Những chính sách mới trong chế độ tiền lương và Bảo hiểm xã hội đối với cán bộ nữ
Sáng 23/8, tại Đà Nẵng, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác cán bộ nữ và tập huấn công tác tổ chức cán bộ năm 2018.
Diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/8, hội nghị tập trung trao đổi thảo luận về những tác động của chính sách tiền lương giai đoạn 2018 - 2021 và chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với nữ công chức, viên chức và người lao động; tập huấn công tác tổ chức cán bộ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công Thương, kiêm Phó Ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ hoan nghênh hơn 200 đại biểu đại diện cho các tổng cục, vụ, ngành, tổng công ty… đã có mặt, dự hội nghị. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tập trung lắng nghe, trao đổi, chia sẻ ý kiến để hội nghị đạt hiệu quả tốt nhất, đưa các chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả.
Tại hội nghị, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, thành viên Tổ nghiên cứu Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã thông tin những nội dung cơ bản về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết trung ương 7 khóa XII.
Theo đó, những điểm mới của các chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 23/5/2018 được chia làm 2 đối tượng gồm khu vực công (cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang) và người lao động trong doanh nghiệp.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT, lương cơ bản sẽ chiếm 70% tổng quỹ lương, các khoản trợ cấp được tính theo lương và chiếm không quá 30% tổng quỹ lương; xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Bảng lương mới được thiết kế theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới; xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương phù hợp với nguồn lực của Nhà nước; hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn.
Ngoài ra, còn có một số điểm mới trong cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập như trao quyền hạn cho người đứng đầu, mở rộng cơ chế thí điểm cho địa phương được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản….
Chia sẻ về những chính sách mới được cập nhật, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - bà Nguyễn Ngọc Minh Hương - đánh giá các chính sách mới về chế độ tiền lương và chính sách BHXH rất cập nhật, sát thực tế. Đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người lao động nói chung, cán bộ nữ và lao động nữ nói riêng. Bà Minh Hương cũng cho biết, trên thực tế, việc triển khai các hoạt động về chế độ lương, bảo hiểm xã hội của nữ cán bộ được Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Công Thương rất quan tâm, đảm bảo chế độ quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật như chế độ thai sản, nghỉ sau sinh… Ngoài ra, tại một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ còn linh hoạt thực hiện các chế độ như chế độ sữa cho phụ nữ có con nhỏ, bố trí sắp xếp nhà trẻ để cán bộ nữ yên tâm công tác….
Còn, bà Nguyễn Thị Hoa - Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương cho rằng, những chính sách mới trong chế độ tiền lương và BHXH là những chính sách rất thiết thực. Đây là tiền đề để cải cách trong vấn đề lương đối với các cán bộ công chức cũng như tiền đề cho những thay đổi của tuổi trong lao động. Trên thực tế, Công đoàn Bộ Công Thương vẫn liên tục thực hiện nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền cập nhật các chính sách này đến các đoàn viên cũng như cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại Bộ, đảm bảo lợi ích tối đa cho người lao động.
Chiều 23/8, các đại biểu tiếp tục trao đổi, tham gia tập huấn về công tác tổ chức cán bộ.