Những chiếc mặt nạ nhuốm màu thời gian
Từng một thời truân chuyên, lão níu đời mình và đã nghiệm ra nhiều điều khi thả hồn vào những mảng màu son mực và những đôi mắt hút hồn người của mặt nạ nhuốm màu thời gian. Có lẽ, với lão đó là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.
Níu tâm hồn cùng những chiếc mặt nạ
Tôi gọi ông bằng “lão”, không phải vì nghệ nhân Bùi Quý Phong đang ở cái tuổi 66 của đời người, mà có lẽ vì trong giới vẽ mặt nạ này ở Phố cổ Hội An (Quảng Nam), ông được xếp vào hàng lão làng. Căn nhà cổ với mái hiên đầy rêu phong ướt đẫm nước mưa lấm tấm những giọt nước càng làm không gian trưng bày những chiếc mặt nạ thời gian thêm liêu trai. Góc phố nhỏ ấy trên đường Bạch Đằng gần như là một không gian riêng khác, không nơi nào có ở phố cổ này.
Chút hương trầm tỏa ra từ đỉnh trầm chiều mưa càng khiến lòng người chút nỗi niềm hoài cổ. Lão ngồi bên bàn vẽ, khuôn mặt đăm chiêu như tự thuở xa xưa lắm, cái ngày mà lão bắt đầu vào những truân chuyên của đời người. Vốn tính lãng tử thích phiêu du, nhưng rồi một đêm vợ sinh con đầu lòng, khi đó lão 22 tuổi. Từ bệnh viện về lão lang thang trong phố cổ và ngẫm nghĩ lại tuổi trẻ quá lông bông của mình. Trong khoảnh khắc, lão nhận ra từ đây mình có cả một gia đình để lo, lo nhất là không biết lấy gì nuôi con. Thế rồi, như một định mệnh trong đêm đầu tiên được làm cha ấy, lão thấy bên đường một chiếc mặt nạ đồ chơi bị gió thổi bay lăn lóc cùng đám lá vàng dưới chân. Lão nhặt chiếc mặt nạ đồ chơi bằng nhựa ấy lên, rồi một ý tưởng lóe lên trong đầu. Những chiếc mặt nạ đồ chơi này bán rất rẻ, và người ta chơi xong sẽ chẳng còn nhớ, chẳng còn cần, chẳng có tác dụng gì thêm ngoài việc dùng một vài lần. Nếu có những chiếc mặt nạ khiến người ta phải nâng niu, phải gìn giữ, phải trân trọng nó và không vứt nó vào sọt rác thì tốt biết bao.
Nhưng, lão đã có lúc tạm gác lại ý tưởng đó để làm những công việc khác, như làm đèn, làm đầu lân.... Để rồi, đến khi trở thành một đạo diễn tuồng, những chiếc mặt nạ vẽ trên khuôn mặt của diễn viên tuồng đã đánh thức ý niệm thời gian thuở trước của lão về chiếc mặt nạ chẳng bao giờ vứt đi. Là một đạo diễn tuồng, lão am hiểu về những khuôn mặt biểu hiện tính cách, thái độ của nhân vật, từ những nhân vật phản diện tới những nhân vật chính diện, từ kiểu mặt nạ nạn nhân tới kiểu mặt nạ của nhà quyền quý trên sân khấu. Không chỉ thế, lão còn nằm lòng cách vẽ, cách tạo hình của mặt nạ nhân vật khi biểu diễn. Nhưng, tiếc một điều rằng nghệ thuật tuồng, những vở tuồng ngày càng ít người tới xem trong những lần biểu diễn. Nghệ thuật tuồng, những sân khấu tuồng đã vắng bóng khách xem trước “cơn bão” văn hóa ngoại lai, với những phim bộ, với những rạp chiếu phim, với cả công nghệ điện tử hiện đại. Lão đau đáu buồn vì điều đó.
Cống hiến nhiều cho nghệ thuật tuồng ở địa phương, nhưng thời cuộc đáp trả lại lão là sự xót xa như thế. Rồi ý niệm về mặt nạ thời gian lại thức tỉnh trong lão. Lão sẽ vẽ những mặt nạ tuồng trên những chất liệu dân gian, tạo ra sản phẩm có thể đến tay người yêu thích, và cũng là một cách để giữ lại văn hóa tuồng cho nhiều đời sau. Lão nghĩ tới điều đó, và bắt tay vào làm một cách say mê, như sợ thời gian sẽ không còn đủ để lão thực hiện điều đó nữa. Nhiều lần thất bại, nhưng rồi lão đã thành công, những chiếc mặt nạ được người dân địa phương thích thú, du khách trong và ngoài nước thích thú, trở thành những sản phẩm bán được.
