Những chiêu trò của tin tặc mà người dùng smartphone nên biết
Gần đây, có khá nhiều kẻ xấu đã có hành vi lừa đảo trực tuyến, 4 lỗ hổng mà người dùng smartphone cần biết để tránh bị kẻ xấu tấn công ăn cắp thông tin.
Hiện cả nước có trên 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone, Hải Phòng là địa phương có tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone cao nhất với 78,4%, tiếp theo là Đà Nẵng 77,8%. Mặc dù các nhà sản xuất đã áp dụng các giải pháp bảo mật tiên tiến để giúp chúng được an toàn trước các cuộc tấn công của kẻ nhưng trong thực tế vẫn không tránh khỏi những lỗ hổng bảo mật. Kẻ xấu thường tấn công người dùng smartphone như thế nào?
Xâm nhập qua mạng Wi-Fi
Tội phạm mạng thường lên hệ thống Wi-Fi công cộng mà các thiết bị kết nối, để thu thập thông tin cá nhân của người dùng như thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến, thông tin dịch vụ tài chính, nhằm mục đích trộm cắp tiền, tống tiền trao đổi dữ liệu cá nhân. Chúng thường tạo ra các điểm truy cập Wi-Fi giả mạo và một khi người dùng đăng nhập vào mạng Wi-Fi do chúng tạo ra thì mọi thông tin, dữ liệu của người dùng gửi đi chúng đều nắm được hết.
Nếu không cảnh giác và kết nối vào mạng Wi-Fi đó thì mạng này sẽ ghi nhận lại mọi thứ, từ các chi tiết người dùng nhập vào như mật khẩu ngân hàng, cho đến những dữ liệu nhạy cảm khác,…
Để phòng tránh nguy hiểm từ mạng Wi-Fi công cộng, người dùng nên chọn những mạng nào mà mình biết rõ nguồn gốc thuộc công ty hay khách sạn nào cụ thể. Không nên kết nối tới những mạng Wi-Fi lạ mà không có mật khẩu bảo vệ cho dù mạng đó có chất lượng đường truyền tốt hơn cái vẫn thường dùng.
Giả mạo danh tính
Giả mạo danh tính (Pretexting) là hình thức mà các tội phạm đang thịnh hành sử dụng trong thời gian gần đây. Theo đó, tin tặc tạo ra một lý do hợp lý, hoặc một kịch bản đã được tính toán từ trước để ăn cắp thông tin cá nhân của nạn nhân. Những loại tấn công này thường được biểu hiện dưới dạng lừa đảo rằng người dùng smartphone cần cung cấp một số thông tin nhất định để xác nhận danh tính.
Pretexting là hình thức giả danh người khác, thường là cảnh sát điều tra hoặc cơ quan thuế để lấy thông tin từ đối tượng cần khai thác, phần lớn là thông qua dịch vụ viễn thông. Đối với các cuộc tấn công tinh vi hơn, tin tặc sẽ cố thao túng các mục tiêu để khai thác các điểm yếu về cấu trúc của một tổ chức hoặc công ty.
Sử dụng phần mềm độc hại
Dùng phần mềm độc hại (Malware) là các chương trình hoặc mã độc có khả năng cản trở hoạt động bình thường của hệ thống bằng cách xâm nhập, kiểm soát, làm hỏng hoặc vô hiệu hóa hệ thống mạng, máy tính, máy tính bảng và thiết bị di động,…
Tin tặc lừa người dùng tải xuống phần mềm độc hại bằng cách ngụy trang các ứng dụng độc hại thành các ứng dụng miễn phí mà người dùng cần đến. Khi điện thoại di động đã bị nhiễm phần mềm độc hại, nó sẽ cho phép những kẻ xâm nhập dễ dàng truy cập vào thông tin nhạy cảm của người dùng.
Dấu hiệu của nó như điện thoại di động chạy chậm; tốc độ xử lý của hệ điều hành giảm; dung lượng bộ nhớ điện thoại giảm bất thường; dung lượng dữ liệu tăng cao không rõ nguyên nhân.
Sử dụng phần mềm gián điệp
Phần mềm gián điệp (Spyware) là các dạng mã độc thu thập thông tin, đánh cắp dữ liệu và bất kỳ những thông tin có giá trị trên cả máy tính và điện thoại thông minh, điển hình như dữ liệu tiền điện tử hoặc thông tin đăng nhập tài khoản.
Một số dấu hiệu cảnh báo cho bạn có phần mềm gián điệp đang theo dõi hoạt động trên smartphone như thiết bị tự tắt và khởi động ngẫu nhiên; tiêu hao hiệu suất pin không rõ nguyên nhân; ứng dụng thường xuyên bị treo hoặc bị dừng; xuất hiện nhiều quảng cáo và âm thanh bất thường trên điện thoại; tự động nhận, gửi dữ liệu khi có kết nối Internet; ứng dụng tự động được cài đặt.
Bên cạnh đó, khi điện thoại di động xuất hiện các tin nhắn hoặc email có địa chỉ lạ cũng là dấu hiệu cảnh báo về khả năng tấn công của phần mềm gián điệp. Người dùng nên xóa chúng mà không cần nhấp vào liên kết hoặc tải xuống bất kỳ tệp nào, tương tự đối với tin nhắn SMS cũng nên xử lý như vậy.
Ngoài ra, khi người dùng thấy điện thoại di động của mình hoạt động ngày càng chậm thì cũng có thể đã bị nhiễm phần mềm gián điệp. Các phần mềm gián điệp thường chạy ngầm trên thiết bị dưới dạng các tiến trình nền. Nếu các ứng dụng này đã xâm nhập vào bên trong hệ thống sẽ chiếm dụng không nhỏ tài nguyên hệ thống (CPU, bộ nhớ RAM,…) để chạy các tiến trình chạy ngầm và theo dõi người dùng, có thể dẫn đến tình trạng thiết bị quá nóng.
Do vậy, nếu nhận thấy thiết bị thường xuyên hoạt động rất chậm, dù người dùng đã gỡ bỏ các ứng dụng tốn nhiều dung lượng nhưng vẫn không cải thiện được, đây có thể là một dấu hiệu phát hiện thiết bị của bạn đã bị nhiễm phần mềm gián điệp.