Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 6)

Hồi ức về những năm tháng hào hùng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa, những vết thương chiến tranh đã dần được hàn gắn, nhân dân cả nước mãi mãi tự hào về những thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong không khí cả nước hân hoan đón chào kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Trần Văn Toản ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung (Hòa An) - người cựu binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại nhớ về những ngày tháng gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc.

Vẹn nguyên những ký ức tự hào của tuổi trẻ

Sinh năm 1953, tháng 8/1971, người thanh niên Trần Văn Toản tham gia nhập ngũ, huấn luyện tại Đại đội 3, tiểu đoàn 40, Sư đoàn 304B huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Sau 3 tháng huấn luyện, ông được chọn đi học lớp cán bộ tiểu đội trưởng đoàn huấn luyện thuộc Sư 304B. Ra trường tiếp tục được phân công về làm cán bộ khung huấn luyện Đại đội 1, Tiểu đoàn 62, Sư đoàn 304B. Tháng 9/1972, tiếp tục đi học lớp cán bộ trung đội phó đoàn huấn luyện Sư đoàn 304B, ra trường được điều về đại đội 6, tiểu đoàn 6, Trung đoàn 246 Quân khu Việt Bắc. Đến tháng 1/1974, theo yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường miền Nam, Trung đoàn 246 được tách ra thành lập 2 Trung đoàn 246A và 246B, ông thuộc Trung đoàn 246A được nhận nhiệm vụ hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu tại mặt trận B3 Tây Nguyên.

Ông Trần Văn Toản bên những bằng khen được trao tặng.

Ông Trần Văn Toản bên những bằng khen được trao tặng.

Ông Toản nhớ lại: Cuối năm 1974, ông vinh dự và tự hào khi tham gia đánh cứ điểm Măng Đen (tiểu khu quân sự cách thị xã Kon Tum 50 km), là lính bộ binh, ông được giao nhiệm vụ đại đội trưởng chỉ huy vận tải đạn và vận chuyển thương binh. Sau nhiều ngày bao vây, chiến đấu với địch, quân ta chiếm được các ấp chiến lược xung quanh căn cứ địch, lực lượng địch ở căn cứ Măng Đen rút chạy. Đầu năm 1975, ông được biên chế về Trung đoàn 28 (C6) làm Trung đội trưởng B2, đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Sư 10, Quân đoàn 3, sau đó, tham gia Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Đến ngày 9/3/1975, Trung đoàn trực tiếp tham gia đánh quận lỵ Đức Lập (nay là huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), đây được xem là trận thắng mở màn góp phần quan trọng vào chiến thắng Buôn Ma Thuột, chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975.

Với nhiệm vụ cắt đường và làm mật động đánh tiểu đoàn ngã ba Đắc Song, sau khi giải phóng quận lỵ Đức Lập, quay lại đánh xuống Tiểu đoàn 4 dù án ngữ ở đèo Phượng Hoàng (huyện, M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk), xuống Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trước cuộc chiến này, nhiều đồng chí, đồng đội và đồng bào đã ngã xuống, nhiều tấm gương dũng cảm đã anh dũng hy sinh trước họng súng của kẻ thù để làm nên chiến thắng. Xen lẫn trong niềm tự hào của những chiến sĩ ngày nào, ông Toản xúc động khi nhớ về những đồng đội một thời đã nằm trong lòng đất mẹ.

Ngày 26/4/1975, trung đoàn tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 28 được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và chỉ huy Sư đoàn 10 giao đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu - cơ quan Tổng hành dinh quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thời điểm này, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ trung đội trưởng, trung đội thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Cả đội hình tham gia chiến đấu từ ngày 26/4 đến ngày giải phóng (30/4), không được nổ súng vì tất cả các đơn vị đi trước đã tiêu diệt địch, còn đơn vị ông tiến quân "như nước chảy" vào gần Bộ Tổng tham mưu, đến đêm 29/4, cả tiểu đoàn nằm gần hàng rào Tân Sơn Nhất chờ thời cơ, đến 12 giờ đêm được nhận lệnh công bố khẩn trương tiến công. Trung đoàn xông vào chiếm các vị trí. Đúng 1 giờ sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 28 được giao nhiệm vụ sau khi phối hợp đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất chuyển sang tiến công chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Gần 9 giờ, Trung đoàn 24 đã chiếm một phần Sân bay Tân Sơn Nhất và đang trên đà tiến công thuận lợi nên Trung đoàn 28 được lệnh nhanh chóng theo đường 1 tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Lúc này Dương Văn Minh đã đầu hàng, Trung đoàn 28 cắm cờ chiến thắng trên tầng thượng Trung tâm chỉ huy Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Trưa 30/4/1975, trong không khí bách chiến bách thắng, tiến vào Dinh Độc Lập, nhìn lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, ông và đồng đội vỡ òa trong dòng cảm xúc tự hào vì đất nước đã thực sự hòa bình, độc lập.