Mặt nạ thời gian của lão thấm nhuần những nét đẹp của mặt nạ tuồng. Và theo cách riêng, lão đã tối giản quy chuẩn của mặt nạ tuồng, tạo nên những chiếc mặt nạ chất chứa thông điệp của cuộc sống, tình yêu. Nói về mặt nạ, lão hào hứng và đôi mắt hấp háy vui như sẻ chia với người tri kỷ. Mặt nạ của lão làm từ giấy bồi, dán chồng nhiều lớp giấy lên nhau để có độ cứng và bề mặt phù hợp. Giấy bồi đòi hỏi người làm mặt nạ phải khéo léo, tỉ mỉ tạo dáng khuôn mặt với nhiều kích cỡ khác nhau. Công đoạn làm ra mặt nạ phải trải qua nhiều bước kỳ công, đắp giấy bồi lên khuôn, đánh dầu bóng, để khô rồi mới vẽ và tô màu. Lão phân giải tỉ mỉ rằng mặt nạ tuồng Việt Nam chỉ dùng 5 màu, còn mặt nạ Hý kịch Trung Quốc có thể tới 8 hay 10 màu. Họ có thể đánh bạt màu ra để dẫn màu, còn mặt nạ của ta không dẫn màu. Trên gương mặt của tuồng Việt còn là họa tiết hình mỏ chim biển, gắn liền với lịch sử văn hóa biển xa xưa từ thuở mở cõi tiến vào Nam của cư dân miền biển Trung bộ Việt Nam. Trong khi đó, mặt nạ Hý kịch Trung Quốc mang hình tượng đuôi cá, mang cá. Mặt nạ của lão không liên quan tới Hý kịch, cũng chẳng phải kịch Nô của Nhật Bản, mà chỉ mang hơi thở dân gian của Việt Nam.
Và có một điều đặc biệt, lão không bao giờ vẽ quy chuẩn của khuôn mặt “ác” trong tuồng như môi thâm, da sạm, mắt trợn… tất cả được lược bỏ hết vì người xem có cảm giác “ma quỷ”, khó tiếp nhận. Lão chỉ dùng những cách vẽ thể hiện khuôn mặt hạnh phúc, vui tươi, để người ta dễ dàng đón nhận hơn. Lão chỉ lên một chiếc treo ở giữa tường có khuôn miệng tươi tắn, trên trán, cánh mũi, thái dương có những chấm tròn, rồi giải thích rằng đó là khuôn mặt biểu hiện cho một người lạc quan, đầy nhiệt huyết, đầy năng lượng. Màu đỏ trên chiếc mặt nạ tượng trưng ngọn lửa trong lòng, ngọn lửa của lòng nhiệt huyết. Trên trán, cánh mũi, thái dương của chiếc mặt nạ cũng có những chấm tròn ở những vị trí huyệt đạo. Theo lão diễn giải, khi tình yêu thương đủ đầy và khi con người chứa năng lượng tích cực thì không cần ai tôn vinh, những đường nét, huyệt đạo trên khuôn mặt cũng tự hiện ra. Mặt nạ được tối giản từ mặt nạ tuồng. Khi đã tối giản quy chuẩn, thì những chiếc mặt nạ này không còn gọi là mặt nạ tuồng đúng nghĩa, nhưng với các nguyên tắc như không dùng màu pha, đuôi mắt hình mỏ chim, kết hợp màu âm - dương… thì mặt nạ này đã “nói được một nửa mặt nạ tuồng”.
Và một điều đặc biệt, những chiếc mặt nạ của lão đều không đục rỗng phần mắt như nhiều loại mặt nạ khác. Thay vào đó, lão vẽ mắt bởi đôi mắt chính là của sổ tâm hồn. Khi nhìn vào đôi mắt ấy, người xem sẽ hiểu điều mà mặt nạ đó muốn thể hiện. Lão bảo mặt nạ này chỉ vẽ mà không khoét mắt để nó được treo lên trang trọng nhà như "bức tranh", thay vì là một món "đồ chơi" đeo trên mặt, khi chán người ta sẽ ném nó đi, như lão đã từng chứng kiến về chiếc mặt nạ đồ chơi năm nào.
