Những chuyện cảm động xung quanh một kiệt tác

Vừa qua, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của danh họa Trần Văn Cẩn (1994-2024), tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ ra mắt sách 'Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam' và tiếp nhận tác phẩm âm nhạc 'Little Thuy's Minuet' do nhạc sĩ Paul Zetter dành tặng cho bảo tàng.

Vậy là sau hơn 80 năm kể từ khi ra đời và tròn 20 năm được phục chế, tác phẩm “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn vẫn là “câu chuyện nghệ thuật” gây xúc động, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng...

Họa sĩ Trần Văn Cẩn - một tài năng kiệt xuất

Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994) được mệnh danh là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam (Trí - Lân - Vân - Cẩn). Danh họa Trần Văn Cẩn thể hiện tài năng ở nhiều mặt, từ tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ. Những tác phẩm của ông góp phần hình thành nên diện mạo của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đưa hương sắc mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế.

TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trao thư cảm ơn và tặng hoa ông Paul Zetter - tác giả của "Little Thuy's Minuet".

TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trao thư cảm ơn và tặng hoa ông Paul Zetter - tác giả của "Little Thuy's Minuet".

Trong đời sống, họa sĩ Trần Văn Cẩn là một người chất phác, đôn hậu, là một họa sĩ dám dấn thân. Nửa đầu sự nghiệp, ông có nhiều tìm tòi, đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện kỹ thuật sơn mài. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Gội đầu” (khắc gỗ), “Bên ao sen” (sơn dầu), “Hai thiếu nữ trước bình phong” (lụa), “Nắng trong vườn” (sơn dầu), “Mùa thu” (sơn mài)... Trong đó, có bức chân dung “Em Thúy” sau bao thăng trầm đã trở thành bảo vật quốc gia vào năm 2013.

Nửa sau sự nghiệp, họa sĩ Trần Văn Cẩn dấn thân cho sự nghiệp mỹ thuật phục vụ nhân dân. Ông chấp nhận hy sinh cái tôi cá nhân, ý thích cá nhân để phụng sự con người, phụng sự nền mỹ thuật của dân tộc và để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Xuống đồng”, “Tát nước đồng chiêm”, “Đưa nước lên cao nguyên”, “Cho trâu ăn”, “Nối lại dây gầu”, “Lớp học i tờ”, “Lớp học bình dân ở làng Bền”... Với những đóng góp đặc biệt của mình, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được trao Huân chương Lao động Hạng Nhất, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996 (đợt 1).

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến: “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam may mắn lưu giữ được một bộ sưu tập quý giá những tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn là bởi vì vào năm 1980, nhân dịp sinh nhật tuổi 70, ông mở cuộc triển lãm riêng đầu tiên và duy nhất tại chính phòng chuyên đề của bảo tàng với hơn 200 tác phẩm. Lúc này, ông Trần Đình Thọ làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn tranh cho bảo tàng đã thống nhất mua gần 200 tác phẩm của Trần Văn Cẩn. Nhưng, sau đó họa sĩ đã từ chối nên chúng tôi chỉ mua được 100 tác phẩm”.

Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi lưu giữ được nhiều tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn nhất và ông cũng là họa sĩ có số tranh được bảo tàng sưu tầm nhiều nhất. 30 năm từ khi ông qua đời, đến nay chưa có một triển lãm hay một cuốn sách nào nghiên cứu về ông. Chính vì thế, với những bài viết, hình ảnh và thông tin các tác phẩm, cuốn sách “Trần văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” sẽ phần nào giúp bạn đọc có được những hình dung đầy đủ hơn về chân dung và nhân cách của danh họa Trần Văn Cẩn - một trong những cây đại thụ của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Cuốn sách không chỉ là một tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật mà còn là việc làm tưởng nhớ người họa sĩ tài hoa đã đi xa tròn 30 năm và khẳng định những giá trị trường tồn mà những tác phẩm hội họa đặc sắc của ông để lại cho hậu thế.

Những câu chuyện xúc động về kiệt tác “Em Thúy”

Trong khuôn khổ chương trình ra mắt sách, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiếp nhận tác phẩm âm nhạc "Little Thuy's Minuet" do tác giả Paul Zetter trao tặng. Tác giả cho biết, tác phẩm “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn đã tạo cho ông những cảm xúc đặc biệt ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy và ông đã viết bản nhạc dành riêng cho tác phẩm này cách đây hơn 20 năm.

Trong một lần trở lại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông được biết bảo tàng đang triển khai chương trình “Khi âm nhạc hòa quyện với mỹ thuật” và mong muốn được sử dụng tác phẩm “Little Thuy's Minuet”, ông Paul Zetter đã sẵn lòng trao tặng toàn quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc của mình để góp phần quảng bá bức tranh “Em Thúy”.

Với sự đồng hành của NSND Ngô Hoàng Quân, bản nhạc đã được chuyển soạn cho nhóm nhạc thính phòng gồm 6 nhạc cụ và lần đầu được công diễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong sự kiện này. Sau sự kiện này, tác phẩm sẽ tiếp tục đến với công chúng trong chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện với mỹ thuật" đang được bảo tàng triển khai thực hiện.

