Những chú chó trên đảo Đá Nam

Ở đảo Đá Nam, có một đội quân 'bốn chân' rất đặc biệt. Đó là những chú chó thông minh, giỏi bơi lội. Hàng ngày, chúng cùng lính đảo canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi vẫn không hình dung được như thế nào thì gọi là đảo chìm, cho đến khi được tận mắt nhìn, và may mắn hơn, được đặt chân lên đảo chìm đầu tiên của hành trình: Đảo Đá Nam. Chuyến đi này, ngoài Đá Nam, chúng tôi còn đến các đảo chìm Đá Lát, Đá Thị, Tiên Nữ, Núi Le A…

Các bạn nhỏ có hiểu đảo chìm là như thế nào không? Để tôi nhắc lại các định nghĩa cho các bạn mường tượng nhé. Theo cuốn sách 100 câu hỏi về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam, thì “đảo” được định nghĩa là “một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. Còn đảo chìm hiểu một cách đơn giản nhất là khi thủy triều xuống, ta sẽ nhìn thấy một bãi cạn có thể dài đến hàng cây số. Nhưng khi thủy triều lên, bãi cạn ấy sẽ không còn nhìn thấy đâu nữa, tất cả đã chìm xuống mặt nước.

Ngày nay, khi đến các đảo chìm Trường Sa, bạn sẽ thấy những công sự cao hai, ba tầng lầu được xây dựng trên các bãi ngầm. Trông xa xa, cứ như là những tòa nhà mọc sừng sững giữa biển khơi vậy. Hiên ngang, vững vàng.

Giờ thì tôi đang chuẩn bị bước chân lên đảo Đá Nam. Loa truyền thanh trong cabin đang phát chương trình giới thiệu về điểm đảo chúng tôi sắp đến: “Đá Nam nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, là một trong những đảo có vị trí quan trọng trên quần đảo. Khi thủy triều thấp có nhiều đá mồ côi nhô lên mặt nước. Độ cao trung bình khoảng 0,3 mét. Phía Đông Nam của bãi cạn có một hồ nhỏ, dài khoảng 600 mét, rộng 150 mét. Khi thủy triều thấp nhất hồ có độ sâu từ 3 mét đến 15 mét…”

- Đá mồ côi là đá gì bác Tê Lê? - Tôi thắc mắc.

- Đó là những tảng đá nằm có vẻ tách biệt khỏi bãi đá san hô, nhô cao và cũng rất đẹp đấy con ạ. - Bác Tê Lê giải thích.

Mỗi khi đoàn vào đảo phải chờ thủy triều lên, xuồng nhỏ mới có thể men theo sóng mà đưa đoàn vào đảo. Khi thủy triều xuống thấp thì có thể đi bộ, nhưng hơi nguy hiểm vì đá sắc nhọn, cắt chân chảy máu như chơi.

Tôi không được nhìn thấy đá mồ côi trên bãi cạn, nhưng mỗi khi nhìn xuống làn nước xanh biếc, tôi cứ mường tượng những khối đá ẩn mình dưới đáy biển sẽ trông như những tuyệt tác của tự nhiên. Thời tiết ở Đá Nam rất khắc nghiệt, khi nắng nóng thì rất oi bức. Một năm có đến hơn một trăm ba mươi ngày gió mạnh từ cấp sáu trở lên.

Từ tháng bảy đến tháng mười hai, mùa biển động, những cột sóng có khi cao đến bốn, năm mét. Tôi cứ nghĩ mãi về những mùa mưa bão, Đá Nam như một dấu chấm nhỏ giữa mênh mông phải gánh chịu mọi cơn thịnh nộ của biển cả và bầu trời…

Thấy tôi tần ngần nhìn đảo Đá Nam từ lúc thấy thấp thoáng cho đến khi nhìn rõ người chiến sĩ cầm cờ ra hiệu lệnh từ đảo, bác Tê Lê huých vai tôi:

- Này này, gì mà đứng thộn mặt ra đấy?

- Dạ dạ, lần đầu tiên con nhìn thấy đảo chìm. Con bị… xúc động.

Tôi xúc động thật. Một nỗi thương trào lên trong lòng. Tôi cũng không hiểu vì sao nữa. Nhìn sang, tôi thấy Meica cũng đang trầm ngâm.

Tôi nhìn đảo Đá Nam qua ống kính, đã thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới trên bầu trời xanh, đã thấy câu khẩu hiệu quen thuộc "Đảo là nhà, biển cả là quê hương" đầy trách nhiệm và tự hào. Và, xoay ống kính về phía khác, tôi còn thấy có một… đàn chó nhỏ đứng vẫy đuôi từ phía đảo. Tôi căng tròn mắt, zoom hết cỡ vào đàn chó con của biển. Dễ thương quá! Ở đâu có những chú chó, ở đó sẽ có những tình yêu thương vô bờ bến và tràn ngập niềm vui. Tôi luôn nghĩ như thế, từ quan sát trên đất liền. Tôi rất thích chụp ảnh những chú chó . Đó là loài vật có cảm xúc, có rung động, biết yêu thương, tận tụy và sống có thủy có chung nhất với con người.

- Này con, ở đảo chìm rất khan hiếm nước ngọt. Nước dùng cho sinh hoạt ở đây chủ yếu trữ từ nguồn nước mưa. Trên đảo, các chiến sĩ luôn chuẩn bị sẵn nước cho khách rửa tay, rửa mặt. Nhưng con nhớ nhé, nếu không quá cấp thiết thì đừng dùng. Mình ghé lên có một chút thôi, cố giữ gìn nước ngọt cho đảo. - Bác Tê Lê nói nhỏ với tôi.

