Những chiêu trò tinh vi của cựu trụ trì lừa 4 phụ nữ chiếm đoạt hơn 67 tỷ đồng
Ngày 13-4, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử Phạm Văn Cung (SN 1982, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), cựu trụ trì chùa Phước Quang, Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng bị truy tố tội danh trên còn có Nguyễn Tuấn Sĩ (SN 1968, chạy xe ôm, ngụ TP.Vĩnh Long). Liên quan đến vụ án, Cơ quan An ninh điều tra đang truy nã bị can Lê Nguyên Khoa (SN 1986, ngụ TP.Cần Thơ), khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Trong 4 bị hại thì 1 bị hại có đơn xin vắng mặt. HĐXX cho rằng bị cáo Cung đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân nên chỉ định 1 luật sư bào chữa, tuy nhiên bị cáo này từ chối.
Đại diện các luật sư bị hại cho rằng những người có liên quan, nhận tiền từ bị cáo Cung phải được triệu tập. Tuy nhiên đại diện VKSND cho rằng trong kết luận điều tra đã thể hiện rõ nên không cần phải triệu tập. Sau khi HĐXX hội ý, vụ án tiếp tục đưa ra xét xử và đại diện VKSND công bố cáo trạng.
Theo nội dung cáo trạng, Cung là tu sĩ từ năm 2005 và tu tại chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì. Cũng trong năm 2008, Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (nuôi dạy trẻ mồ côi) được thành lập, đến năm 2012 đi vào hoạt động, Cung được giao làm Giám đốc trung tâm.
Trong thời gian này, Cung quen với Khoa nên bổ nhiệm làm thư ký giúp việc. Thời gian làm trụ trì và giám đốc trung tâm, Cung tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để tạo uy tín. Cung làm các clip về hoạt động từ thiện đưa lên mạng xã hội, quảng bá hình ảnh nhằm tạo lòng tin với nhiều người để họ tặng tiền, vật chất.
Đặc biệt, Cung “nổ” quen nhiều lãnh đạo cấp cao, lợi dụng danh nghĩa nhà chùa và trung tâm, liên hệ gặp nhiều người có điều kiện kinh tế, tự nêu lên hoàn cảnh khó khăn trong việc nuôi dạy các cháu mồ côi để tìm kiếm sự cảm thông và trợ giúp. Cung chủ động dựng lên các sự kiện không có thật để mượn tiền của nhiều người.
Với những thủ đoạn trên, Cung vay tiền của nhiều người sử dụng vào mục đích cá nhân và sau đó chiếm đoạt của 4 người phụ nữ với số tiền hơn 67 tỷ đồng.
Theo Viện KSND tỉnh Vĩnh Long, hành vi lừa đảo do Cung và đồng phạm thực hiện diễn ra trong thời gian dài (từ năm 2015 đến 2020), xảy ra trên nhiều địa bàn, trong đó nhiều lần thực hiện hành vi tội phạm tại Vĩnh Long.
Cung lợi dụng vào uy tín của nhà chùa và Trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi; lợi dụng danh nghĩa trụ trì trong thời gian còn đương chức và cả lúc đã bị cách chức, bị xóa tên tu sĩ và sau đó lấy danh nghĩa thành viên tổ chức tôn giáo, câu kết với đồng bọn dùng thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo. Cung và Khoa đã lôi kéo Sĩ giúp sức cùng tham gia thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 600 triệu đồng.
Sau khi VKSND công bố cáo trạng, bị cáo Cung đồng ý hoàn toàn với kết luận của cơ quan điều tra. Ngoài ra bị cáo này khai nhận, trong quá trình làm trụ trì, không có khó khăn gì về tài chính. “Vì sao bị cáo có hành vi gian dối để lừa lấy tài sản của bị hại?”, HĐXX hỏi. Bị cáo Cung nói: “Bị cáo lấy tiền để sử dụng mục đích cá nhân, bởi trước đó gây ra khoản nợ dẫn đến mất cân đối, phải mượn của người này trả cho người kia”.
HĐXX hỏi tiếp: “Làm cách nào để bị cáo tạo lòng tin cho bị hại?”. Bị cáo Cung đáp: “Bị cáo lợi dụng uy tín đã có, dựng lên nhiều câu chuyện gian dối để bị hại tin tưởng. Bị cáo chủ yếu là lấy uy tín cá nhân. Trong dịp tổ chức chương trình từ thiện thì than khó khăn để bị hại chuyển tiền. Bị cáo lấy hơn 18 tỷ đồng của bị hại P. là bù đắp cho khoản nợ cá nhân trước đó”.
HĐXX cho rằng trước đó bị cáo không mất cân bằng tài chính, vậy việc chiếm đoạt tiền chi xài vào việc gì? Sau nhiều lần “né tránh” trả lời câu hỏi trên, bị cáo này cho biết: “Bị cáo còn chất người đời, từ đó rơi vào khó khăn, dẫn đến nợ nần. Hành vi gian dối có sự giúp sức từ Sĩ và Khoa. Việc lừa hơn 18 tỷ đồng của bị hại P. là dùng vào việc trả nợ, trang trải cho việc đi lại, nhu cầu không chính đáng”.
Ngoài ra, bị cáo Cung khai nhận việc chuyển tiền cho nhiều người khác là trả nợ số tiền đã mượn trước đó. “Một lần đang ở ngoài Bắc, bị cáo dẫn bị hại P. đến gặp Sĩ – đóng vai người cầm đồ. Bị cáo nói với P. là cầm xe Camry cho Sĩ 600 triệu đồng. P. tin là thật nên cho bị cáo mượn tiền”. HĐXX hỏi: “Bị cáo có khả năng trả nợ cho bị hại hay không?”. Cung nói: “Bị cáo nghĩ có khả năng trả nợ, vì lúc đó có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội. Việc làm quen với nhiều phụ nữ nhằm có tiền tiêu xài cá nhân. Để các bị hại chuyển tiền thì bị cáo dựng lên câu chuyện bị bắt cóc, tự tử…”, Cung khai nhận.
Cung còn cho biết, danh sách tại trung tâm là hơn 100 trẻ nhưng chỉ nuôi thực tế hơn 50 em. Mỗi lần có đoàn từ thiện đến thăm, Cung cho những trẻ em nghèo bên ngoài vào, mặc đồng phục trung tâm.
Đối với việc chiếm đoạt tiền của bị hại Y., bị cáo Cung cho biết thời điểm ở nước ngoài đã chủ động làm quen, xin số điện thoại người này. Sau đó về Việt Nam đã nhiều lần trao đổi, dựng lên câu chuyện bị thương để bị hại chuyển tiền và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bị hại. Còn những bị hại khác, Cung lý giải là cắt ghép hình ảnh với lãnh đạo trung ương để tạo lòng tin, chiếm đoạt tiền.
Sau một ngày xét xử, phiên tòa dừng lại ở phần hỏi và dự kiến tuyên án vào ngày 14-4.