Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2023

Trong tháng 4/2023, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực như: Bệnh COVID-19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; một năm kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần; quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; bảo lãnh ngân hàng theo phương thức điện tử.

BỆNH COVID-19 ĐƯỢC HƯỞNG BHXH

Thông tư số 02/2023/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, bệnh COVID-19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định. Bệnh COVID-19 là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.

Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm từ 34 bệnh, tăng lên thành 35 bệnh.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ ĐẤU THẦU THUỐC TẠI CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP

Từ ngày 27/4, Thông tư 06/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực.

Đáng chú ý, Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc, hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu.

Ngoài ra, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo các thông tin tài liệu về giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu, báo giá hoặc hóa đơn bán hàng... để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền.

MỘT NĂM KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG ĐẦU VÀO CÔNG CHỨC 2 LẦN

Ngày 10/4, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được diễn ra định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm, áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.

Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính với nội dung là những hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ.

Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

CHO PHÉP BẢO LÃNH NGÂN HÀNG THEO PHƯƠNG THỨC ĐIỆN TỬ

Thông tư 11/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/4, bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử. Do đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua phương tiện điện tử.

Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản có liên quan.

Khách hàng cũng cần lưu ý, giá trị mỗi cam kết bảo lãnh bị giới hạn đối với khách hàng cá nhân thì không vượt quá 4 tỷ đồng, và tổ chức không vượt quá 45 tỷ đồng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhung-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-42023