Những chú lợn đầu tiên được nhân giống để cấy ghép nội tạng cho người
Một nhóm nghiên cứu do liên doanh Nhật Bản dẫn đầu đã lần đầu tiên nhân giống thành công 3 con lợn biến đổi gen để cấy ghép cho người.
Liên doanh trên có tên là PorMedTec Co, được thành lập dựa trên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tài nguyên Sinh học Quốc tế thuộc Đại học Meiji.
Thành công trên có thể được sử dụng trong cấy ghép nội tạng và tế bào người tại Nhật Bản, quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng thiếu người hiến tạng – Công ty PorMedTec Co cho biết hôm 13/2.
Tuy nhiên, sự an toàn của việc cấy ghép giữa các giống loài như vậy sẽ được nghiên cứu bằng các thử nghiệm trên động vật sâu hơn trong thời điểm hiện tại, liên doanh trên cho biết.
Theo PorMedTec, nhóm nghiên cứu gồm các thành viên từ công ty công nghệ sinh học eGenesis của Mỹ.
Những con lợn trên được sinh ra hôm 11/2 bằng phương pháp sinh mổ.
Các nhà nghiên cứu đã nhân giống chúng bằng cách dùng các tế bào do công ty Mỹ cung cấp tháng 9/2023 với 10 gen khác nhau được sửa đổi để chống lại sự đào thải của cơ thể con người.
Sau khi được xác nhận đang phát triển, những con lợn này sẽ được tặng cho các viện khoa học ở Nhật Bản để sử dụng trong nghiên cứu cấy ghép nội tạng cho các động vật khác như khỉ.
Người sáng lập PorMedTec, đồng thời là nhà khoa học trưởng Hiroshi Nagashima cho biết: “Tôi hy vọng coi đây là cơ hội để xem xét những thách thức của việc cấy ghép nội tạng người”.
Người ta hy vọng rằng việc cấy ghép tế bào và nội tạng từ động vật sang người sẽ cung cấp giải pháp cho tình trạng thiếu người hiến tạng.
Nhật Bản hiện có khoảng 16.000 người đăng ký chờ hiến tạng, mặc dù chỉ có khoảng 3% nhận được mỗi năm, theo Mạng lưới Cấy ghép Nội tạng Nhật Bản.
Theo Kyodo news