Những chuyến… đi đêm khó quên
Đêm là thời gian nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình… Thế nhưng ngoài kia, vẫn còn những con người bắt đầu công việc của mình khi màn đêm buông xuống. Những lần tác nghiệp về đêm như thế là kỷ niệm khó quên từ khi tôi về công tác tại báo Tiền Phong.
Tôi may mắn có cơ hội được theo chân những người chuyên làm việc vào ban đêm. Công việc đó không chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn là vì cộng đồng, xã hội…
Những người không chọn việc nhẹ nhàng...
Đầu tháng 10/2023, khi được lãnh đạo cơ quan giao thực hiện tuyến bài “Mưu sinh với nghề lạ”, tôi đã có đêm dài theo chân những người làm việc “giờ âm phủ”. Đó là các công nhân ngành cấp nước có nhiệm vụ dò tìm, phát hiện những vị trí rò rỉ nước trên các tuyến ống cấp nước được chôn sâu dưới lòng đất (còn gọi là nghề dò bể), là những cán bộ y tế lấy thân mình làm mồi nhử để “câu” muỗi.
Sau khi kết nối liên lạc, tôi khấp khởi vui mừng và sẵn sàng hành trang cho những chuyến… đi đêm. Đúng 23 giờ, tôi đến nơi các công nhân dò bể đang tập trung để chuẩn bị lên đường. Thấy tôi, một anh trong tổ ngạc nhiên: “Em đi một mình à?”. Tôi gật đầu. “Đi cả đêm rất cực, đi bộ nhiều lắm. Em gái không đi nổi đâu!” - anh ái ngại cho biết và còn tiết lộ thêm: Do tính chất công việc chuyên làm về đêm, vất vả, cực nhọc nên tổ dò bể chỉ toàn “đực rựa”. Thấy tôi nhất quyết theo đến cùng và còn bạo miệng đề nghị: “Nơi nào khổ nhất, cực nhất thì cho em theo”, các anh công nhân hết cách để từ chối.
"Chuyện bị hiểu lầm, bị đuổi đánh cũng thường xảy ra nhưng nếu mình xin chuyển sang công việc ban ngày thì đêm ai sẽ làm!” - Một công nhân thuộc Tổ dò bể bộc bạch.
Trước khi bắt đầu vào việc, tôi được mời một ly cà phê cho đầu óc thật tỉnh táo và đỡ…buồn ngủ. Lần đầu tiên, tôi được đeo bộ tai nghe để “siêu âm”, lắng nghe những âm thanh trong lòng đất, dò dẫm từng khu vực, vị trí trước nhà dân chẳng khác gì… kẻ trộm. Không ít lần, tôi bị “lùng bùng lỗ tai” vì cái tật lanh chanh, chưa nghe hết hướng dẫn nên vừa bấm nút kích âm thanh vừa đặt ống nghe… Đêm ấy, tôi đã cuốc bộ hơn 5 km, đến tận 3 giờ sáng, không biết là do sương đêm hay mồ hôi túa ra mà lưng áo ướt đẫm. Cũng từ chuyến đi thực tế ấy, tôi phần nào cảm nhận sự vất vả của nghề dò bể và thầm cảm phục các anh. Hầu như ngày nào họ cũng trần mình giữa trời đêm như thế để cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát nước và không ai có ý định xin chuyển qua làm việc ban ngày. “Chuyện bị hiểu lầm, bị đuổi đánh cũng thường xảy ra nhưng nếu mình xin chuyển sang công việc ban ngày thì đêm ai sẽ làm!” - một công nhân trả lời khi tôi hỏi lý do anh đã gắn bó với nghề này hơn chục năm qua.
Nhận được thông báo lịch đi bắt muỗi truyền bệnh sốt rét từ một anh nhân viên y tế dự phòng, tôi tếu táo đoán bừa: Cứ đến chỗ nhiều muỗi rồi dùng vợt điện “quét” một đường chắc được… cả rổ. Anh phì cười, giải thích: “Bắt muỗi là phải bắt sống, lấy thân mình làm mồi nhử chứ không được dùng vợt”.
Giúp đời, giúp người…
Có mặt tại rừng phòng hộ Cần Giờ (huyện Cần Giờ) lúc 22 giờ khuya, rợn da gà là cảm giác của tôi lúc ấy giữa một không gian tĩnh mịch, hoang sơ. Vài ánh đèn nhợt nhạt, yếu ớt hắt xuống mặt đường càng làm khung cảnh thêm ma mị. Quả thật lúc ấy, ngoài sợ muỗi đốt, rắn rết, bọ cạp…, những người yếu bóng vía như tôi còn…sợ ma. Chứng kiến những con người bằng da, bằng thịt lấy thân mình để làm mồi nhử loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, tôi thầm cảm phục những người làm công việc thầm lặng và ý nghĩa này, nhất là khả năng chịu đựng sự ngứa ngáy để bắt sống từng con muỗi nhằm giải mã, từ đó khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.
