Những chiếc túi hàng hiệu trong '30 chưa phải là hết' và câu chuyện về thú vui giới thượng lưu Trung Quốc
Bên cạnh dàn diễn viên toàn 'trai xinh gái đẹp', '30 chưa phải là hết' còn khiến người xem kinh ngạc với loạt thời trang hàng hiệu, cộp mác 'giới thượng lưu'. Qua đó, tiết lộ nhiều bí mật về thú mua đồ xa xỉ của một bộ phận giàu có ở Trung Quốc.
“30 chưa phải là hết” đang là series ăn khách của Trung Quốc. Phim kể về những mối lo cuộc sống, hôn nhân và sự nghiệp của ba cô gái trẻ là Cố Giai (Đồng Dao), Vương Mạn Ni (Giang Sơ Ảnh) và Chung Hiểu Cần (Mao Hiểu Đồng) khi tiệm cận lứa tuổi 30. Câu chuyện phim gần gũi đời thường từ hình mẫu nhân vật tới tình huống, được diễn giải đầy thực tế, gần gũi với người xem và để lại nhiều ấn tượng với khán giả.
Một trong những phân cảnh đắt giá nhất của "30 Chưa Phải Là Hết" chính là khi Cố Giai (Đồng Dao) chụp ảnh cùng hội phu nhân giàu sang. Vì tất cả những phu nhân khác đều đeo túi Hermes nhưng riêng Cố Giai chỉ dùng túi Chanel nên cô đã bị xem thường và cô lập.
Những chiếc túi hàng hiệu trong "30 chưa phải là tết".
Nội dung này diễn ra ở cuối tập 6 và đầu tập 7 của phim, Cố Giai (Đồng Dao đóng) được quản lý tòa chung cư nơi cô sống đưa tới buổi họp mặt của nhóm các phu nhân nhà giàu. Cố Giai nhận ra một người trong số họ có chồng sở hữu ba công viên giải trí, là khách hàng tiềm năng cho công ty pháo hoa mà vợ chồng cô sáng lập. Vì vậy, Cố Giai mong muốn sớm tiếp cận bà chủ này và hội các phu nhân.
Lần đầu gặp mặt, Cố Giai hơi xấu hổ vì chiếc túi Chanel khoảng 7.200 USD cô mang theo trở thành món đồ rẻ tiền khi đặt cạnh loạt túi xách Hermes đắt đỏ của hội phụ nữ giàu có. Lúc chụp hình chung, Cố Giai giấu túi xách của mình ra sau lưng, trong khi những người còn lại tự tin đọ dáng với chiếc túi hàng hiệu. Khi đăng ảnh lên mạng xã hội, các quý bà cố tình cắt Cố Giai ra khỏi khung hình, tỏ ý khinh thường cô không cùng đẳng cấp vì cô không có túi hàng hiệu.
Trong nhóm các quý bà thượng lưu, người phụ nữ đứng ở vị trí trung tâm sở hữu chiếc túi đắt nhất thế giới - Himalayan Crocodile Birkin, được làm từ da cá sấu bạch tạng, giá hơn 64.000 USD. Đắt thứ hai là túi Kelly da cá sấu màu tím giá khoảng 39.800 USD. Bốn chiếc túi còn lại đồng giá hơn 11.000 USD.
Muốn được các quý bà để mắt tới, Cố Giai đã phải nhờ bạn bè giúp mua bằng được một chiếc túi Hermes Kelly phiên bản giới hạn. Chiếc túi mà cô dùng trong phim có giá 10.400 USD. Tuy giá tiền vẫn thua so với túi xách của các phu nhân, giá trị của chiếc túi nằm ở yếu tố phiên bản giới hạn. Cố Giai mua được chiếc túi này không dễ dàng gì, cô đã phải gom góp hết thẻ tín dụng của mình. Ông xã của Cố Giai phải thốt lên rằng, chiếc túi này đắt ngang với một chiếc xe hơi giá rẻ.
Cố Giai cố mua bằng được chiếc túi Hermes Kelly phiên bản giới hạn.
Sau đó, chiếc túi Hermes bản giới hạn thực sự thay đổi cái nhìn của các quý bà dành cho Cố Giai. Ở lần gặp kế tiếp, cô có thể đường hoàng chụp hình cùng họ mà không lo bị cắt khỏi tấm ảnh.
Đẳng cấp thể hiện qua món đồ mà họ dùng, thay vì những thứ họ có trong đầu
Qua câu chuyện chiếc túi hạng sang định giá con người, “30 chưa phải là hết” đang châm biếm sâu cay lối sống phù phiếm, hợm hĩnh của một bộ phận giới nhà giàu. Có thể thấy, với những người này, đẳng cấp thể hiện qua món đồ mà họ dùng, thay vì những thứ họ có trong đầu.
Không chỉ có câu chuyện về chiếc túi hàng hiệu của của Cố Giai, mà những chi tiết trong cuộc sống của Mạn Ni cũng khắc họa rõ nét thú chơi đồ xa xỉ của một bộ phận người giàu tại Trung Quốc.
Mạn Ni là nhân viên bán hàng cho một thương hiệu thời trang cao cấp, cô gặp hàng trăm kiểu khách hàng với vô số kiểu "người giàu". Có người bước vào cửa hàng với diện mạo quê mùa, mặc quần áo giản dị, đeo túi vải lấp ló mớ rau, tuy nhiên có thể vung tiền để mua bộ trang sức hàng trăm vạn tệ. Cũng có những gã đàn ông sĩ diện hão, muốn thể hiện thuộc giới thượng lưu nên phải "bấm bụng" mua cho cô bạn gái hàng loạt món đồ xa xỉ mà Mạn Ni tư vấn.
Đẳng cấp nhất phải kể đến những khách hàng thuộc danh sách VIP, sẵn sàng chờ hàng mấy tháng trời để mua được một món đồ giới hạn. Dẫn đến việc, mỗi khi có một chiếc túi xách limited về cửa hàng, các nhân viên sẽ phải lao vào cuộc chiến "chiêu trò" để giúp khách hàng của mình trở thành người sở hữu. Đôi khi chỉ hơn thua nhau một vài phút, các khách hàng này đã trở thành người chậm chân, buộc phải chờ thêm vài tháng mới được mua món đồ đã đăng ký.
Ngay khi những phân cảnh đặc biệt này được chia sẻ trên mạng xã hội, dân tình đã không ngừng bày tỏ sự trầm trồ ngưỡng mộ dành cho đoàn phim “30 Chưa Phải Là Hết”. Hàng ngàn ý kiến bình luận được để lại, các khán giả đều tấm tắc khen ngợi khi bộ phim phản ánh chân thực hình ảnh lối sống xa hoa, thú vui khoe mẽ trên phim với đời vốn chẳng quá xa lạ.