Những chính sách nổi bật về kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2023
Từ tháng 9/2023, nhiều chính sách nổi bật về kinh tế như: 7 nhu cầu về vốn không được ngân hàng cho vay; được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác; chuyến bay bị delay 5 tiếng khách hàng được hoàn tiền;... sẽ có hiệu lực.
Chuyến bay bị delay 5 tiếng, khách hàng được hoàn tiền
Thông tư 19/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/9, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không.
Thông tư nêu rõ, khi có thay đổi thời gian khởi hành của chuyến bay, các hãng hàng không có trách nhiệm thông báo ngay cho hành khách về việc thay đổi này.
Nếu không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, hãng hàng không phải cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không.
Trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của người vận chuyển, các hãng hàng không còn phải thực hiện thêm các nghĩa vụ sau đây:
Chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên: Đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu.
Chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên: Nếu khách hàng không yêu cầu đổi chuyến mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng.
7 trường hợp không được vay vốn ngân hàng
Ngày 28/6/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có quy định về “Những nhu cầu vốn không được cho vay ngân hàng” với 10 trường hợp cụ thể, áp dụng từ ngày 01/9/2023.
Tuy nhiên đến ngày 23/8/2023, NHNN lại tiếp tục ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN với nội dung ngưng hiệu lực thi hành của một số trường hợp không được vay vốn ngân hàng cho đến ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật mới.
Theo Thông tư 10, từ ngày 1/9/2023, các tổ chức tín dụng không tiến hành cho vay đối với 7 nhu cầu về vốn gồm:
1. Đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
2. Để thanh toán chi phí hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
3. Để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
4. Để mua vàng miếng.
5. Để trả nợ cho các khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi phát sinh trong thời gian thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay đã được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn và đáp ứng đủ 02 điều kiện:
Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; khoản vay chưa cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
7. Để gửi tiền.
Quy định đấu giá trực tuyến
Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Trong đó, Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.
Theo đó, trong trường hợp đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Chương III và Chương IV của Luật Đấu giá tài sản, quy định tại Chương III của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản và quy định của Nghị định này.
Tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thông qua việc thuê, sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến. Trang thông tin đấu giá trực tuyến được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về thông tin và truyền thông, pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia, Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình để tổ chức việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đối với tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, bộ, ngành liên quan quy định chi phí sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia thuộc cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia.
Nghị định 47/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2023.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động doanh nghiệp vừa và nhỏ
Để hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52/2023/TT-BTC.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/9/2023; hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên để thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một trong những nội dung nổi bật của Thông tư 52 là cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, Điều 10 Thông tư 52/2023/TT-BTC, người lao động đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục khi tham gia khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo từ 03 tháng trở xuống được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần chi phí đào tạo nghề với mức chi theo thông báo của cơ sở đào tạo nghề nghiệp nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/người/khóa học.