Meica cạnh bên cũng nghe thấy. Nàng hấp háy mắt, gật đầu. Bác Tê Lê rời khỏi chỗ tôi, len lỏi sang chỗ khác dặn dò. Những lời nhắc nhau “tiết kiệm nước cho đảo” được truyền đi. Tôi tin, ai cũng hiểu được lời bác căn dặn. Ở đảo chìm, nước ngọt quý hơn vàng. Trên đảo Song Tử Tây tôi còn nhìn thấy bóng cây xanh, những mù u, phong ba, bàng vuông… Còn đảo Đá Nam thì hoàn toàn trơ trọi.

Lên đảo, tôi tha thẩn một mình nhìn biển. Cũng chẳng có nhiều nơi để đi. Điều kiện khó khăn như vậy mà đảo đã xây dựng được cả hệ thống năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời.

Có gì đó âm ấm cọ vào tôi. Giật mình nhìn sang, một chú chó vàng đang lè lưỡi liếm liếm vào mặt, tôi tránh theo phản xạ. Rồi mỉm cười, vuốt vuốt đầu chú. Chú chó rất thân thiện. Tôi giơ ống kính lên:

- Nào nào! Nhìn đây nhìn đây!

Tách!

Mặt chú chó ra chiều hớn hở, như cười.

- Mày giỏi lắm!

Tôi vuốt ve tấm lưng vàng rượm của chú. Thấy thương. Chắc nó không hiểu vì sao được tôi khen giỏi. Những chú chó của biển thân hình chắc nịch. Nghe bảo chúng còn thi bơi lội với các chiến sĩ. Khi thủy triều rút chúng xuống bãi cạn bắt ốc, bắt cá nữa.

Quanh năm suốt tháng đối diện với gió biển, cả những mùa mưa bão, vậy mà rồi chúng vẫn lớn lên, khỏe mạnh, trở thành những người bạn bốn chân mang đến niềm vui cho lính đảo. Đêm đêm chúng còn đi gác cùng các anh lính. Thân thuộc đến nỗi mà khi các anh hoàn thành thời gian công tác ở đảo, thường thì hai năm, trở về đất liền, chúng không nỡ rời xa. Ngày các anh lên tàu trở lại đất liền, có những chú chó đã nhảy xuống biển bơi theo tàu. Xúc động không nói nên lời.

Những chú chó can trường này cũng phải được tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” mới được. Tôi ôm nó vào lòng, hai đứa cùng nhìn ra biển.

Khoảnh khắc ấy, tôi không biết bác Tê Lê đã nhìn thấy và chụp lại. Về sau này khi bác tặng lại, đó là bức ảnh mà tôi thích nhất trong những bức ảnh có mặt mình ở chuyến đi. “Đôi bạn” ngồi bên nhau, như hai cái chấm nhỏ giữa biển trời mênh mông.

Mọi người làm việc ở phòng họp xong thì tỏa ra chụp ảnh ở cột mốc. Một điều đặc biệt khi ra Trường Sa là ai cũng cố gắng tranh thủ chụp ảnh cột mốc trên mỗi điểm đảo. Tôi thì thích hình ảnh các chiến sĩ hải quân bồng súng đứng gác trên những cột mốc ấy. Thật đẹp. Họ, những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi đã chọn Trường Sa làm lý tưởng, cống hiến và vượt qua mọi gian khó giữa biển khơi.

Những gương mặt sạm đen, rám nắng mà sao tôi luôn thấy các anh ấy đẹp quá. Một vẻ đẹp rất khó gọi tên, gợi nên niềm trân trọng và nể phục. Tôi ước mình được một lần được mặc trang phục hải quân, đứng trang nghiêm như vậy bên cột mốc chủ quyền, mà không được.

Có những giấc mộng, máy ảnh tôi chỉ dám giữ cho riêng mình.

Nhường lại không gian cho đoàn người chụp ảnh lưu niệm, tôi đi vòng quanh tham quan khu sinh hoạt của các chiến sĩ. Trong gian bếp nhỏ có khoảng chục chú chó nữa đang nhìn đoàn khách lạ. Mặt đứa nào cũng rất hiền lành. Thấy tôi đến gần, chúng vẫy đuôi. Những chú chó luôn vẫy đuôi mừng khách lạ là những chú chó được sống trọn vẹn trong sự tin cậy và yêu thương. Tôi ngồi xuống bên cạnh, bắt tay từng chú một.

- Mấy em này tên gì vậy, các đồng chí? - Chú Bình hỏi anh chiến sĩ hải quân đi ngang qua

Chú vuốt ve chú chó màu trắng, trông có vẻ to và đẹp nhất bọn.

- Chú này tên Bão Táp, khỏe lắm đấy bác. - Anh lính trẻ chỉ chú chó vàng vừa ngồi cùng tôi, rồi anh tiếp tục chỉ sang chú chó đen tuyền. - Chú này là Đại Dương, rất thích bơi. Đây là em Hiền, em sắp sinh rồi. Còn đây là…

Tôi muốn ôm hết những chú chó của biển vào lòng. Những chú chó ngoài đảo xa không có đứa nào tên Lu Lu, Mi Lô hay Phèn, Vàng, Mực... Chúng toàn được đặt cho những cái tên đậm dư âm biển. Có khi, các anh đặt tên những chú cún cưng theo tên người như ở đất liền. Tôi muốn tặng tên mình cho các anh, để sau này có thể đặt cho một trong những cún con của em Hiền. Để mình cũng là một phần tên gọi trên đảo, mà chẳng biết những chú chó có thích tên của tôi không.

Nếu Cà Nóng được trở thành tên của một chú chó ngoài đảo xa, nghe cũng đáng yêu mà, phải không các bạn?

Bùi Tiểu Quyên/NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-chu-cho-tren-dao-da-nam-post1361178.html