Những cô dâu Hàn Quốc ví mình như 'nô lệ' trong Trung thu

Nhiều phụ nữ đã kết hôn dành cả kỳ nghỉ trong gian bếp của nhà chồng. Họ phải chịu trách nhiệm nấu ăn, rửa bát khi cả đại gia đình tụ họp, ăn mừng lễ Trung thu.

Mỗi khi Chuseok (Trung thu) hay Tết Nguyên đán đến gần, cộng đồng online mang tên "mom cafes", tập hợp những phụ nữ có con đến tuổi đi học, lại tràn ngập những bình luận than phiền, đầy phẫn nộ và giận dữ, theo The Korea Times.

Đối với phụ nữ đã lập gia đình, Chuseok không phải là dịp để nghỉ ngơi. Họ bận rộn hơn bao giờ hết với trách nhiệm chuẩn bị đồ ăn cho các thành viên khi gia đình tụ họp trong suốt kỳ nghỉ.

Lo lắng, căng thẳng kéo dài trong khoảng thời gian 4-5 ngày, tùy thuộc vào lịch nghỉ lễ. Nhiều người con dâu thậm chí tự mô tả mình là "nô lệ", "máy rửa bát" cho nhà chồng vì suốt ngày đầu tắt mặt tối trong gian bếp.

Suốt ngày nấu ăn, rửa bát

"Tôi là con dâu út. Vì vậy, trong lễ Chuseok, tôi phải rửa bát 2 giờ/ngày. Công việc của tôi nhiều vô kể vì rất đông con cháu tụ họp về nhà bố mẹ chồng vào dịp này", một người viết trên nhóm trực tuyến.

Một người khác cảm thấy bị đối xử bất công giữa con dâu và con gái. "Em chồng tôi ở nhà bố mẹ đẻ", một phụ nữ khoảng 30 tuổi viết. "Cô ấy hỏi vợ chồng tôi tại sao lại rời đi sớm như vậy. Dù biết chúng tôi sẽ về thăm bố mẹ tôi nhưng vẫn cứ thúc ép hai vợ chồng ở lại lâu hơn. Em chồng khiến tôi phát điên".

Các nhóm trực tuyến tương đối yên tĩnh trong hai năm qua kể từ khi đại dịch bùng phát, bởi vì các gia đình không được phép tụ tập trong những ngày lễ.

Tuy nhiên, năm nay, phụ nữ một lần nữa lên tiếng về các hành vi phân biệt đối xử, vì sự xa cách xã hội đã được nới lỏng và các cuộc họp mặt gia đình trong ngày Chuseok không còn bị hạn chế.

 Nhiều phụ nữ Hàn Quốc mệt mỏi, căng thẳng vì phải nấu ăn, rửa bát trong suốt lễ Trung thu. Ảnh: Eater.

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc mệt mỏi, căng thẳng vì phải nấu ăn, rửa bát trong suốt lễ Trung thu. Ảnh: Eater.

Phụ nữ đã kết hôn trở nên căng thẳng trong kỳ nghỉ vì nhiều lý do khác nhau. Công việc chuẩn bị thức ăn và rửa bát kéo dài vô tận là một số nguyên nhân khiến họ phàn nàn.

Theo văn hóa truyền thống của Hàn, con dâu phải chịu áp lực đảm nhận hầu hết công việc này.

Kim, nhân viên văn phòng 27 tuổi, cho biết mặc dù còn độc thân, cô đã quá quen với gánh nặng mà phụ nữ đã kết hôn phải trải qua trong kỳ nghỉ. Cô luôn thấy mẹ mình căng thẳng mỗi khi Chuseok hoặc Tết Nguyên đán đến gần.

Việc chuẩn bị đồ ăn là một trong những nguyên nhân khiến mẹ cô lo lắng. "Tôi được dạy phải bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên và chia sẻ các giá trị gia đình trong ngày Chuseok. Nhưng chúng ta đang sống ở năm 2022. Chúng ta không cần phải dọn bàn ăn để tưởng nhớ tổ tiên khi mà điều đó gây đau buồn cho một số thành viên trong gia đình. Các giá trị gia đình cũng có thể được chia sẻ trong nhà hàng, thay vì ở nhà", Kim bày tỏ.

