Những chuyển biến trong ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cần phải tăng cường hơn nữa việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn đời sống, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Nhiều dự án, kết quả nghiên cứu KH&CN mang lại hiệu quả. Đơn cử đề tài “Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, gạo và một số loại rau chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.

Từ kết quả điều tra, nghiên cứu, ngành chuyên môn cùng với chính quyền địa phương đã đưa ra những cảnh báo, dự báo về tác hại, ảnh hưởng của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, môi trường và sức khỏe con người. Đồng thời, xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn cho người dân. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân theo hướng “đúng liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) cho biết, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng, tôi không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục hoặc không có thông tin nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, tôi cũng ưu tiên sử dụng thuốc vi sinh, hoặc các chế phẩm sinh học để bón cho rau, vừa an toàn lại tiết kiệm chi phí sản xuất.

Tuy được xem là giải pháp giúp người nuôi tôm hạn chế dịch bệnh, gia tăng hiệu quả sản xuất nhưng chi phí đầu tư lớn, nên khó ứng dụng và nhân rộng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh.

Tuy được xem là giải pháp giúp người nuôi tôm hạn chế dịch bệnh, gia tăng hiệu quả sản xuất nhưng chi phí đầu tư lớn, nên khó ứng dụng và nhân rộng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh.

Hay như đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Mộ Đức”. Từ đề tài này, người nuôi tôm xây dựng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú thương phẩm áp dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước đảm bảo an toàn với dịch bệnh, năng suất cao. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng đạt 31 tấn/ha, kích cỡ từ 33 -35 con/kg; tôm sú thâm canh đạt năng suất 15 tấn/ha/vụ nuôi, kích cỡ từ 18 - 30 con/kg.

Chủ tịch UBND xã Đức Phong (Mộ Đức) Đinh Văn Bé cho biết, trong điều kiện dịch bệnh liên tục xuất hiện và gây hại, việc ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm giúp người dân hạn chế rủi ro, gia tăng hiệu quả sản xuất. Nhưng chi phí đầu tư cao, nên khó áp dụng và nhân rộng mô hình.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít dự án, đề tài nghiên cứu KH&CN ứng dụng vào thực tiễn đời sống chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân phần vì đơn vị tiếp nhận thiếu kinh phí, phần do việc kết nối, chia sẻ hợp tác và chuyển giao KH&CN còn nhiều hạn chế, bất cập.

Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Thành cho biết, để phát huy hiệu quả các nghiên cứu khoa học, bên cạnh việc ban hành các chính sách ưu tiên phát triển, cần thúc đẩy thương mại hóa để các doanh nghiệp có cơ hội đánh giá, lựa chọn hợp tác đầu tư và phát triển các dự án có tiềm năng thương mại. Điều này giúp ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng vào sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo cơ hội kết nối giữa các đơn vị nghiên cứu với nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh.

Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung theo Chỉ thị 25 ngày 5/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/khoa-hoc/202405/nhung-chuyen-bien-trong-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-vao-san-xuat-e52106f/