Những chứng nhân của lịch sử
Đối với những nhà văn, nhà nghiên cứu viết về Hà Nội, cây xanh không chỉ là nguồn cảm hứng cho trang viết của họ, mà còn là những chứng nhân, chứng kiến thăng trầm của thành phố.
Sau khi cơn bão Yagi càn quét qua Thủ đô Hà Nội, nhiều cây xanh tại các tuyến phố đã bị đổ sập, trong đó có cả những cây lớn hàng chục năm tuổi. Đối với những nhà văn từng viết về Hà Nội, khi chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang này họ không khỏi tiếc nuối.
Một buổi sáng không bình thường sau khi cơn bão đi qua
Như mọi ngày, nhà văn Uông Triều lại đi qua những con đường quen thuộc để tới cơ quan làm việc. Tuy nhiên, những cảnh tượng lướt qua trước mắt ông không còn nhiều sự thân thuộc. Hai bên đường, những hàng cây đổ rạp, cành to cành bé đè lên nhau, có cả những hàng cây lâu năm bị bật gốc. Phải mất một lúc khó khăn, nhà văn với có thể di chuyển đến cơ sở làm việc gần phố Phan Đình Phùng, con phố yêu thích mỗi vào mỗi ngày đi làm của ông.
Dù là một con phố lâu đời nhưng những cây sấu, cây bằng lăng tại đây cũng không thoát khỏi trận cuồng phong tối ngày 7/9. Theo chia sẻ của nhà văn Uông Triều, một số cây lớn đã bị gãy, đổ nằm la liệt ở lòng đường và vỉa hè. Nhiều người dân, lực lượng chức năng đã có mặt để dọn dẹp đảm bảo cho các phương tiện giao thông có thể di chuyển thuận lợi.
Khi chứng kiến con phố yêu thích của mình bị tàn phá, nhà văn Uông Triều đã suy nghĩ về việc làm sao để bảo vệ những hàng cây này. Đối với ông, chúng không chỉ đơn thuần là một phần của cảnh quan đô thị mà còn là biểu tượng cho sự bình yên và cổ kính của thành phố.
“Tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng có biện pháp khắc phục, bảo vệ những cây xanh còn lại và tìm cách khôi phục lại hệ sinh thái cây xanh cho thành phố. Việc duy trì và bảo tồn cây xanh cần có kế hoạch lâu dài và hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân trong những trận bão lớn tiếp theo”, nhà văn Uông Triều chia sẻ.
Trong hai ngày vừa qua, tác giả Nguyễn Trương Quý cũng đã đi qua nhiều con đường và thấy hàng loạt cây xanh bị đốn gục bởi cơn bão Yagi. Với ông, đây là một mất mát lớn của thành phố vì những hàng cây xanh dường như đi vào tâm thức của người dân Hà Nội từ đời này sang đời khác. Thậm chí, còn có những con đường đặt tên theo các loài cây như phố Hòe Nhai, phố Liễu Giai.
“Khi nhìn thấy hàng loạt cây xanh bật gốc, tôi đã đặt ra một câu hỏi rằng, tại sao cái cây đó, dù nhiều năm tuổi, lại có bộ rễ nông như vậy. Phải chăng có cách nào để gia cố chúng tốt hơn?”, nhà văn Nguyễn Trương Quý nói.
Từ góc nhìn của tác giả Hà Nội bảo thế là thường, Những hàng cây ấy đã chứng kiến bao nhiêu thế hệ đi qua, là một phần của ký ức tập thể, một phần của "linh hồn" đô thị. Cây cối đã tồn tại qua nhiều thập kỷ, mang trong mình dấu ấn thời gian và bàn tay chăm sóc của con người. Sự hiện diện của cây không chỉ tạo nên một cảnh quan đẹp đẽ, mà còn giúp định hình cảm giác thân thuộc, gần gũi với không gian xung quanh.
Cây cối trong đời sống văn chương
Thế giới cây cối của Hà Nội đã hiện diện trong văn chương từ rất lâu và được gắn với nhiều cảm giác khác nhau. Khi ở trong những tập tản văn, tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Việt Hà, cây cối như một người chứng kiến toàn bộ những việc xảy ra. Cây trong văn của tác giả Nguyễn Việt Hà thường là những cái gốc to, xung quanh đó, đời sống diễn ra tấp nập.
Còn trong truyện ngắn Cửa Sổ (được in trong cuốn 20 truyện ngắn đặc sắc về Hà Nội), nhà văn Lê Minh Khuê lại cho thấy một thế giới tự nhiên rộng lớn của Thủ đô. Bà mô tả cây keo hoa vàng, cây hoa sữa phảng phất hương… Chúng xuất hiện như sự tô điểm cần thiết để khung cảnh Hà Nội trở nên đặc trưng hơn và dễ nhận diện hơn.
Không chỉ vùng lõi đô thị, mỹ cảm xuất phát từ cây cối còn được miêu tả ở cả những vùng lân cận trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Ông cho rằng bên cạnh cây đa, cây đề, cây sầu đâu hay cây bàng cũng là một loài cây nên được nhớ tới. Chúng gợi nhắc ông về cái rét nàng Bân trong tháng Ba ở miền Bắc, đây cũng là thời điểm cây sầu đâu ra quả.
Trong tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, cây cối được miêu tả với sự tinh tế và đầy chất thơ. Nhà văn Thạch Lam khắc họa hình ảnh cây hoa sữa, hàng cây sấu trên những con đường, con ngõ nhỏ của Hà Nội. Mùi hương thoảng qua của hoa sữa trong những đêm thu mang lại cảm giác hoài niệm, gợi nhớ những kỷ niệm xưa cũ. Những hàng cây không chỉ là cảnh quan tự nhiên mà còn mang tính chất văn hóa, tâm hồn của người Hà Nội.
Có thể thấy những hàng cây xanh tại Thủ đô là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học. Chúng được nhìn nhận như những chứng nhân lịch sử, mang trong mình không gian ký ức, thời gian và sự thay đổi của con người qua các thế hệ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tiec-thuong-nhung-hang-cay-xanh-cua-ha-noi-post1496788.html