Những chuyện kinh dị quanh 'biệt đội nhặt xác' ở Thiên Cấm Sơn
Công việc tay trái của những người vốn là lái xe ôm, chụp ảnh thuê ở núi Cấm khiến ai nghe cũng thấy rợn tóc gáy, ấy là nghề… nhặt xác.
Núi Cấm còn có tên Thiên Cấm Sơn, nằm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngọn núi cao 705m được ví như nóc nhà miền Tây này ẩn chứa nhiều huyền thoại. Bên cạnh đó, nó còn là nơi xảy ra nhiều vụ tự vẫn kỳ lạ. Trong đó có những người trèo lên tận đỉnh núi rồi gieo mình xuống vực thẳm, chết không toàn thây.
Đôi tình nhân cột tay cùng nhảy vực
Theo người dân trên núi Cấm, ngày 15/4/1997 âm lịch, chàng thanh niên tên Nguyễn Quốc Nam (27 tuổi, nhà nằm trong ngọn kênh Trà Uối, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) và cô gái tên Phượng (quê ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) cùng tự vẫn. Khi thi thể 2 người này được đưa lên từ vực sâu dưới chân vồ Bồ Hong (nơi là đỉnh của ngọn núi Cấm) thì cánh tay cô gái bị mối gút dây dù giăng võng in khuyết sâu 1 lỗ. Nhiều đoạn xương trên cơ thể cô gái bị gãy nát và chết do mất máu. Còn chàng trai thì bị vỡ đầu ở phía sau bên phải mà chết.
Vào những năm ấy, thông tin từ người nhà của Nam cho biết, trong năm 1997, Nam gặp Phượng rồi cả 2 nảy sinh tình cảm. Gia đình chỉ biết họ yêu nhau thắm thiết. Có lần Phượng thổ lộ, nếu Nam không cưới thì Phượng sẽ tự vẫn. Phượng là con nhà khá giả, có biết bao chàng trai dạm hỏi mà không ưng. Phượng cương quyết chỉ lấy Nam làm chồng. “Thấy đôi lứa yêu nhau không thể tách rời, gia đình tôi cũng ráng lặn lội xuống Phong Điền hỏi cưới Phượng cho con mình. Bởi tôi biết nó thương thằng Nam dữ lắm! Nhưng khi gia đình tôi đến thì nhà gái đặt điều kiện khó dễ. Gia đình nhà gái khá giả, còn gia đình tôi thì nghèo. Họ đòi hỏi quá nhiều sính lễ nên tôi không dám trèo cao, đành xù chuyện cưới con Phượng cho Nam”, bà H. (mẹ Nam) kể.
Anh Nguyễn Văn Lem (anh ruột Nam) cho hay, do không cưới được người yêu như ý muốn, Nam đến núi Cấm ẩn tu. Lúc cha bệnh, Nam mới về nhà thăm. Khi ấy, phía gia đình Phượng viết 1 lá thư giả mạo là thư do Nam viết gửi người yêu với nội dung Nam giờ đã không muốn cưới Phượng nữa với những lời lẽ chê trách người yêu nặng nề. Sau khi đọc được lá thư ấy, Phượng buồn bã bỏ nhà đi. Phượng đi như người vô định, nhằm tìm lời lý giải cho sự quay mặt của người yêu. Cuối cùng, vì không tìm ra lời giải nên Phượng quyết tâm gặp người yêu lần cuối.
Phượng cần Nam một lời xác nhận rằng: “Anh còn yêu em nữa hay không?”. Phượng và Nam đã gặp nhau trong nhung nhớ. Khi họ tâm sự về lá thư giả mạo thì mới rõ Nam chưa hề gửi lá thư nào cho người yêu. Hiểu ra cớ sự, Phượng càng yêu Nam và quyết lòng theo người yêu đến tận chân trời góc biển. “Thằng Nam dẫn Phượng đi. Trước khi đi, nó viết thư gửi lại cho bà dì và căn dặn, lúc nào nghe tin của nó mới được đọc. Nó đi ngày 12/4/1997, thì 3 ngày sau là hay tin nó buộc tay cùng người yêu nhảy núi”, anh Lem kể.