Bóng dáng của tiền nhân
Trong tiệm cà phê nhỏ nằm giữa lòng phố cổ (số 76 Lê Lợi, Hội An) là không gian thứ hai nơi lão trưng bày mặt nạ thời gian. Du khách khi tới đây vừa có thể nhâm nhi tách cà phê, vừa có thể thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Lúc trước đây là nơi vợ ông buôn bán vải, nhưng sau đợt dịch COVID-19, vợ chồng ông quyết định chuyển sang mở tiệm cà phê, và mặt nạ thời gian nay đã có thêm một địa chỉ khác để mọi người dễ dàng được chiêm ngưỡng. Cả không gian treo nhiều mặt nạ thời gian, thể hiện như một bức tranh, có thể dùng để trang trí cho không gian sống, song trên nhất là tôn vinh văn hóa tuồng Việt Nam như cách lão hằng ấp ủ. “Tôi muốn du khách trong ngoài nước phải tuân thủ quy ước khi vẽ mặt nạ dân gian - một phần của mặt nạ tuồng, để họ hiểu thêm về tuồng. Và hơn thế nữa, khi mặt nạ theo chân họ đi khắp nơi, nghĩa là đã góp phần quảng bá tuồng hay văn hóa của Việt Nam với thế giới!”, lão nghệ nhân nói.
Những năm trước, ông Phong vinh dự được mời tham dự triển lãm ở Hàn Quốc, giờ lão nhận được nhiều đơn hàng lớn từ Pháp, Ý, Mỹ... và có thể tham gia những cuộc trưng bày, triển lãm trong thành phố, trong tỉnh. Lão tự hào vì ít nhất cũng đã góp phần nhỏ vào đời sống tinh thần Hội An và muốn loại mặt nạ mỹ thuật thuần Việt thân thiện môi trường của mình sẽ được sự quan tâm phát triển vươn xa hơn nữa. Bây giờ, giá mỗi chiếc mặt nạ là khoảng 250.000 đồng, dù một ngày bán không được bao nhiêu nhưng lão cùng những học trò của mình vẫn quyết không bỏ nghề. Lão bảo, người ta dù không mua nhưng khi nhìn vào họ cũng sẽ nhớ đến hát tuồng, nhớ tới một nét văn hóa của Việt Nam.
Nhờ vào du lịch phát triển mạnh tại Hội An, lão đã sống được với nghề và hạnh phúc khi có một không gian riêng về mặt nạ truyền thống. Đã ngoài tuổi lục tuần, tuổi tác không cho phép rong ruổi những chuyến đi xa. Lão còn đăm đắm với nghệ thuật truyền thống và bắt đầu lo sợ nghệ thuật tuồng mai một. Lão cũng nhận nhiều học trò, để hy vọng một ngày nào đó khi lão đã mắt mỏi tay run không thể vẽ được nữa, sẽ có người kế nghiệp, vì tuồng, vì văn hóa Việt mà thay lão nuôi lớn giấc mộng đời người này. "Tôi vẽ mặt nạ 40 năm qua là bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình để không có mặt nạ nào trùng lặp nhau. Đây cũng là tiền đề để tôi gắn bó với nghề đến hôm nay!" - lão nghệ sỹ nói về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình như thế.
Hiện lão có mấy học trò theo nghề, lão vẫn tâm niệm về một ý thức, lòng tự tôn dân tộc, ấp ủ là truyền dạy cho học trò và làm sao nghề vẽ mặt nạ giúp nghệ nhân sống được, để những chiếc mặt nạ có thể tiếp tục “kể” câu chuyện văn hóa của dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Ánh hoàng hôn loang lổ trên phố cổ, lão ngừng tay vẽ, giọt màu nhỏ xuống hũ màu rất nhẹ. Trong lao xao tiếng người ngang phố, lão cùng những học trò của mình vẫn đang ở trong một thế giới rất riêng, níu lấy thời gian và chút an bình cho đời, cho người, cho văn hóa dân tộc còn lại này trên những chiếc mặt nạ thời gian đầy màu sắc.
Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin Hội An chia sẻ, những chiếc mặt nạ của nghệ nhân Bùi Quý Phong là một cách hay để giữ gìn truyền thống văn hóa dân gian, đồng thời tạo thêm "đặc sản" văn hóa cho TP Hội An. Những cống hiến từng ngày không mệt mỏi của nghệ nhân Bùi Quý Phong đã được Hội An ghi nhận. Đó là giá trị riêng, là không gian tạo tác của người làm “mặt nạ thời gian” - một không gian mà ông đã dành sự trọn đầy tâm huyết để kiến tạo và trao gửi nó đến cộng đồng. Sự đam mê cộng với tài hoa trên từng chiếc mặt nạ của ông Phong đang góp phần tạo nên màu sắc khác cho văn hóa Hội An. Bên cạnh công việc vẽ mặt nạ, ông Phong còn tham gia tổ chức các hoạt động nghệ thuật từ thiện để ủng hộ bà con có hoàn cảnh còn khó khăn sau đợt COVID-19 và mùa lũ vừa qua.