Những chiếc xe trâu giúp đổi đời người dân vùng cát ven biển
Nhiều hộ gia đình nhờ làm dịch vụ xe trâu kéo neenl.,m đã có cuộc sống ổn định, có tiền nuôi con ăn học…
Từ bao đời nay,“con trâu là đầu cơ nghiệp" gắn bó mật thiết với người nông dân Việt Nam trong cày cấy, sản xuất. Đặc biệt, ở vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên-Huế, con trâu còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyên chở. Chiếc xe trâu kéo ra đời, gắn liền với đời sống của người dân ở những miền quê thùy dương cát trắng, trở thành phương tiện phục vụ sản xuất hữu hiệu.
“Cha mẹ làm nghề xe trâu, giờ mình cũng làm xe trâu. Sau này phát triển lên xe to, có vận chuyển buôn bán. Khi trước chưa có xe cơ giới, ai kêu gì chở nấy. Đò về thì chở gạo, chở xi măng, chở đá. Có chiếc xe trâu thu nhập của gia đình cũng tăng lên, vận chuyển mọi thứ dễ dàng hơn”.
Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Công Gia, ở thôn Hà Úc, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế làm nghề xe trâu kéo hơn 20 năm nay. Từ chiếc xe trâu kéo ban đầu, chuyên chở thuê, đến nay gia đình anh Gia đã trở thành đại lý cung cấp vật liệu xây dựng trong vùng. Hơn 40 tuổi, anh Gia đã có được một cơ ngơi khá khang trang, trong nhà có xe ben, xe tải nhưng chiếc xe trâu kéo vẫn gắn liền với gia đình hàng chục năm nay.
Tại vùng đất này, xe trâu ra đời khoảng năm 1980 và nhanh chóng trở thành phương tiện vận chuyển chủ lực ở vùng cát ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lúc đó, phong trào làm vườn, trồng rau màu ở các xã ven biển phát triển mạnh.
Nơi đây, ngõ đi lối lại đều là đường cát trắng, người nông dân gặp khó khăn trong việc vận chuyển phân bón cũng như rau quả thu hoạch được. Thế là mọi người dùng trâu kéo xe để vận chuyển hàng hóa và rau quả. Cuộc sống hiện đại dần, xe trâu cũng được cải tiến, người ta đóng hộc bằng gỗ để chở cát, sạn, vật liệu xây dựng...
Ông Lê Hiển, người có trên 30 năm làm dịch vụ xe trâu kéo ở làng Hà Úc, xã Vinh An, huyện Phú Vang kể, khi gia đình còn nghèo khó, hai vợ chồng gia đình dành dụm được chút vốn, mua sắm xe trâu chuyên chở thuê cho bà con.
“Trước đây mọi người vận chuyển đồ đac đều gồng gánh bằng vai, gánh bằng gióng, nhưng sau này chở đồ gì cũng nhờ xe trâu. Hai vợ chồng từ chỗ tay trắng, nhờ xe trâu mà lên nhà cửa”, ông Hiển cho biết.
Ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc - một vùng quê ven biển, người dân quay mặt đi hướng nào cũng chỉ thấy toàn cát trắng. Bà con làm vườn, trồng hoa màu đều trên cát. Việc vận chuyển phân bón, rong rêu... phục vụ sản xuất đều dựa vào sức người, bằng cách gánh gồng và dùng xe cải tiến.
Khi xe trâu ra đời, sức lao động của người dân ở đây được giải phóng. Chỉ có xe trâu mới vào tận các ngóc ngách, hay giữa những đồi cát trắng mênh mông để vận chuyển hàng. Nhiều gia đình nhờ làm nghề xe trâu kéo nuôi con ăn học đàng hoàng.
Ông Lương Lạc ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ cho hay, hơn 20 năm rong ruổi sớm hôm cùng chiếc xe trâu kéo, từ chỗ kinh tế khó khăn, giờ nhà cửa ông Lạc khá khang trang, 4 người con ăn học thành tài. Ông Lạc tâm sự, cuộc đời ông làm bạn với chiếc xe trâu, chồng đánh xe, vợ cắt cỏ. Chiếc xe trâu là một người bạn mưu sinh cùng gia đình qua nhiều năm tháng. Ông Lạc bảo, con cháu làng Mỹ Lợi trưởng thành là nhờ làm nông nghiệp và chiếc xe trâu gắn bó với người dân từ đời này sang đời khác.
“Xe trâu ở đây làm giúp mọi việc cho bà con, từ xây dựng nhà cửa cho đến việc xây lăng mộ. Ngày xưa là đường đất cát, việc vận chuyển chỉ nhờ con trâu, nó không chỉ phục vụ để mưu sinh cho mình mà còn giúp đỡ cho bà con làm nông nghiệp”, ông Lạc chia sẻ.
Để có một chiếc xe trâu, người dân chọn những con trâu đực khỏe, vó khít, mỗi con có giá từ 30 - 40 triệu đồng và 1 chiếc xe kéo cải tiến chừng 15 - 20 triệu đồng. Nhiều hộ cũng nhờ làm dịch vụ xe trâu kéo mà cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học.
Ông Hoàng Đinh Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, đối với những vùng cát lún, xe trâu vẫn cơ động rất tuyệt vời, cho nên xe trâu vẫn tồn tại và trở thành nét văn hóa rất đặc trưng từ ngàn xưa đến nay.
“Một số hộ gia đình trước đây nằm trong hộ nghèo và cận nghèo, sau khi được chính sách của Nhà nước cho vay vốn và đầu tư mua xe trâu này, từ đó đảm bảo đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Một số hộ gia đình cũng từ xe trâu đã vươn lên trở thành khá giả”, ông Thịnh cho hay.
Tiếng lạch cạch của những chiếc xe trâu vẫn di chuyển trên con đường quê vùng cát hàng ngày. Hình ảnh những chiếc xe trâu chậm rãi luôn làm ấm lòng những người con xa xứ mỗi khi trở về mảnh đất quê hương./.