Những chuyển biến trong phát triển thủy sản
Những năm qua cơ cấu thủy sản của tỉnh chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững gắn với việc tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản ở tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ và chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ngư dân phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi. Ảnh: Hải Đăng
Trong 5 năm qua, lĩnh vực thủy sản của tỉnh có bước phát triển nhanh và khá toàn diện, từ khai thác đến nuôi trồng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Trong khai thác hải sản đã có bước chuyển dịch tích cực, chuyển từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Giai đoạn 2016-2020, năng lực khai thác hải sản tăng nhanh, công suất bình quân tăng từ 63 CV/tàu (năm 2016) lên 90,42 CV/tàu (năm 2020), nâng số tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên từ 1.644 chiếc lên 2.000 chiếc. Ngoài ra, toàn tỉnh đã thành lập được 389 tổ đoàn kết trên biển, với 1.975 tàu cá, thu hút 14.294 lao động tham gia. Các tổ đoàn kết trên biển hoạt động có hiệu quả đã phát huy được sức mạnh tập thể trong khai thác hải sản, hạn chế tai nạn trên biển, nâng cao hiệu quả khai thác, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Để mang lại hiệu quả kinh tế trong khai thác hải sản, tỉnh đã triển khai hợp lý các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh về phát triển hoạt động đánh bắt xa bờ; khuyến khích, hỗ trợ người dân đóng mới tàu cá, đầu tư mua sắm, sửa sang phương tiện, ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc... để nâng cao năng lực sản xuất. Vì vậy, tổng sản lượng khai thác thủy sản 5 năm (2016-2020) ước đạt 574.223 tấn, tăng 24,7% so với kế hoạch. Bên cạnh việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động khai thác, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng được phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, bền vững, an toàn dịch bệnh. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định về diện tích, đẩy mạnh phát triển nuôi thâm canh một số đối tượng có lợi thế, như: tôm thẻ chân trắng, ngao Bến Tre trong nuôi nước mặn, lợ và thâm canh cá chép, trắm đen, trắm cỏ, cá rô phi trong nuôi nước ngọt... Diện tích nuôi trồng tăng từ 18.900 ha (năm 2016) lên 19.500 ha (năm 2020). Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước ngọt 14.110 ha; mặn, lợ 5.350 ha. Sản lượng tăng từ 50.100 tấn năm 2016 và ước đạt 55.000 tấn năm 2020, tốc độ tăng sản lượng bình quân trong giai đoạn 2016-2020 ước đạt 2,2%/năm. Các huyện có diện tích và sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn, như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung và thị xã Nghi Sơn...
Ông Cao Thanh Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Những năm qua cơ cấu thủy sản của tỉnh chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững gắn với việc tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản ở tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ và chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chủ động sản xuất thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh trên các vùng biển. Đầu tư nâng cấp vùng nuôi trồng thủy sản tập trung bảo đảm nuôi thâm canh, tăng năng suất; thành lập các tổ cộng đồng, HTX tại các vùng nuôi nhằm hỗ trợ nhau trong dịch vụ đầu vào, kỹ thuật nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, trở thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và phát triển tổ chức sản xuất trên biển gắn với tái cơ cấu thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác hải sản vào thực tế sản xuất để tăng hiệu quả khai thác; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt; chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng hiệu quả, bền vững, chú trọng phát triển đối tượng nuôi chủ lực. Bên cạnh đó, vận động và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nuôi tiên tiến, quy trình nuôi bền vững; đa dạng hình thức nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng; phát triển các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh theo hướng VietGAP, bảo vệ môi trường; đưa các đối tượng có chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất tập trung.