niêm phong, xin hỏi Vu đại nhân bên trong là gì vậy?”.

Vu Thành Long hiểu rõ Ngạc Nhĩ Thái đang ngồi ở vị trí quyền Tuần phu cũng không muốn xuống nên đã hãm hại mình trước mặt Hoàng thượng, đúng là một con người nham hiểm!

Ngạc Nhĩ Thái hả hê cho người vào phòng ngủ của Tuần phủ Vu bê những cái hũ ra, ông ta chẳng cần suy nghĩ mở niêm phong những chiếc hũ nhưng ông ta thật sự thật vọng thấy bên trong hũ chỉ toàn là hoàng thổ. Ngạc Nhĩ Thái như quả bóng xịt hơi, mặt mày ủ rũ nhìn Tuần phủ Vu.

Nguyên là mỗi khi được cử đến đâu làm quan khi rời đi ông đều lấy đất hoàng thổ cho đầy vào cái hũ để làm kỷ niệm. Do mỗi khi ông đi tuần thú hay đi công vụ ông đều giao quyền cho Ngạc Nhĩ Thái và nhân cơ hội này ông ta lén lút vào phòng riêng của ông và phát hiện những cái hũ được niêm phong ở dưới giường. Ngạc Nhĩ Thái tưởng rằng đây là những cái hũ đựng đầy bạc mà Tuần phủ Vu tham ô nên đã kiện lên Hoàng đế, không ngờ đây chỉ là những hũ đựng đất hoàng thổ.

Tuần phủ Vu vô cùng tức giận chỉ tay vào mặt Ngạc Nhĩ Thái mắng: “Người là đồ đê tiện, muốn chiếm cái chức Tuần phủ nên đã tìm thủ đoạn vu oan cho ta”.

Ngạc Nhĩ Thái quỳ xuống trước mặt Tuần phủ Vu van xin: “Đại nhân, xin hãy tha thứ cho sự hồ đồ của tôi”.

Mấy ngày sau, có chiếu chỉ của Triều đình: “Ngạc Nhĩ Thái đố kỵ người hiền tài, vu khống thượng quan, bãi chức để điều tra. Vu Thành Long thành tích nổi bật, công chính liêm minh được thăng chức Tổng đốc Tả đô ngự sử ban thưởng cho 1.000 lạng bạc. Khâm thử”.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/nhung-chiec-hu-dung-hoang-tho-i660829/