Những chứng nhân lặng im
Cây xoài ở góc cổng nhà cuối xuân ra hoa sum suê, nhưng gặp mấy bận sương muối và mưa, từng chùm hoa trắng vàng tươi tắn dần ngả màu đen úa rồi thi nhau rụng. Thấy mẹ mỗi ngày quét sân, quét ngõ vài ba bận, cha ngồi bậc hè ngó ra bảo: 'Chặt cây xoài này đi rồi trồng thế vào đó cây vú sữa có khi lại hay. Chứ xoài chua giống cũ giờ còn ai ăn?'. Cha nói vậy, nhưng cả nhà biết đó là điều bất khả thi. Bởi cây xoài đã ở đó mấy mươi năm, nó là chứng nhân cho bao buồn vui được mất của đời người, của căn nhà đã qua nhiều thế hệ.
Mỗi ngày, khoảnh khắc tôi đứng bên hiên nhìn ra phía cổng, nhìn tán cây xoài vươn ra giữa sân rung rinh bóng nắng, thấy ngập tràn thảnh thơi, êm dịu. Nhớ những trái xoài ươm vàng nằm ngoan trên chiếc mẹt bao lần tôi theo chân bà ra chợ ngày thơ bé. Cả rổ xoài thu được chỉ vài nghìn đồng, tôi đem nhét vào con lợn nhựa. Ngày nào tôi cũng mang lợn ra ngắm nghía, để nghe tiếng lắc xắc, thấy những đồng tiền lẻ như cũng đang nhảy một vũ điệu vui tươi.
Ở sau vườn, cây bưởi ra trái đã nhiều lứa lắm rồi mà năm nào cũng sai lúc lỉu. Đến tận khi mùa hoa mới bung nở quả vàng ươm vẫn ở trên cây. Giờ người ở quê đi làm ăn xa quanh năm, vườn tược đất đai chẳng thiết trồng rau màu gì nữa nên rủ nhau trồng bưởi Diễn hết thảy. Cây trĩu trịt quả mà chẳng thèm bán buôn gì, hái đem cho xóm giềng thì nhà nào cũng có nên lắm khi để rụng rồi nhặt vào để lăn lóc ở góc nhà. Vì lẽ đó, cây bưởi chua bằng tuổi cây xoài, quả bé tí mà hay bị ong sâu nên chẳng ai mặn mộ. Quả cứ để trên cây rồi rụng mà không có người ăn.
Nhưng, cây bưởi, cây xoài ấy, một thời là thức quà quê quý giá. Thuở đói kém, chị em tôi ngồi quây tròn chờ bà cắt xoài, bổ bưởi, xúm xít tranh giành bên chén muối hạt. Ngày ông nội mất, mẹ đem khăn tang ra thắt lên cây. Gió lao xao quanh quất, nhưng chẳng hiểu sao cây xoài lặng im như tờ, cành lá như thu mình rủ xuống tiếc thương. Sau này, nhiều lần mẹ nhắc lại sự việc ấy bằng giọng đầy xúc động. Mẹ kể, ngày về làm dâu cây xoài, cây bưởi mới bắt đầu ra bói. Tất bật việc đồng việc nhà, những phút nghỉ ngơi mẹ thường tìm đến thưởng hoa ngắm quả. Bà đã “lớn” lên, đã chỉn chu làm vợ làm mẹ cùng những mùa bưởi ra hoa, mùa xoài kết trái. Mẹ thường lặng lẽ ngắt một chùm hoa bưởi dâng lên bàn thờ gia tiên. Căn nhà như được ướp hương mà rộng ra, mùi thơm nồng nàn ngọt ấm, ngấm cả vào giấc ngủ.
Còn nhớ ngày giải phóng mặt bằng cái công viên hiếm hoi được coi như lá phổi của thị xã để làm quảng trường, hàng cây dã hương cổ thụ bị buộc phải đốn hạ. Nhiều người đi ngang, nhất là những ai sinh ra và trưởng thành trong thời đoạn thăng trầm của thời cuộc, lớn lên cùng thị xã, đều ứa nước mắt nhớ tiếc. Họ nói rằng những cây dã hương ấy bằng tuổi cả đời người. Từ thập niên 60-70 thế kỷ trước, chúng kiên gan đứng đó dầm mưa bom bão đạn, là chứng nhân của một thời lửa máu. Khi hòa bình, từng tầng cây vươn xanh như kỳ tích, bóng cây xòa mát một cung đường dài. Nơi ấy chứng kiến những hò hẹn, hạnh phúc lứa đôi. Chứng kiến nhiều dấu mốc đổi thay có tính bước ngoặt của thị xã. Biết bao người thương khóc cây như thương khóc một tri âm tri kỷ trong đời.
Tôi từng đọc được rằng, vào những năm 60 của thế kỷ 20, có một thí nghiệm nổi tiếng của nhà khoa học Cleve
Backster (tác giả của chiếc máy phát hiện nói dối) trên cây. Ông Cleve Backster đã cắm hai đầu dây của điện kế vào một chiếc lá. Khi tưới nước vào gốc cây, nước ngấm dần lên thân và lá, chiếc điện kế đứng im. Nhưng khi ông mới chỉ có ý định đốt chiếc lá thì kim điện kế liền đập. Và khi ông quyết định bật que diêm đốt thật, thì kim điện kế không chỉ đập mà đập liên hồi. Thí nghiệm ấy cho chúng ta biết rằng, cây cỏ cũng giống như con người, cũng biết sợ hãi và lo âu.
Nhắc chuyện về hàng cây dã hương xưa và kể về thí nghiệm của Cleve
Backster, tôi bắt gặp cái nhìn trầm tư của cha hướng về khu vườn, nơi có những đời cây chỉ đứng đó lặng im mà mang chở bao hỉ - nộ - ái - ố cùng con người. Tôi đoán là trong lòng cha đang ngẫm ngợi, nhớ nhung khứ vãng xa xăm, nhiều lắm...