Những chuyến xe chở nặng nghĩa tình

Nhiều người trẻ tại TP HCM không ngại ngày đêm tiếp nước ngọt miễn phí đến người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì hạn mặn

Nước sinh hoạt tại một số địa phương vùng ĐBSCL mùa này rất khan hiếm. Nhiều hộ dân không còn nguồn nước dự trữ, phải sử dụng nước nhiễm mặn cho sinh hoạt hoặc phải tốn chi phí rất lớn để mua, đổi nước. Hơn 1 tháng nay, nhiều người trẻ tại TP HCM không ngại ngày đêm tiếp nước ngọt miễn phí đến người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì hạn mặn, giúp họ vơi bớt khó khăn trong "cơn khát".

Ấm áp tình người

Mang nước đến nơi cần, điều những người trẻ này nhận về là lời cảm ơn, những cái ôm, bắt tay thật chặt và nhiều câu chuyện cảm động về sự sẻ chia.

Huyện ven biển Gò Công Đông là địa phương đầu tiên của tỉnh Tiền Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung công bố tình trạng khẩn cấp do xâm nhập mặn. Nghe tin này, chị Lê Yến Nhi (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cùng bạn bè góp công, góp sức để sẻ chia 500 thùng nước tinh khiết đến bà con xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Đến tận nơi mới biết thế nào là hạn mặn, chị Nhi nhận thấy còn nhiều địa phương thiếu nước nghiêm trọng. Vài ngày sau, chị cùng người thân tiếp tục hỗ trợ 200 chai nước ngọt, nước tinh khiết cho bà con xã Tân Phước.

Những bồn nước ngọt của chị Nguyễn Ngọc Hân đã kịp thời đến với nhiều người dân miền Tây. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những bồn nước ngọt của chị Nguyễn Ngọc Hân đã kịp thời đến với nhiều người dân miền Tây. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị Nhi chia sẻ: "Là một người trẻ, khi đọc tin tức, bản thân mình rất chạnh lòng và suy nghĩ làm sao góp chút ít sức lực của mình để giúp bà con. Thật sự khi đi đến nơi thì có hơi mệt nhưng khi nhìn thấy những ánh mắt vui mừng của bà con là mình như được tiếp thêm động lực. Hy vọng ngày càng có nhiều chuyến xe ý nghĩa như thế nữa, không chỉ ở các tỉnh thành miền Tây mà còn tại các nơi cần sự giúp đỡ".

Với nghĩa cử "một giọt khi khát bằng cả bát khi no", chị Nguyễn Ngọc Hân (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cùng nhiều bạn trẻ khác đã tập hợp lại cùng nhau góp công, góp sức để sẻ chia những giọt nước mát trên những chuyến xe nghĩa tình, giúp bà con tỉnh Bến Tre vơi bớt khó khăn.

Ngày 2-5, chị Hân thuê xe chở đoàn 35 người, mang 11 bồn chứa nước dung tích 2.000 lít, 120 bình nước dung tích 20 lít về xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, chị còn chuẩn bị 600 kg gạo tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Hoạt động này của chị Hân được chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ trong việc sắp xếp địa điểm đỗ xe bồn, thông báo mời người dân đến nhận nước… Chị Hân cho biết cảm thấy hạnh phúc khi thấy người dân mang can, xô, chậu đến để hứng nước sạch.

"Chắt chiu" nước ngọt

Câu chuyện về hạn mặn không còn là mới đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Những năm gần đây, hạn mặn gay gắt xuất hiện thường xuyên hơn ở vùng đất này. Như một quy luật tự nhiên, cứ cách vài năm, vùng ĐBSCL lại gánh chịu đợt cao điểm của hạn mặn.

Đến lấy nước trong sự phấn khởi, anh Nguyễn Văn Năm (ngụ xã Tân Phước, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Nhà tôi đông người nên phải chắt chiu từng giọt nước ngọt để ăn uống. Nước bây giờ hiếm lắm, tắm xong phải để dành nước để làm chuyện khác. Từ ngày nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, người dân chúng tôi rất mừng".

Anh Năm cho biết những lúc chật vật như thế này mới cảm nhận rõ cái tình của người dân và địa phương. Trước khi xe bồn chứa nước tới, các địa phương đã bố trí sẵn đội ngũ tình nguyện viên để kịp thời chuyển nước sang các xe, bồn chứa nhỏ, đưa vào khu vực vùng sâu, vùng xa và phục vụ nước sạch tại chỗ cho gia đình có người già, trẻ em.

Những chuyến xe này không chỉ chở nước mà còn chở đầy tình cảm. Hoạt động này đã phần nào hỗ trợ người dân khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa hạn mặn năm nay, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong cộng đồng xã hội tại các địa phương.

Miền Tây "khát" nước

Tiền Giang được nhận định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn nặng nhất trong năm nay. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh đến sớm và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn năm 2024 đến sớm hơn và lấn sâu hơn. Độ mặn khu vực sông Tiền cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 và 2023.

Cũng như Tiền Giang và một số tỉnh, thành khác trong vùng, tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, mùa khô năm 2023 - 2024, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, ở mức xấp xỉ mùa khô năm 2015 - 2016. Riêng trên sông Cổ Chiên ở mức cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016 nhưng thấp hơn mùa khô năm 2019 - 2020.

KIM NGÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-chuyen-xe-cho-nang-nghia-tinh-196240518202846839.htm