Nhận được hung tin, ông Nguyễn Văn Chiến (cha Nam) nhanh chóng lên núi Cấm. Gia đình Phượng thì không người thân nào đến. Cảm thấy đôi trẻ yêu nhau không trọn vẹn, ông Chiến mủi lòng. Ông nghĩ nên để chúng ở bên nhau dưới “suối vàng” nên quyết định xin lãnh đạo xã An Hảo cho chôn 2 thi thể này ở nghĩa địa do xã lập ở chân núi Bà Đội Om. Dù 2 thi thể đặt vào 2 quan tài, nhưng chôn chung 1 huyệt. Nhiều người hiểu được câu chuyện tình bi đát ấy không khỏi rơi nước mắt. Họ nói giá như cha mẹ đừng ép uổng thì không phải chết đến 2 mạng người!
Anh em song sinh gieo mình từ đỉnh núi
Câu chuyện tình yêu cháy bỏng nhưng bị ngăn cấm phải nhảy xuống vực của cặp tình nhân ấy thấm thoát đã trôi qua hơn 20 năm. Nhưng cho đến tận ngày nay, nó vẫn còn được nhiều người kể. Ngày ấy, đó là câu chuyện gây rúng động bao trái tim trên vùng Bảy Núi. Kỳ lạ là đôi tình nhân này cột chặt tay nhau rồi mới gieo mình xuống vực. Núi Cấm vốn là nơi mang nhiều giai thoại linh thiêng. Khi ghi nhận thêm sự kiện cặp tình nhân tự vẫn ly kỳ, càng khiến cho Thiên Cấm Sơn đượm chất sử thi.
Những tưởng hy hữu lắm mới có người nhảy vực như cặp tình nhân ấy, nào ngờ nó tạo tiền lệ cho những cái chết rợn người sau đó. Không hiểu sao con người cứ tìm đến đây kết liễu đời mình, khiến cho việc nhặt xác dưới vực sâu trở nên vô cùng khó khăn. Chỉ có những con người đầy lòng nhân ái mà chúng tôi gọi là “biệt đội” nhặt xác mới có thể đảm nhận được (xin kể ở phần sau).
Cách sự kiện đôi nam nữ nhảy vực chết 16 năm, tối 16/7/2013, người dân xứ núi lại thêm một phen bàng hoàng khi chứng kiến 1 cặp song sinh cùng gieo mình từ đỉnh vồ Bồ Hong xuống vực. Người em nhảy trước chết thảm, còn người anh nhảy sau may mắn thoát chết nhờ vướng những lùm cây. Thi thể nạn nhân được tìm thấy trưa hôm sau. Người anh được xác định là Nguyễn Hoàng Hiệp, còn em song sinh tên Nguyễn Hoàng Hải (tên đã thay đổi, ngụ TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Theo những người chứng kiến, trước khi xảy ra vụ tự vẫn 2 ngày, Hải cùng anh trai rủ nhau đến núi Cấm tham quan. Lúc còn ở nhà, thấy em trai có chuyện buồn sợ bị bệnh trầm cảm, Hiệp đưa ra vài địa điểm tham quan để em tham khảo. Người em quyết định chọn núi Cấm. Sau cuộc hành trình dài hơn 600 cây số, 2 anh em Hiệp, Hải đến nơi thì chiều muộn. Họ thuê trọ ở khu vực gần chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm để ngắm cảnh hoàng hôn. Tối đến, lượng người hành hương lên xuống vồ Bồ Hong thưa dần. Khi đó đôi anh em song sinh háo hức cuốc bộ trèo lên cao khám phá. Tại bệ thờ Cửu huyền nằm cheo leo trên đỉnh vồ Bồ Hong, không gian về đêm thoáng đãng và mát mẻ, họ đứng trò chuyện.
Đang chuyện trò cởi mở, Hải bỗng im lặng hồi lâu, trông vẻ mặt tư lự và thất thần. Người anh chưa kịp hiểu ra điều gì thì bất thình lình người em vùng dậy. Hải băng qua khỏi hàng rào lưới B40, gieo mình từ trên cao xuống vực thẳm. Quá bất ngờ trước hành động kỳ lạ của em, Hiệp hoảng hốt gọi: “Em ơi, sao dại dột quá vậy?”. Không chút ngần ngại, Hiệp lao theo em trai mình. Hiệp định nhảy theo chụp lấy em, nhưng mọi chuyện đã muộn. Sáng hôm sau, người dân phát hiện Hiệp treo lơ lửng trên đọt cây với cơ thể mang nhiều thương tích. Mọi người nhanh chóng kéo Hiệp xuống và đưa đến bệnh viện cấp cứu, rồi báo tin cho công an. Chuyện nhặt xác người em và lo hậu sự mai táng đều do “biệt đội” nhặt xác ở núi Cấm gánh vác.
