Những chuyến đò thầm lặng

Làng Thiếu niên Thủ Đức là nơi chăm sóc trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ bệnh viện hoặc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nhiều nơi gửi về nuôi dưỡng.

Trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại bệnh viện hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc tại Làng Thiếu niên Thủ Đức. Ảnh: Lâm Ngọc

Trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại bệnh viện hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc tại Làng Thiếu niên Thủ Đức. Ảnh: Lâm Ngọc

Gần 50 năm thành lập, Làng Thiếu niên Thủ Đức là nơi chăm sóc trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ bệnh viện hoặc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nhiều nơi gửi về đây nuôi dưỡng. Các em được chăm sóc, giáo dục để có nền tảng phát triển, hòa nhập cuộc sống như những bạn đồng trang lứa.

Viết tiếp ước mơ còn dang dở

Đội ngũ các y, bác sĩ Làng Thiếu niên Thủ Đức có kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ bảo đảm sức khỏe về thể chất và tinh thần; kịp thời nắm bắt sức khỏe tâm lý để giải quyết những vấn đề sang chấn, áp lực tâm lý đối với trẻ sau thời gian học hành căng thẳng. Làng thường xuyên phối hợp với các bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM tổ chức thăm khám bệnh miễn phí, hỗ trợ kinh phí điều trị, cùng chung tay chăm sóc các cháu được tốt hơn.

Dù hoàn cảnh kém may mắn hơn bạn đồng trang lứa, nhưng bằng tình yêu thương, sự chăm sóc, giúp đỡ, giáo dục của đội ngũ nhân viên, những đứa trẻ tại Làng Thiếu niên Thủ Đức (Làng) đã vượt qua khó khăn, áp lực trong cuộc sống để đạt được ước mơ của mình.

Làng có chức năng tiếp nhận, quản lý, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong độ tuổi từ sơ sinh đến 16 và tiếp tục đến 22 tuổi đối với những trường hợp còn đang theo học từ cấp THPT đến đại học; tổ chức cho các em học văn hóa, học nghề, giúp các em có đủ điều kiện để hòa nhập cộng đồng xã hội.

Qua thời gian, có những em đã thành giáo viên, bác sĩ, cán bộ ngân hàng; cũng có em đã trở thành cán bộ, giữ những trọng trách trong cơ quan của mình hoặc có bạn quay trở lại Làng tiếp bước công việc làm cha mẹ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Từng là trẻ của Làng, nhận được sự yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của các mẹ, cô Đặng Thu Nga (sinh năm 1988) sau thời gian làm kế toán ở ngoài đã quyết định quay lại Làng, làm việc tại khu Sơ sinh.

Qua quá trình làm việc, nhận được sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, cô Nga tiếp tục học thêm kiến thức liên quan đến trẻ sơ sinh và mầm non. Hiện, cô Nga là Phó Trưởng khu Sơ sinh - Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP Thủ Đức).

Theo cô Nga, trẻ bình thường chăm sóc đã khó, đối với những trẻ đặc biệt có bệnh lý thì khó hơn gấp nghìn lần. Bất lực nhất là những lúc thấy các con đau ốm, thậm chí không qua khỏi.

“Mỗi lần mất đi một đứa con, tôi đều cảm thấy tổn thương rất nhiều. Nhưng vì những đứa trẻ khác cũng cần được chăm sóc, tôi phải cố gắng vượt qua để hoàn thành công việc. Từ đó, tôi cố gắng trau dồi thêm kiến thức mầm non của mình để có thể chăm sóc tốt trẻ, nhất là những trẻ thiệt thòi có khuyết tật hoặc rối loạn phát triển”, cô Nga tâm sự.

Theo cô Nga, các bé ở đây được phân riêng theo thể trạng. Những trẻ khuyết tật bẩm sinh có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường, đối với những trẻ có rối loạn về phát triển, qua quá trình chăm sóc, cán bộ mới nhận ra.

