Những chuyện ngày thu xưa
Giữa những ngày tháng Tám, nắng như trải mật khắp các nương chè bãi mía, về Sơn Dương mà lòng thôi thúc bồi hồi. Gần 77 năm trôi qua kể từ ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8/1945 - 8/2022) diễn ra, thế hệ được chứng kiến những giờ khắc lịch sử đã già cả nhưng những câu chuyện họ kể lại cho con cháu nghe vẫn mãi tươi mới, như ngày nào Bác Hồ còn ở Tuyên Quang...
Xã Minh Thanh (Sơn Dương) 77 năm về trước 10/3/1945 đã diễn ra cuộc khởi nghĩa Thanh La - cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước, tạo tiền đề chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi. Theo nhiều tài liệu lịch sử còn ghi lại, nhân dân các dân tộc xã Minh Thanh đã đóng góp sức người, của cải để bảo vệ và đùm bọc, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, cán bộ của Việt Minh ở và làm việc trên địa bàn xã. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Thanh La đã tạo điều kiện để đón Bác Hồ từ Pắc Bó, Cao Bằng về xã Tân Trào ở và làm việc, kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi...
Khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, ông Viên Đức Minh ở thôn Bòng, xã Tân Trào còn nhỏ tuổi. Ông kể, hồi ấy theo mẹ làm đồng thì gặp Bác Hồ từ thôn Cả đi ra. Chỉ kịp khoanh tay “cháu chào Bác ạ chứ có biết đấy là Bác đâu. Mãi sau này cách mạng thành công, mọi người nói ông mới biết”. Nhìn Bác khi ấy giản dị trìu mến lắm, hình ảnh ấy cứ đọng mãi trong ông đến tận hôm nay... Giờ thì ông Minh cũng trở thành lớp người “cây đa cây đề” ở xã Tân Trào, sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi xã. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, ông Minh cùng Hội Người cao tuổi xã Tân Trào lại đứng ra tổ chức giao lưu văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương đổi mới... Từ đó góp phần khơi dậy trong thế hệ trẻ, người dân Tân Trào về truyền thống yêu nước, ký ức hào hùng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Những câu chuyện cảm động kể về Bác Hồ, về những ngày diễn ra Cách mạng Tháng Tám vẫn còn đậm sâu trong tâm trí nhiều người. Trong ngày diễn ra Quốc dân Đại hội tại Tân Trào, Đại hội đã được đón Đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đem lương thực, thực phẩm đến chúc mừng. Đáng thương nhất là các em bé dân tộc thiểu số gầy gò, vàng vọt theo người lớn đến chào mừng Quốc dân Đại hội. Bác Hồ đã đến gần các cháu nhỏ, chỉ vào các cháu và nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, có áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này”. Rồi chuyện Bác ốm “thập tử nhất sinh” khi ở căn lán đơn sơ Nà Nưa, những bữa ăn chỉ có măng rừng chấm muối nhưng Bác và Trung ương Đảng đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Người đã từng dặn dò đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp): “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”...
Đến nay, 77 năm đã trôi qua và những địa danh ngày nào còn in hình bóng Bác như lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, đình Tân Trào... thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành địa chỉ “đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Em Lê Khánh Linh ở thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) chia sẻ, em tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Những giá trị lịch sử đó của quê hương thực sự là động lực để thế hệ trẻ vươn lên chung tay xây đắp quê hương ngày càng phát triển, có cuộc sống ấm no.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, năm xưa gắn bó, chở che, son sắt một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ, hôm nay nhân dân các dân tộc trong huyện Sơn Dương và tỉnh Tuyên Quang đang đoàn kết, nỗ lực thi đua xây dựng quê hương, thêm phần giàu đẹp, đúng theo mong muốn và lời dạy của Người năm xưa.