Xe lao vực, vợ chết thảm
Cách đây 4 năm, hòa cùng dòng người hành hương lũ lượt đổ về vùng Bảy Núi nhân dịp rằm tháng 7, vợ chồng anh Lê Văn Lâm (43 tuổi) và chị Phạm Thị Thúy Vân Em (44 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 1, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cũng đi viếng chùa. Ngày 8/8/2014, vợ chồng anh cùng con gái 13 tuổi và nhiều người bạn đi lên vùng Bảy Núi. Tổng cộng có 11 người đi trên 6 xe gắn máy. Chiều cùng ngày, đoàn tới núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Sau khi tham quan, lễ chùa, họ ngủ lại trên đỉnh núi Cấm. Đến khoảng 14 giờ hôm sau (ngày 9/8/2014), cả đoàn chạy xe xuống chân núi thì vợ chồng anh Lâm gặp nạn.
Anh Nguyễn Minh Hùng (38 tuổi, đội Mai táng xã An Hảo) cho biết, lúc đó anh đang ngồi uống cà phê chờ khách chạy xe ôm dưới chân núi thì có nữ đồng nghiệp báo tin. Người này nói thấy có chiếc xe đâm vào “con lươn” (hộ lan). Anh Hùng cùng nhiều đồng nghiệp chạy xe lên núi. Đến nơi, anh thấy xe va chạm vào hộ lan phía vách vực. Vợ chồng nạn nhân đã bay người qua “con lươn” xuống vực. Chiếc xe trượt dài theo đường khoảng 17m mới dừng. Từ “con lươn” đến chỗ thi thể nạn nhân sâu 33m.
Anh Hùng và đoàn người cứu hộ chia nhau tìm người bị nạn. Sau đó họ phát hiện vợ anh Lâm rớt ngay vách đá. Xác chị Vân Em nằm cạnh bụi dông gai, ngửa người tựa vào vách đá. Còn anh Lâm nằm cách vợ khoảng 5m, tại một bụi cây rừng. Anh Lâm bị thương ở cánh tay trái, bị đôn xương cột sống. Thấy vậy, đoàn người cứu hộ tức tốc chở anh Lâm đến bệnh viện, rồi quay lại đưa xác chị Vân Em lên. Dù trên đầu còn nón bảo hiểm, nhưng mặt bên phải của chị Vân Em bị đập vào đá, chết tại chỗ.
Chị Phạm Thị Kim Tuyền (em chị Vân Em) cho biết, chị nghe anh Lâm kể lại, trước lúc chạy xe xuống núi, anh Lâm có nói với người đi chung là sợ quá. Khi anh Lâm chở vợ chạy số 1 thả dốc núi, đến đoạn gặp tai nạn thì thấy chiếc ôtô đi ngược chiều. Anh Lâm tránh ôtô nên đi sát vào lề. “Có lẽ do không quen chạy đường núi nên khi gặp tốc độ thả dốc nhanh nên anh Lâm hốt hoảng. Ảnh đạp thắng sau, nhưng càng thắng bị gãy, rồi chiếc xe đâm vào “con lươn”. Vợ chồng ảnh bay xuống vực. Đến lúc những người chung quanh tới cứu, thì ảnh nằm mà nghe người ta nói vợ chết rồi”, chị Tuyền kể.
Sau khi xảy ra vụ việc, xe từ thiện của xã An Hảo đã chở thi thể chị Vân Em về nhà. Còn anh Lâm thì được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang ở TP. Châu Đốc cấp cứu. Ngày 11/8/2014, anh Lâm được chuyển đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP. HCM.
Hiện trường vụ tai nạn nói trên nằm ở đường chính lên đỉnh núi Cấm, cách chốt kiểm soát xe lên xuống núi chừng 100m. Chiếc xe anh Lâm chạy chở vợ và gặp nạn mang biển số 67F9-8369. Nếu người quen chạy đường núi thì chắc không dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng. Có lẽ khi thả dốc trớn xe nhanh, anh Lâm không kiểm soát được tay lái. “Khi anh Lâm đạp thắng sau quá mạnh để hãm tốc độ, thì càng thắng chạm mặt đường nên thắng gãy. Từ đó xe đâm vào “con lươn” khiến vợ chồng anh Lâm bị hất văng xuống vực. Anh Lâm là khách tham quan nên không rành chạy đường núi. Chứ nếu lúc càng thắng sau bị gãy, anh bình tĩnh hạ ga và trả số, rồi bóp thắng trước thì chiếc xe vẫn dừng lại”, một người dân nói.
