Những chiến binh nước ngoài trong cuộc chiến Ukraine
Ngoài các tổ chức và mạng lưới, cuộc chiến ở Ukraine còn thu hút đông đảo những chiến binh từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào cuộc chiến với tư cách cá nhân. Những cá nhân bị cuốn hút vào cuộc xung đột và đóng các vai trò đa dạng trong cuộc xung đột, đó có thể là các chiến binh tình nguyện nước ngoài, lính lê dương, lính đánh thuê và những người hoạt động đằng sau hậu trường với các chức năng hỗ trợ chiến đấu.
Từ những bài học trong quá khứ về vai trò của các chiến binh nước ngoài trong các hành động khủng bố mà Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thực hiện ở khắp nơi trên thế giới, cộng đồng an ninh thế giới lo ngại về đội ngũ những chiến binh tình nguyện nước ngoài, đặc biệt là những người có quan hệ với những kẻ cực đoan, tới Ukraine để tham chiến.
Động lực của các tình nguyện viên nước ngoài
Thành phần những tình nguyện viên nước ngoài tham chiến ở Ukraine là “cực kỳ không đồng nhất”. Còn nhiều điều chưa biết về quy trình tuyển mộ người nước ngoài tham gia cuộc xung đột, bởi vì những nghiên cứu có hệ thống về lý lịch và động cơ của những chiến binh nước ngoài này vẫn còn là tương đối hiếm.
Nhiều bằng chứng cho thấy nhóm tình nguyện viên chiến tranh nước ngoài lớn nhất là những người chưa từng liên quan đến các hoạt động cực đoan nhưng họ đã gia nhập hàng ngũ các chiến binh Ukraina vì họ tin rằng mình đã có những kỹ năng quan trọng để có thể hỗ trợ người dân Ukraine. Có một số nhỏ hơn các tình nguyện viên quyết định tham gia vào cuộc xung đột bởi những lý do khác ít liên quan đến ý thức hệ, và những quan điểm mang màu sắc ý thức hệ ở họ chỉ xuất hiện và được củng cố hơn sau những trải nghiệm thực tiễn trên chiến trường.
Các chiến binh tình nguyện nước ngoài được các cơ quan an ninh trên thế giới quan tâm theo dõi nhất là những cá nhân đã nuôi dưỡng hoặc theo đuổi các quan điểm cực đoan và tình nguyện tham gia chiến tranh vì xem đó là cơ hội để được đào tạo và tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, hoặc là cơ hội để kết nối với những kẻ cực đoan khác trong cùng một môi trường hoạt động. Đó thường là những cá nhân thuộc về một mạng lưới cực đoan: (1) Đã đi du lịch và gia nhập một đơn vị quân đội địa phương ở Ukraine trước khi nổ ra xung đột vào tháng 2/2022 và chưa bao giờ rời khỏi đất nước Ukraine; (2) Đã có thời gian hoạt động ở Ukraine, đã rời đi và quay trở lại; (3) Lần đầu tiên mới gia nhập một đơn vị quân sự hoặc bán quân sự ở Ukraine.
Khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2/2022, cả Ukraine và Nga đều khai thác ý tưởng về tình nguyện viên/lính đánh thuê nước ngoài để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Ngay sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã công khai kêu gọi các tình nguyện viên nước ngoài gia nhập Quân đoàn Quốc tế của nước ông để có thể tăng cường năng lực chống lại Nga. Lời kêu gọi của ông Zelensky ban đầu đã thu hút sự quan tâm rộng rãi, bởi theo Bộ Ngoại giao Ukraine, đến đầu tháng 3/2022, hơn 20.000 tình nguyện viên nước ngoài đã nộp đơn xin gia nhập Quân đoàn Quốc tế. Lời kêu gọi của ông Zelensky đối với các tình nguyện viên nước ngoài chứa đựng một thông điệp rất rõ ràng: "Chúng tôi cần giúp đỡ", nhưng người ta cũng có thể hiểu ngầm rằng, khi đưa ra lời kêu gọi này, Chính phủ Ukraine cũng nhắm đến việc “quốc tế hóa” hơn nữa cuộc xung đột (việc người nước ngoài chiến đấu ở Ukraine sẽ giúp làm cho cuộc chiến tranh trở nên “hiện thực và gần gũi hơn” với những quốc gia có công dân tham chiến) và gửi tín hiệu răn đe tới Nga (Ukraine sẽ có nhiều nhân lực và hơn thế nữa, mỗi khi ném bom tàn sát người Ukraine, người Nga cũng có khả năng sát hại kèm theo đó là những người nước ngoài).