Một trong những khó khăn thường gặp của trẻ về mặt phát triển là chậm nói. Có nhiều nguyên nhân tâm lý, phát triển làm trẻ chậm nói như rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, tự kỷ, chậm phát triển…

Nhiều dữ liệu lâm sàng cho thấy trước 3 tuổi là thời gian vàng để can thiệp cho trẻ có các vấn đề rối loạn. Trong bối cảnh của Làng, người chăm sóc chính là những người thầy, người cô giúp trẻ rèn luyện những kỹ năng giao tiếp sớm, làm nền tảng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và tương tác.

Thấy được khó khăn của cán bộ nhân viên, mong muốn tất cả trẻ em tại Làng đều được chăm sóc toàn diện nhất, Ban Giám đốc Làng đã lập Đề án Can thiệp cho trẻ em trong thời gian vàng từ 3 - 4 tuổi.

 Trẻ em tại khu Sơ sinh vui mừng, trò chuyện cùng ông Trần Hữu Nghị - Phó Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức. Ảnh: Lâm Ngọc

Trẻ em tại khu Sơ sinh vui mừng, trò chuyện cùng ông Trần Hữu Nghị - Phó Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức. Ảnh: Lâm Ngọc

Can thiệp trong thời gian “vàng”

Theo cô Đặng Thu Nga, khó khăn lớn nhất khi đề án được thực hiện là đội ngũ cán bộ ở đây chưa có nhiều kiến thức về việc chăm sóc những trẻ cần can thiệp. Đa số trẻ được nhận ra có sự khác biệt về phát triển so với các trẻ cùng trang lứa nhờ quá trình chăm sóc. Kinh nghiệm chưa nhiều, kỹ năng chưa có, thầy cô ở đây hiểu và nhận ra bằng chính sự yêu thương dành cho mỗi trẻ.

Thấu hiểu điều đó, Ban Giám đốc Làng tiếp tục mời giáo viên, bác sĩ tập huấn cho cán bộ nhân viên trực tiếp giảng dạy, chăm sóc trẻ cần can thiệp. Đồng thời, động viên mỗi cá nhân tiếp tục vì sứ mệnh trồng người, cố gắng tự mày mò, học hỏi mỗi ngày vì tương lai của trẻ.

“Nhìn chung, đối với việc dạy trẻ cần can thiệp sẽ có giáo án cơ bản. Trẻ hạn chế phát triển mặt nào, cán bộ sẽ tập trung hướng dẫn mặt đó. Các trẻ đặc biệt ở đây đa số là trẻ khuyết tật, trẻ bình thường đa số là chậm nói hoặc phát âm chưa rõ. Vì không thể diễn đạt được nên trẻ thường có tâm lý cáu gắt, khó chịu, la hét, không kiềm chế được cảm xúc”, cô Nga cho hay.

Với sự đồng hành, chia sẻ của đội ngũ cán bộ ở Làng giúp các bé vượt qua những khó khăn, áp lực trên con đường học vấn. Thực tế, những người đang công tác tại Làng không chỉ là nhân viên công tác xã hội đơn thuần, họ còn là những người cha, người mẹ, người thầy.

Cô Phạm Thị Trang (sinh năm 1991, quê Nghệ An) quyết định chọn Làng Thiếu niên Thủ Đức là nơi gắn bó sau khi ra trường. Cô chia sẻ, cán bộ ở đây đa phần là giáo viên mầm non hoặc giáo viên tiểu học nên khi được giao nhiệm vụ can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển trong thời gian vàng, các cô từng nghĩ công việc này sẽ không quá khó.

Nhưng thực tế, nhóm trẻ đặc biệt này đều thuộc nhóm khuyết tật về trí tuệ, vận động, nghe nói, phần lớn đều chưa tự chủ được hành vi, rất khó để nắm bắt được tâm tư, ý muốn của trẻ.

“May mắn, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn, tham gia các lớp học để có thêm kỹ năng, kiến thức. Đồng thời, mỗi cán bộ phải tự mày mò, chăm sóc để hiểu được tính cách của từng trẻ nhằm đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp”, cô Trang cho hay.

Đồng hành và nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của trẻ sau 6 tháng đề án hoạt động, cô Trang không khỏi xúc động: “Xưa bảo mãi mà trẻ chẳng nghe, giờ chỉ gọi trẻ quay lại, nói trẻ phản ứng và thực hiện theo, đó là điều hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi.