Chị Tuyền cho hay, vợ chồng anh Lâm kinh tế khó khăn, sống bằng nghề chạy ghe thả lưới cào cá trên kênh rạch. Vợ chồng anh có 3 người con nhưng đã chết 1. 2 người con còn lại thì người đã có gia đình và sống riêng. Người con gái út 13 tuổi đi chơi cùng vợ chồng anh Lâm. Gia đình anh Lâm không ruộng đất. Mấy chục năm họ sống dưới ghe. 2 năm nay, vợ chồng anh Lâ, mới dành dụm cất được căn nhà nhỏ. “Vợ chồng ảnh hiền lắm! Tui thắc mắc hổng biết sao chỗ đó người ta cấm xe chạy lên núi, mà cả đoàn 6 chiếc lại chạy lên được? Bữa đó đứa con gái không đi chung xe vợ chồng ảnh. Nếu không nó cũng “tiêu” rồi. Khi biết cha mẹ rơi xuống vực, nó đứng trên núi định nhảy xuống tự tử theo. Nhưng công an kịp thời ngăn nó lại”, chị Tuyền nói.
Theo quy định, tại đường chính lên xuống đỉnh núi Cấm chỉ cho phép xe lữ hành, xe ôm trong nghiệp đoàn, xe công vụ và xe của dân sinh sống trên núi lên xuống. Tất cả xe của khách tham quan đều bị cấm lên núi theo đường này. Chính vì vậy, nhiều năm nay chính quyền địa phương tổ chức chốt kiểm soát. Rõ ràng, trong vụ tai nạn của vợ chồng anh Lâm có sự quản lý lỏng lẻo tại chốt trực, để khách tham quan lên núi bằng xe cá nhân. Rồi khi xuống thì gặp nạn…
Cái chết của anh em nhà sư “vua tốc độ”
Lần tìm trong ký ức về những cái chết kỳ lạ trên núi Cấm, ông Nguyễn Trọng Hiếu (51 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Hảo) cho biết, trước vụ tai nạn lao xe xuống vực khiến chị Vân Em chết tại chỗ, thì trên núi đã xảy ra vụ 2 anh em nhà sư chết. Do chỉ nhặt xác nên ông Hiếu không nhớ rõ gia cảnh của anh em nhà sư này thế nào và cũng không biết ở đâu đến. Ông Hiếu kể, khoảng năm 2012, ông và đồng nghiệp nhặt xác nhận được tin báo có người chết trên núi Cấm. Họ tất tả đến hiện trường. Nắm thông tin sơ bộ, ông biết đó là 1 thi thể nữ, em gái của 1 nhà sư, chết trong nhà vệ sinh. Không rõ nguyên do chết vì đột quỵ hay tự vẫn, mà khoảng 1 tuần sau người này mới được phát hiện. Nhà sư đi công việc ở xa, khi về mới phát hiện em gái mình chết trong tình trạng thi thể phân hủy.
Khi ông và anh em trong đội cứu hộ của xã An Hảo mang quan tài đến thì không thể đưa thi thể lọt vào. Ông phải đến từng nhà dân trên núi Cấm xin cây, đóng quan tài khác. Khi ấy mới đặt thi thể vào lọt trong quan tài. Lo hậu sự xong, nhóm của ông Hiếu còn đang loay hoay sau vườn nhà dân gần đó thì lại nghe nói phát hiện thêm xác chết, do uống thuốc độc tự vẫn. Người đi chích măng tre tình cờ phát hiện.
Ông Hiếu cho hay: “Tui còn nhớ hồi đó tui kêu ông Chi hội trưởng Chữ thập đỏ ấp Thiên Tuế, xã An Hảo sang coi xác bà em thế nào, thì ổng sợ ma nên không dám đến. Cũng năm đó, ông sư ấy chết như em gái ổng ở phòng ngủ mà chẳng ai hay. Khi trời sáng không thấy sư mở cửa, có người tìm đến mới phát hiện. Ông sư này chạy xe dữ lắm nên người ta đặt biệt danh “vua tốc độ”. Trước khi chết ổng bị té xe và vào bệnh viện rồi về. Sau khi ổng chết, công an thấy cái nón bảo hiểm của ổng bị bể. Từ đó mới biết ổng chết do té xe quá nặng mà không chữa trị”.