Nga cũng đã tận dụng các chiến binh nước ngoài để phát đi tín hiệu. Đầu tháng 3/2022, ngay sau khi ông Zelensky đưa ra lời kêu gọi, Chính phủ Nga đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ tuyển dụng và triển khai tới 16.000 tân binh nước ngoài từ Trung Đông và Bắc Phi - chủ yếu đến từ Syria và Libya, và ở những nơi khác - để hỗ trợ Nga. Kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn người nước ngoài của Điện Kremlin cũng có chức năng để truyền tải một thông điệp hướng tới Chính phủ Ukraine và những người ủng hộ họ: “Chúng tôi có thể tuyển dụng rất nhiều người nước ngoài tham gia vào cuộc chiến”.
Sự chênh lệch rất lớn giữa con số lý thuyết và con số thực tế
Nhưng những số liệu mà các nhà bình luận quốc tế đã công bố cho thấy một sự chênh lệch rất lớn giữa con số các tình nguyện viên nước ngoài đăng ký tham gia và con số thực tế những người đã đến để tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Trong trường hợp Ukraine, người ta ước tính rằng trong số 20.000 tình nguyện viên nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Quân đoàn Quốc tế, số người nước ngoài thực sự đã đến Ukraine chỉ có khoảng vài ngàn. Và số chiến binh nước ngoài tìm cách hòa nhập hoặc gia nhập một đơn vị quân đội hoặc một tổ chức bán quân sự Ukraine và tham gia chiến đấu trực tiếp trên thực tế còn ở mức thấp hơn rất nhiều so với những ước tính này.
Có một số yếu tố giải thích cho sự chênh lệch quá lớn giữa hai con số này. Thực tế trên chiến trường và những rủi ro đi kèm với nó có lẽ đã khiến một số người nản lòng. Ngoài ra còn có một nhóm tình nguyện viên đã đặt chân đến Ukraine nhưng bị ngăn cản tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến đấu (do không đáp ứng được những quy định về kinh nghiệm chiến đấu hoặc thâm niên trong quân đội) hoặc sau khi đã chứng kiến thực tế, họ đã thay đổi ý định và quyết định hỗ trợ Chính phủ Ukraine thông qua các giải pháp hay phương tiện khác.
Vì vậy, số lượng những kẻ cực đoan nước ngoài đã đến Ukraine cho đến nay nhỏ thực sự hơn nhiều so với những gì người ta đã dự đoán và cảm thấy lo ngại. Một phân tích gần đây của Học viện Lục quân Mỹ về các trào lưu cực hữu ở 7 quốc gia: Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Ba Lan cho thấy, cuộc xung đột ở Ukraine không hề dẫn đến một làn sóng đáng kể của những kẻ cực đoan tràn vào nước này (giống như trong cuộc chiến với IS ở Syria trước đây). Đúng là đã có rất nhiều cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi trong hàng ngũ những kẻ cực đoan, nhưng lại có rất ít người trong số họ đến Ukraine. Điều này một phần là do so với giai đoạn 2014-2016, năm 2022 quy trình mà người nước ngoài phải tuân theo để gia nhập một đơn vị quân đội địa phương của Ukraine được xây dựng và tổ chức chặt chẽ hơn, đồng thời số các đơn vị phi nhà nước và các thực thể bán quân sự cũng giảm đi nhiều so với trước đây. Ngoài ra quan điểm cho rằng “việc huy động chiến binh nước ngoài năm 2022 hầu như không còn mang nặng tính chất ý thức hệ hơn so với năm 2014” cũng sẽ tác động đến loại hình và làm giảm số lượng những kẻ cực đoan nước ngoài mong muốn tham gia vào cuộc chiến.
