Những 'chứng nhân' của Hà Nội
Từ những ngày quân dân Hà Nội chiến đấu bảo vệ Thủ đô, đến quá trình tái thiết, dựng xây và phát triển, các nhiếp ảnh gia cùng với tác phẩm của họ như 'chứng nhân' trong hành trình vươn mình bứt phá của Hà Nội.
Gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nền tại khai mạc triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” lần thứ 19 năm 2024, ông dẫn tôi đi xem lần lượt 7 bức ảnh tương đương các giai đoạn sáng tác của ông về Hà Nội. Trong đó có các tác phẩm được chụp năm 1975, như: Mít tinh chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại quảng trường Cách mạng tháng Tám ngày 1.5.1975; Các cháu thiếu nhi Hà Nội diễu hành chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 1.5.1975... và các tác phẩm sau này như: các cháu thiếu nhi vào thăm nhà sàn của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1977; Vườn quất Nhật Tân, năm 1990; Bình yên làng quê huyện Quốc Oai năm 2002…
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nền kể, các bức ảnh chụp năm 1975 là thời kỳ ông công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, phản ánh không khí Hà Nội tưng bừng trong ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại quảng trường Cách mạng tháng Tám. “Hôm đó, tôi phải bắc thang trèo lên nóc một tòa nhà cao bên cạnh quảng trường để chụp. Từ trên cao, bức hình bao quát khung cảnh hùng tráng của ngày lễ, xúc động và tự hào. Nó giống cảm giác của tôi trước đó khi công tác báo chí tại Mặt trận B3 - Binh đoàn Tây Nguyên, xông pha ra chiến trường, trải qua những khoảnh khắc sinh tử, những hiểm nguy khi bom chụp, pháo bầy… Các bức ảnh được tôi chụp bằng tất cả cảm xúc, để lưu giữ cũng là nhắc nhớ thế hệ trẻ về một thời đau thương song huy hoàng của đất nước”.
Sau này, câu chuyện về Hà Nội tiếp tục được nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nền chăm chút, nắn nót, từ việc chụp địa danh nổi tiếng như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch cho đến lễ hội, làng nghề truyền thống… tái hiện Hà Nội gần 40 năm xây dựng và đổi mới. Những bức ảnh, như ông tâm sự, không hào nhoáng, mà "lắng đọng những thăng trầm lịch sử", khiến chỉ thoáng qua người xem đã thấy "chất Hà Nội" trong mỗi tấm hình.
Với chủ đề “Hà Nội vươn mình bứt phá”, triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” lần thứ 19 năm 2024, diễn ra từ 23.9 - 10.10. Công chúng có thể cảm nhận rõ nét một Hà Nội anh hùng và hào hoa, một Hà Nội bứt phá và giàu bản sắc văn hóa, một Hà Nội vươn mình hội nhập với khu vực và thế giới. Triển lãm do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức.
Nhiếp ảnh gia Trịnh Hải năm nay 93 tuổi, mắt đã mờ, chân đã yếu, nhưng ông nhớ chi tiết bức ảnh chụp Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một buổi sáng xúc động khi hàng vạn người đổ về quảng trường Ba Đình, rưng rưng nước mắt tiếc thương vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Để lấy được bức ảnh toàn cảnh dòng người về viếng Bác, ông phải trèo lên một cái thang cao, vừa khóc vừa bấm máy.
Hay bức ảnh Khu phố Khâm Thiên bị bom B52 tàn phá năm 1972 được nhiếp ảnh gia Trịnh Hải chụp một ngày trước khi phố Khâm Thiên bị bom Mỹ tàn phá. Góc máy dừng ở một ngôi nhà cổ, bên ngoài có dòng chữ: “Nhà đi sơ tán, tài sản vứt bừa…”. Ông Hải kể, sau này ông gặp lại con của chủ nhà, được biết, hôm B52 ném bom, phố Khâm Thiên phần lớn bị tàn phá tan hoang nhưng ngôi nhà mà ông chụp chỉ bị bay một chút mái, đồ đạc trong nhà gần như còn nguyên. Nhiều bức ảnh ông Hải chụp phố Khâm Thiên bị tàn phá vừa khắc họa được sự đau thương của lịch sử, vừa đong đầy cảm xúc về tình người Hà Nội thời chiến.
Các tác phẩm của hai nhiếp ảnh gia Hữu Nền và Trịnh Hải nằm trong số 80 bức ảnh tại triển lãm “Hà Nội trong tôi” lần thứ 19 - năm 2024 đang diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chúng được coi như những thước phim tư liệu quý giá ghi lại những thời khắc lịch sử, những cột mốc đáng nhớ và thành tựu rực rỡ của Hà Nội sau 70 năm giải phóng.
Lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, may mắn được tham quan triển lãm, bà Jeanette Freudiger (Thụy Sĩ) bày tỏ sự thích thú khi xem các bức ảnh về Thủ đô, đặc biệt là bức ảnh Sông Hồng nhìn từ trên cao của Phạm Hùng. "Bây giờ thì tôi hiểu vì sao dòng sông nổi tiếng chảy qua Thủ đô của các bạn có tên gọi như vậy. Màu đỏ phù sa của dòng sông rất đặc trưng. Nó nổi bật trên nền xanh ngắt của cây cối. Dọc theo bờ sông là những ngôi nhà nhỏ mọc lên san sát, rất thú vị...".
Nhìn ngắm các tác phẩm tại triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Văn Cảnh chia sẻ: “Trên 50 năm cầm máy, theo sát từng bước bước phát triển của Hà Nội, chứng kiến các sáng tác ảnh về Hà Nội qua nhiều năm, tôi thấy sự vươn lên bứt phá của Thủ đô. Không chỉ có hình ảnh thể hiện những ngày quân dân Hà Nội đứng lên chiến đấu và chiến thắng, đau thương và hào hoa, mà sau này các tác phẩm về cầu đường, công trình công cộng, nhà cao tầng, khu công nghệ… cho thấy Hà Nội của chúng ta đổi thay từng ngày. Ngoài Trịnh Hải, Hữu Nền, còn có các tác giả Văn Phúc, Lý Anh Quý, Đào Minh Xuyên, Gia Khánh, Lê Huy Cường… Tác phẩm của họ vừa mang tính nghệ thuật song cũng đầy ắp tính thời sự, gắn với những dấu mốc khó quên của Hà Nội, khiến người xem hôm nay cảm thấy phấn khởi, trân trọng và tự hào".
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhung-chung-nhan-cua-ha-noi-post391446.html