Sau chiến dịch, Trung đoàn 28 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Trung đoàn góp phần xứng đáng vào thành tích “đặc biệt xuất sắc” của Sư đoàn 10 và Quân đoàn 3 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và anh dũng của nhân dân ta. Bản thân ông Trần Văn Toản được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất. Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều Bằng khen, giấy khen của tỉnh, địa phương.

Trân trọng giá trị hòa bình

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 6/1975, ông được điều động sang đơn vị mới và được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Tiểu đoàn 19, Công an Võ trang tỉnh Kiên Giang, rồi được đi học Trường Biên phòng ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Tháng 9/1981, được chuyển vùng công tác về địa bàn tỉnh với cấp hàm Đại úy, chức vụ Đồn trưởng Đồn biên phòng Sóc Hà (Hà Quảng). Tháng 7/1986, được đề bạt lên chỉ huy phó, tham mưu trưởng tiểu khu biên phòng Hà Quảng. Tháng 9/1988, ông được điều về làm Trưởng ban Kinh tế Biên phòng tỉnh. Trải qua nhiều cương vị công tác, ông luôn phấn đấu, có trách nhiệm cao trong công việc, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt mọi công việc được giao, được cấp trên tin tưởng, đồng đội tin yêu. Tháng 7/1989, ông nghỉ theo chế độ bệnh binh với quân hàm Đại úy.

Ông Trần Văn Toản kể về thành tích gắn với những tấm huy hiệu cao quý.

Ông Trần Văn Toản kể về thành tích gắn với những tấm huy hiệu cao quý.

Trở về đời thường, ông Toản là đảng viên, cựu chiến binh, công dân gương mẫu ở nơi cư trú. Từ năm 2019, ông giữ vị trí Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Hoàng Tung, ông thường xuyên quan tâm thăm hỏi, chia sẻ với các hội viên - những người đã và đang phải gánh chịu nhiều nỗi đau trong cuộc sống do ảnh hưởng của chất độc hóa học trong chiến tranh để lại. Với những thành tích đạt được trong những năm qua, Hội NNCĐDC xã đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Hội NNCĐDC xã được huyện tặng nhiều giấy khen bằng khen. Riêng bản thân ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội giai đoạn 2017 - 2022.

Chiến tranh đã lùi xa, quê hương, đất nước ngày càng đổi mới, với trách nhiệm của một người đảng viên, người lính Cụ Hồ, ông luôn gương mẫu tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người dân thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua tại địa phương. Được sự quan tâm tỉnh, nhân kỷ niệm 50 năm hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), từ ngày 16 - 20/4, ông vinh dự tham gia đoàn đại biểu của tỉnh thăm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chương trình, đoàn được tham quan các điểm: Dinh Độc Lập; Bến Nhà Rồng; Địa đạo Củ Chi; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và một số khu du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Toản bồi hồi kể: Vừa đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất, chiến trường năm nào không còn bom đạn, thay vào đó những tòa cao ốc hiện đại, những con đường nhộn nhịp, đông vui, cuộc sống thực sự đã sang trang. Những đổi thay đó đã khiến những cựu chiến binh góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 bồi hồi, xúc động. Lặng lẽ ngắm lại những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng, Dinh Độc Lập, ông nghĩ về đồng đội, đồng chí của mình, nước mắt trào dâng, những đồng đội đã nằm lại mãi nới chiến trường không được nhìn thấy những đổi thay của đất nước hôm nay. Trong dịp này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp đón và dành tình cảm sâu sắc cho các cán bộ, chiến sĩ khắp mọi miền Tổ quốc về thăm Thành phố trong những ngày lịch sử này là hoạt động thể hiện lòng tri ân với những công lao, sự hi sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Thành phố hôm nay không còn dấu tích của chiến tranh nhưng những kỷ vật ngày nào, những công trình biểu tượng và ký ức về một thời chiến đấu gian khổ, sục sôi của dân tộc vẫn là bản hùng ca trong những câu chuyện của những chiến sĩ, những người làm nên mùa Xuân của dân tộc.

Hiện tại dù tuổi cao sức yếu, song cựu chiến binh Trần Văn Toản vẫn vẹn nguyên lòng nhiệt tình, tích cực tiếp tục đóng góp cho quê hương, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, chăm lo cho gia đình chính sách, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Minh Huệ

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-cao-bang-gop-phan-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-ky-6-3176810.html