Kể từ khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, các báo cáo hiện có về những nỗ lực của Moscow trong việc thực hiện kế hoạch tuyển dụng chiến binh nước ngoài (với quy mô lớn như họ đã tuyên bố) còn rất mơ hồ và nhiều lẫn lộn. Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Nga đã huy động hoặc tuyển dụng được hàng nghìn tân binh từ Syria hoặc Libya để tham gia tác chiến ở Ukraine. Điều này không có nghĩa là Nga chưa cố gắng, và rất có thể nỗ lực này vẫn còn đang được tiếp tục.
Đầu tháng 3/2023, tờ The Guardian đưa tin rằng một đội gồm 150 binh sĩ Syria đã đến Nga để tham chiến ở Ukraine. Tiếp theo đó vào cuối tháng 3 là một phóng sự điều tra của tờ The New York Times khẳng định rằng có "ít nhất 300 binh sĩ của quân đội Syria" đã đến Nga để huấn luyện quân sự trước khi được gửi đến Ukraine. Nhưng các báo cáo cho thấy việc tuyển dụng "tình nguyện viên" nước ngoài của Nga sẽ liên quan đến việc bồi thường tài chính mà nếu chúng được thực hiện trên quy mô lớn, sẽ làm đáng kể tăng tổng chi phí của cuộc chiến mà Moscow phải gánh chịu.
Những mối đe dọa an ninh tiềm ẩn
Ở cấp độ cá nhân, mỗi tình nguyện viên hoặc tân binh nước ngoài khi đến Ukraine đều có động cơ và mục tiêu riêng. Và từ góc độ an ninh, dẫu rằng hầu hết các chiến binh tình nguyện nước ngoài tham gia vào cuộc xung đột trong hàng ngũ quân đội Ukraine không phải là những mối đe dọa về an ninh nhưng chắc chắn sẽ vẫn lọt vào trong đó một vài "quả táo thối", một vài các cá nhân đã hoặc sẽ gây ra một loại số vấn đề an ninh ở thời hiện tại hoặc một thời điểm nào đó trong tương lai.
Vụ án phức tạp của Craig Lang, một cựu quân nhân Mỹ, người đã bị Bộ Tư pháp truy tố vào năm 2019 về tội giết người và cướp có vũ trang liên quan đến vụ án mạng kép ở Florida, là một ví dụ điển hình minh họa cho nhận định này. Lang gia nhập quân đội Mỹ, phục vụ trong lực lượng bộ binh Mỹ tại Iraq và Afghanistan từ năm 2008 đến 2014. Trong một chiến dịch quân sự được triển khai ở đó, chiếc “Humvee” của anh ta trúng phải một quả mìn gài ven đường, làm anh ta bị chấn thương sọ não. Năm 2013, cuộc hôn nhân của Lang bắt đầu xấu đi và đến năm 2014, anh bị buộc phải giải ngũ vì những vi phạm kỷ luật quân đội.
Năm 2015, Lang đến Ukraine và cùng với một số người Mỹ khác, anh này được cho là đã gia nhập hàng ngũ của Right Sector, một nhóm du kích người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Năm 2021, có tin Bộ Tư pháp Mỹ đã cho tiến hành điều tra Lang và 6 người Mỹ khác vì những cáo buộc liên quan đến tội ác chiến tranh xảy ra trên chiến trường ở Ukraine. Lang phủ nhận có "quan điểm chính trị cực đoan", nhưng Damien Rodriguez, một người Mỹ gốc Bronx từng chiến đấu trong một đơn vị cực hữu của Ukraine và từng tiếp xúc với Lang trên chiến trường, lại nghĩ hoàn toàn khác: "Một số điều anh ta nói khiến tôi thấy ớn lạnh. Anh ta từng nói với tôi về việc cần bắt đầu một cuộc cách mạng mới ở Mỹ, điều này quả thực là điên rồ. Lang là kiểu người muốn nhìn thấy thế giới này bùng cháy ở khắp nơi”.