Một phụ nữ độc thân khác, Lee Jae-rin, cho biết cô hoàn toàn hiểu được sự mệt mỏi của phụ nữ đã kết hôn trải qua trước, trong và thậm chí sau đợt lễ.

"Tôi sẽ không nấu ăn vào những ngày lễ ngay cả khi kết hôn trong tương lai. Tôi chứng kiến mẹ phải nấu ăn cả ngày và nghĩ điều đó thật vô nghĩa. Ngày nghỉ là để thư giãn chứ không phải làm việc", cô gái 29 tuổi nói.

Đơn giản hóa nghi lễ

Để giải quyết những căng thẳng trong lễ Chuseok, Ủy ban điều chỉnh các nghi lễ Sungkyunkwan, nhóm chuyên bảo tồn các truyền thống văn hóa và nghi lễ của Nho giáo, đã công bố các tiêu chuẩn mới trong chuẩn bị và sắp xếp bàn lễ cúng.

"Chúng tôi nhận thấy những lời chỉ trích vì nghi thức chuẩn bị quá cầu kỳ, công phu. Tôi biết là muộn, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm rõ những nghi lễ sai lệch của Nho giáo từ bây giờ", Choi Young-gap, người đứng đầu ủy ban, nói.

Người Hàn Quốc có rất nhiều quy tắc trong chuẩn bị bàn lễ cúng tổ tiên vào dịp Chuseok. Trái cây và một món ăn ngọt truyền thống được gọi là "han-gwa" phải đặt ở phía trước bàn, trong khi một số loại rau luộc và gia vị được gọi là "namul" ở hàng thứ hai, một số loại súp ở hàng thứ ba, món chiên "jeon" và cá nướng ở hàng thứ tư và một bát cơm, canh đặt phía sau.

Thức ăn còn được sắp xếp dựa trên màu sắc. Ví dụ, các món có màu đỏ và màu trắng được đặt ở hai bên đối diện.

Một cuộc khảo sát được thực hiện với 1.000 người của ủy ban cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc thì có 4 người tin rằng nghi lễ hiện tại cần được "đơn giản hóa". Gần một nửa người được hỏi cho rằng chỉ nên chuẩn bị 5-10 món ăn trong lễ cúng.

 Choi Young-gap, người đứng đầu Ủy ban điều chỉnh các nghi lễ ở Sungkyunkwan, giải thích một bàn lễ cúng đã được rút gọn. Ảnh: Newsis.

Choi Young-gap, người đứng đầu Ủy ban điều chỉnh các nghi lễ ở Sungkyunkwan, giải thích một bàn lễ cúng đã được rút gọn. Ảnh: Newsis.

Để phản ánh nhận thức đang thay đổi, ủy ban đề xuất chỉ chuẩn bị thịt hoặc cá nướng, kim chi, trái cây, rượu và songpyeon, một loại bánh gạo truyền thống, trong ngày Chuseok. Thực phẩm chiên, chẳng hạn như jeon, là không cần thiết.

"Đây không phải là quy tắc chung và chủ yếu do mỗi gia đình chọn lựa", ủy ban lưu ý.

Theo tiêu chuẩn mới, cà phê có thể được dùng thay thế cho các loại rượu truyền thống. Những món ăn khác cũng được thêm vào dựa trên sở thích của từng gia đình.

"Tưởng nhớ tổ tiên không nằm ở sự đa dạng các loại thực phẩm. Chúng tôi hy vọng Chuseok sẽ trở thành dịp để nhớ đến gia đình và cội nguồn, không phải một ngày nấu ăn", ủy ban cho biết.

Một số phụ nữ độc thân đang hoan nghênh quyết định này. "Gia đình tôi ngày nay tận hưởng các nghi lễ đơn giản hóa và chúng tôi rất hài lòng. Tôi thực sự tin rằng các nghi lễ nên được thay đổi theo thời gian và phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình", một phụ nữ độc thân 32 tuổi họ Yang, sống ở Busan cho biết.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-co-dau-han-quoc-vi-minh-nhu-no-le-trong-trung-thu-post1354006.html