Hôm sau, tôi theo tổ bắt muỗi tiếp tục… đi đêm. Biết trước là đi vào nhà dân nên tôi vững tâm hơn. Lần này các nhân viên y tế không cần “dùng người câu muỗi” nữa mà bắt muỗi bằng máy. Trong đêm tối, chúng tôi len theo ánh đèn pin yếu ớt lần tới chuồng bò. Xung quanh chuồng là phân bò nhão nhoẹt do hậu quả của trận mưa trước đó để lại. Nhiều người trong nhóm đạp nhầm hố phân và ai cũng bê bết, nặng mùi… Một nhân viên y tế còn cho biết, chuyện đạp nhầm phân, té ruộng… là còn hên. Nhiều hôm, cả tổ chạy tán loạn vì bị chó… rượt đuổi. Những tai nạn này dễ xảy ra khi phải làm việc trong đêm, còn ban ngày thì ít hơn.
Không phải “hiến thân” cho muỗi đốt nhưng cá nhân tôi cũng được “khuyến mãi” gần chục vết muỗi đốt mà đến gần 10 ngày sau vẫn chưa hết ngứa. Gọi điện cho anh nhân viên y tế trong tổ bắt muỗi, anh trấn an: “Chắc em không bị sốt rét đâu. Bị ngứa lâu có thể là do cơ địa” nên tôi cũng phần nào yên tâm.
Ngoài những chuyến đi đêm nhớ đời ấy, tôi cũng đã từng vài lần theo các nhóm hỗ trợ cộng đồng đi cứu hộ miễn phí xe vào ban đêm. Tôi còn nhớ lần cùng anh em cứu hộ quận Bình Tân đi qua khu vực đường Tên Lửa. Thấy hai cô gái trẻ đang dắt bộ xe đạp điện cán phải đinh, cả nhóm tấp vào định sửa xe giúp. Cả nhóm ngớ người khi hai người đẹp la hét kêu cứu rồi…bỏ chạy. Mãi đến khi nghe anh Nguyễn Thanh Hiền, thành viên nhóm cứu hộ giải thích, các cô mới hiểu và cám ơn rối rít. “Nhiều lần chúng tôi còn bị đuổi đánh vì hỗ trợ người bị tai nạn giao thông nhưng bị hiểu lầm thành kẻ gây tai nạn. Buồn cũng nhiều nhưng rất vui khi nhiều người hỏng xe trên đường được mình hỗ trợ kịp thời” - anh Hiền bộc bạch.
Qua những lần đi đêm, tôi phần nào thấu cảm tâm tư của những người “không chọn việc nhẹ nhàng”. Đi làm ban đêm nhiều rủi ro, nguy cơ hơn, thậm chí gặp cả những chuyện bị hiểu lầm “dở khóc dở cười”, “tình ngay lý gian”…Với những người tôi đã gặp, họ nói rằng, nhờ vậy mà cảm thấy lòng thanh thản, bớt sân si và yêu thương nhau nhiều hơn. Tôi cũng đã học được nhiều bài học lớn từ những chuyến đi như thế. Nếu như trước đây còn ngần ngại trước mỗi chuyến đi đêm thì hiện tại, tôi đã luôn sẵn sàng tâm thế tác nghiệp với ước mong góp một phần nhỏ bé làm nhịp cầu nối để cộng đồng hiểu và thấu cảm hơn về những người đang làm những công việc thầm lặng, ý nghĩa để giúp đời, giúp người…
Niềm vui bất ngờ
Mới đây, một anh công nhân trong Tổ dò bể gửi tấm ảnh chụp tôi đang tập sự nghe âm thanh trong lòng đất. Anh gửi lời cám ơn tác giả và báo Tiền Phong vì từ bài báo, nhiều người biết đến công việc của tổ dò bể. Tấm ảnh do một công nhân chụp vội, không chuyên nghiệp nhưng với tôi là tấm ảnh đẹp nhất và như là chất men xúc tác tạo động lực để tôi tiếp tục dấn thân, có thêm nhiều sản phẩm để phục vụ bạn đọc.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-chuyen-di-dem-kho-quen-post1586705.tpo