Dù khó khăn, mỗi cán bộ luôn cố gắng vượt qua để đem đến điều tốt nhất cho trẻ. Mỗi đứa trẻ ở Làng đều kém may mắn, đối với trẻ bị rối loạn phát triển còn thiệt thòi hơn rất nhiều. Chúng tôi chỉ mong các con có thể cải thiện, hòa nhập cuộc sống, đi học như các bạn đồng trang lứa để ra đời có thể tự lập”.

 Cô Đặng Thu Nga - Phó Trưởng khu Sơ sinh đang hướng dẫn một trẻ đặc biệt phân biệt màu sắc. Ảnh: Lâm Ngọc

Cô Đặng Thu Nga - Phó Trưởng khu Sơ sinh đang hướng dẫn một trẻ đặc biệt phân biệt màu sắc. Ảnh: Lâm Ngọc

Mang những điều tốt nhất cho trẻ

Ông Nguyễn Hữu Tài - Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức cho biết, đội ngũ cán bộ của Làng vẫn luôn cố gắng, nỗ lực hết sức mình, với nhiệt huyết, tình yêu thương trẻ và tinh thần trách nhiệm để có thể chăm lo, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ.

Ông tâm niệm: Trẻ em là tương lai của đất nước, đối với trẻ có sức khỏe tâm lý bình thường, Làng luôn tạo điều kiện tốt nhất để trẻ có thể học văn hóa, học nghề để các em có thể tự lập và hòa nhập cộng đồng.

Mỗi trẻ đều có quyền được chăm sóc bình đẳng như nhau, tuy nhiên, có một số trẻ được phát hiện có rối loạn phát triển, cần chăm sóc đặc biệt hơn. Đó là lý do đề án can thiệp thời gian vàng cho trẻ có rối loạn phát triển được thực hiện.

Hơn 6 tháng thực hiện, sự thay đổi tích cực từ trẻ đã tạo động lực rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên. Nhằm đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ trực tiếp tham gia lớp can thiệp sẽ được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông qua các buổi tập huấn từ các bác sĩ, giáo viên có chuyên môn.

Đồng thời, ý thức được nhiệm vụ của mình, đội ngũ cán bộ luôn cố gắng mỗi ngày, cố gắng học hỏi, đọc thêm tài liệu tham khảo trên mạng để hoàn thiện bản thân, đem đến những điều tốt nhất cho trẻ cần can thiệp.

“Với sứ mệnh của mình, Làng Thiếu niên Thủ Đức sẽ không ngừng cố gắng để nơi đây không chỉ là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, mà còn là nơi ấp ủ, vun đắp, chắp cánh cho tất cả trẻ em của Làng trở thành hiện thực.

Mong rằng, việc can thiệp sớm trong thời gian vàng sẽ giúp trẻ có rối loạn phát triển có thể hòa nhập với cuộc sống và phát triển đều với bạn cùng trang lứa”, ông Tài chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, BS.CKII Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), đánh giá, việc can thiệp sớm giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp tốt hơn, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.

Với sự hỗ trợ đúng lúc, trẻ có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, giúp trẻ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với đội ngũ trực tiếp hướng dẫn trẻ, cần được trang bị những kiến thức lý thuyết và thực hành; nếu chưa có đủ thì có thể bổ sung trong quá trình làm việc.

“Có rất nhiều nguyên nhân tâm lý - phát triển làm cho trẻ chậm nói như rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, tự kỷ, chậm phát triển… Việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý để thăm khám, đánh giá là điều cần thiết để định hướng phát triển phù hợp. Nhiều dữ liệu lâm sàng cho thấy trước 3 tuổi là thời gian vàng để can thiệp cho trẻ có các vấn đề rối loạn”, BS Nam nhấn mạnh.

Làng Thiếu niên Thủ Đức (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức, TPHCM) thành lập trước năm 1975, sau này được giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM quản lý. Từ khi thành lập đến năm 1990, đây là nhà nuôi dạy trẻ Mầm non I Thủ Đức. Từ năm 1991 đến 2002, cơ sở này mang tên Làng Trẻ mồ côi Picasso, sau đó là Làng Thiếu niên Thủ Đức.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-chuyen-do-tham-lang-post693154.html