Tác giả Paul Zetter chia sẻ tại buổi trao tặng tác phẩm: "Tôi sống ở Anh, nên sau khi nhận chức Trợ lý Giám đốc Hội đồng Anh năm 1998, tôi muốn tìm hiểu về Việt Nam trước khi đến đây. Là một nghệ sĩ nên tôi muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Tình cờ, tôi đã gặp tác phẩm “Em Thúy” trong một cuốn sách nghệ thuật. Khi xem tranh, thấy ánh mắt trong trẻo, hồn nhiên của Thúy, tôi cảm thấy đồng điệu với nhân vật.

Thúy khi đó mới 8 tuổi, là một cô bé đang còn nhiều bỡ ngỡ trước cuộc sống. Và, tôi cũng vậy, Việt Nam là một mảnh đất mới, có những con người mới, cuộc sống mới, mọi thứ cũng rất bỡ ngỡ với tôi. Với thế giới xung quanh, tôi và Thúy như tờ giấy trắng. Từ cảm nhận đó về bức tranh mà tôi có cảm xúc âm nhạc, những giai điệu đã đến với tôi từ khi đó. Nhưng, khi sang Việt Nam, tôi đã phải chờ rất lâu mới nhận được chiếc piano điện của mình chuyển đến. Khi mở đàn ra, tôi đã chơi ngay những giai điệu có sẵn trong đầu, nên chỉ mất một buổi sáng là tác phẩm hoàn thành với sự tuôn trào của cảm xúc...".

"Em Thúy" được xem là một kiệt tác của hội họa Việt Nam.

"Em Thúy" được xem là một kiệt tác của hội họa Việt Nam.

Một điều đặc biệt là, khi Paul Zetter đến Việt Nam vào năm 1998 với tư cách Trợ lý Giám đốc Hội đồng Anh, ông đã tận mắt chứng kiến bức tranh “Em Thúy” có nhiều dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Vì thế, ông đã là người đi tiên phong trong việc phát động chiến dịch khôi phục tranh “Em Thúy”. Khi đó, hiện trạng tác phẩm rất đáng lo ngại: mặt tranh bẩn do bụi, muội thuốc lá, phân côn trùng, lớp toan bị hư hỏng, dễ rách, lớp sơn dầu nứt nhiều, có chỗ bong tróc do điều kiện môi trường nóng ẩm làm biến đổi lớp toan, phá vỡ tính liên kết mặt sơn... Sau đó, vào năm 2004, dự án tu sửa bức tranh này được các tổ chức Asialink và Hội đồng Anh tại Việt Nam hợp tác cùng Bảo tàng Mỹ thuật thực hiện tại phòng thí nghiệm bảo quản của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Công việc tu sửa được tiến hành theo 7 bước nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế như: lập hồ sơ, ổn định tranh, xử lý kết cấu, vệ sinh tranh, xử lý vết bong sơn. Công việc tu sửa được thực hiện bởi bà Caroline Fry - chuyên gia của Trung tâm Phục chế vật phẩm văn hóa Đại học Tổng hợp Melbourne (Australia) và đã thành công tốt đẹp.

Chuyên gia Caroline Fry vào năm 2004 từng chia sẻ, bà choáng ngợp trước vẻ đẹp của bức tranh khi lần đầu được chiêm ngưỡng. "Dù ở tình trạng không tốt, tác phẩm vẫn toát lên sự cuốn hút và không quá khi gọi là Mona Lisa của Việt Nam!". Tác phẩm “Em Thúy” hiện được trưng bày trong điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế với nhiệt độ duy trì từ 20 đến 25 độ C, độ ẩm 50 đến 55%.

Năm 1943, họa sĩ Trần Văn Cẩn khi thấy cháu gái Minh Thúy mặc áo lụa Hà Đông màu phớt hồng, ông đề nghị bé ngồi làm mẫu để vẽ chân dung. Khi ấy, Minh Thúy mới 8 tuổi, đang học Trường nữ sinh tiểu học École Brieux ở Hàng Cót. Tác phẩm lần đầu được giới thiệu tại triển lãm FARTA (Hội Nghệ thuật An Nam) ở Hà Nội năm 1943.

Tranh “Em Thúy” sau đó giúp Trần Văn Cẩn đoạt Giải Nhất tại triển lãm của Hội Khai Trí Tiến Đức (AFIMA), cùng tác phẩm “Gội đầu”. Sau đó, tác phẩm thuộc sở hữu của nhiếp ảnh gia Đỗ Huân và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại. Tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013 vì là độc bản và được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao. Tranh mang phong cách riêng biệt của họa sĩ Trần Văn Cẩn, kế thừa tạo hình phương Tây, hòa quyện tinh thần phương Đông.

Nguyên mẫu “Em Thúy” sau này trở thành nhà giáo Minh Thúy, bà qua đời ngày 9/7/2024 tại Hà Nội.

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-chuyen-cam-dong-xung-quanh-mot-kiet-tac-i741207/