Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2023
Từ tháng 9/2023, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Bổ sung nguyên tắc xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Chi trả mức trợ cấp mới cho cán bộ xã đã nghỉ việc; Chuyến bay bị delay 5 tiếng khách hàng được hoàn tiền...
Từ ngày 15/9, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, bổ sung trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều điểm mới trong đánh giá công chức, viên chức
Từ ngày 15/9, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, bổ sung trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.
Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.
Nghị định cũng quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỉ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao… thì cấp có thẩm quyền quyết định tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng mức lương hưu, trợ cấp cho cán bộ xã già yếu
Từ ngày 15/9, Thông tư 11/2023/TT-BNV có hiệu lực, hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng cho cán bộ cấp xã già yếu đã nghỉ việc.
Cụ thể, từ 1/7/2023, tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho cán bộ xã già yếu như sau: Trợ cấp hằng tháng = Mức trợ cấp hưởng tháng 6/2023 x 1,125.
Sau khi điều chỉnh, nếu mức trợ cấp thấp hơn 3 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng/người; tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,7 - dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Các đối tượng cụ thể được điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng làm tròn số như sau: Nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 3 triệu đồng/tháng/người. Các chức danh còn lại: 2,817 triệu đồng/tháng/người.
Chuyến bay bị delay 5 tiếng, khách hàng được hoàn tiền
Nội dung này đã được nêu tại Thông tư 19/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không (có hiệu lực từ ngày 1/9/2023).
Theo đó, khi có thay đổi thời gian khởi hành của chuyến bay, các hãng hàng không có trách nhiệm thông báo ngay cho hành khách về việc thay đổi này.
Nếu không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, hãng hàng không phải cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không.
Trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của người vận chuyển, các hãng hàng không còn phải thực hiện thêm các nghĩa vụ sau đây:
Chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên: Đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu.
Chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên: Nếu khách hàng không yêu cầu đổi chuyến mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng.
Cấm người có chức vụ thuộc Bộ Xây dựng lập doanh nghiệp sau nghỉ hưu
Thông tư 05/2023 của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 20/9, quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, các lĩnh vực gồm: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; Hoạt động đầu tư xây dựng; Phát triển đô thị; Hạ tầng kỹ thuật; Nhà ở, công sở và thị trường bất động sản; Vật liệu xây dựng; Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng; Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về thời hạn, thông tư nêu rõ, trong thời hạn đủ 24 tháng kể từ ngày thôi chức vụ, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong các lĩnh trên không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Cũng theo thông tư, trong thời hạn đủ 12 tháng kể từ ngày thôi chức, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong lĩnh vực Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng; quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ… không được thành lập doanh nghiệp và giữ chức danh quản lý, điều hành.
Sửa quy định đấu giá trực tuyến
Có hiệu lực từ 1/9/2023, Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Trong đó, Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.
Cụ thể, trong trường hợp đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Chương III và Chương IV của Luật Đấu giá tài sản, quy định tại Chương III của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản và quy định của Nghị định này.
Tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thông qua việc thuê, sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến. Trang thông tin đấu giá trực tuyến được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về thông tin và truyền thông, pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia, Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình để tổ chức việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đối với tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Chi phí tham gia Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia, chi phí thuê tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, bộ, ngành liên quan quy định chi phí sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia thuộc cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-9-2023.html