Những chuyển biến trong thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử tại Hà Đông
Thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, quận Hà Đông đã đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và triển khai hàng loạt mô hình.
Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thực hiện tốt văn hóa ứng xử.
Kết quả thực hiện là tiêu chí đánh giá thi đua
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến, các đơn vị trong quận đã triển khai tốt 2 bộ Quy tắc ứng xử của thành phố. Nổi bật là phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt" trong cán bộ, công chức, viên chức đã được quận triển khai gắn với thực hiện văn hóa công sở và văn hóa nơi công cộng và chủ đề công tác hằng năm của thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay, quận đã có 30 bài dự thi giới thiệu và tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó có những tấm gương về những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng.
Tại UBND các phường, công tác thi đua - khen thưởng được gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; qua đó, kịp thời phát hiện, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt quy tắc ứng xử; phê bình, xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm. Các phường còn thường xuyên tổ chức lấy ý kiến khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đến làm việc, giao dịch với cơ quan, công sở, xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hằng tháng, quý, năm đối với cán bộ, công chức, người lao động. Căn cứ vào kết quả thực hiện phong trào thi đua để đánh giá, chấm điểm kết quả thi đua cuối năm.
Thường trực Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, Đảng ủy, UBND các phường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, đưa quy tắc ứng xử vào sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, họp cơ quan, đơn vị; ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử; phát động thi đua ở các cấp; giao ban định kỳ và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra kết quả triển khai thực hiện.
17/17 phường thuộc quận đã triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, tiêu chí thi đua phù hợp để cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân tự nguyện tham gia. Đảng ủy, UBND các phường đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay, góp sức xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Những mô hình hay
Từ năm 2019 đến nay, các phường vẫn duy trì tốt công tác cam kết, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như nội quy, quy chế của tổ dân phố, từ đó góp phần xây dựng phường giàu mạnh, văn minh, người dân có ý thức cao trong việc tuân thủ pháp luật.
Đặc biệt, các phường và các đơn vị, phòng, ban của quận đã đăng ký triển khai thực hiện mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”. 100% trường học trên địa bàn quận xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp".
Ngoài ra, mô hình chợ văn minh, an toàn, hiệu quả cũng được triển khai tại các chợ dân sinh trên địa bàn quận, giúp tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại. Đây là một trong những mô hình được nhân rộng trên địa bàn quận và đã mang lại những hiệu quả thiết thực được nhân dân, các tiểu thương đồng thuận hưởng ứng. Với mô hình tuyên truyền Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả, đã có 7/15 chợ trên địa bàn quận Hà Đông triển khai thực hiện không dùng tiền mặt.
Ghi nhận qua việc tiến hành kiểm tra tại Trường Tiểu học Vạn Bảo, di tích đình làng Vạn Phúc và phố Lụa (Vạn Phúc) cho thấy, Quy tắc ứng xử được niêm yết đầy đủ, rõ ràng tại các điểm dễ thấy, dễ nhìn. Trường học thân thiện, khang trang với nhiều cây xanh; các cửa hàng kinh doanh tại phố Lụa (Vạn Phúc) đều niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Để có được kết quả trên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đình Tuyên cho biết, căn cứ vào thực tế, quận triển khai tại từng cơ quan, đơn vị và căn cứ vào không gian, diện tích để bố trí cây xanh, trang trí, sắp xếp cho hợp lý.
Bên cạnh đó, triển khai mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn, trên địa bàn quận có 142 cơ sở di tích được đưa vào kiểm kê, trong đó có 93 cơ sở được xếp hạng với 51 di tích cấp quốc gia, 42 di tích cấp thành phố. Tất cả các di tích đều được triển khai đầy đủ về thực hiện Quy tắc ứng xử. Các ban quản lý di tích đều có hoạt động tổ chức lễ hội, nên việc chỉnh trang, đảm bảo hệ thống cây xanh, giữ gìn vệ sinh… luôn được chú trọng. Quận cũng thành lập đoàn kiểm tra lễ hội, qua đó chấn chỉnh, nhắc nhở trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội…
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của thành phố trên địa bàn quận Hà Đông đã tạo ra bước chuyển biến mạnh về kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; lề lối tác phong làm việc khoa học, nề nếp, đổi mới, sâu, sát công việc; nói đi đôi với làm; ứng xử có văn hóa; gương mẫu trong lối sống sinh hoạt hằng ngày.
Trong thời gian tới, quận Hà Đông sẽ tiếp tục quan tâm tuyên truyền đến nhân dân; ban hành kế hoạch hằng năm về việc triển khai thực hiện các Quy tắc ứng xử. Bên cạnh duy trì các mô hình, UBND quận cũng sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên… để các mô hình khi triển khai đạt hiệu quả cao nhất.