Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023 rất đáng chú ý như: Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử, quản lý tiền công đức, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động…
Cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam
Một chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023 là từ ngày 1/3/2023, Bộ Công an và Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử có rất nhiều ưu điểm, lợi ích, là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước.
Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử.
Cùng với đó, hộ chiếu gắn chíp điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chíp, rất khó sao chép thông tin.
Việc phát hành hộ chiếu điện tử không những tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất nhập cảnh mà còn phù hợp với Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Cơ quan công an cho biết, hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử hoặc cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động
Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại. Chính sách mới này có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.
Theo đó, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau:
- Mức 1: 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng);
- Mức 2: 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng);
- Mức 3: 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng);
- Mức 4: 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).
Thông tư nói trên có phần phụ lục nêu rõ mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng.
Người lao động nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.
Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Thông tư cũng nêu rõ, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.
Thông tư quy định, không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.
Khuyến khích người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với người lao động không làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, nhưng đang làm việc trong điều kiện lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
Không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học với chấp hành viên
Theo quy định mới tại Thông tư số 10/2023/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2023, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên ngành Thi hành án Quân đội đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.
Theo chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023 này, chấp hành viên sơ cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự chính theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên cao cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị, hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023 này quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Về tiếp nhận tiền mặt, thông tư quy định phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
Thông tư do Bộ Tài chính vừa ban hành cũng quy định rõ về việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ.
Theo đó, về quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Về quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Về quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân, chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.