Những cô dâu 'lấy chồng từ thuở 12' một cách hợp pháp tại Malaysia
Lấy chồng ở tuổi 12 và mang thai ở tuổi 13, Mary thậm chí nghĩ mình sắp đi vệ sinh khi cô chuẩn bị sinh con. Cô muốn trở lại trường học nhưng hạnh phúc với cuộc hôn nhân hiện tại.
Môn học yêu thích của Mary ở trường là Toán, Khoa học và Tiếng Anh. Cô cũng khao khát trở thành một giáo viên, nhưng Mary phải gạt những giấc mơ đó sang một bên khi kết hôn và mang thai năm 12 tuổi.
Là một người Sarawak bản địa thuộc bộ lạc Penan ở Malaysia, Mary - hiện 14 tuổi - chỉ là một trong số hàng trăm trẻ người bản địa kết hôn trước khi đến tuổi trưởng thành.
Từ năm 2011-2016, Hội đồng Tục lệ và Truyền thống Sarawak đã ghi nhận 1.472 cuộc tảo hôn giữa những người bumiputra (một từ tiếng Malaysia có nghĩa là người bản địa) không theo đạo Hồi.
Khi trò chuyện với South China Morning Post, Mary thường sử dụng từ bahagia (nghĩa là hạnh phúc trong tiếng Malaysia) để nói về cuộc hôn nhân của mình trong ngôi nhà của gia đình cô ở làng Long Menapa.
Bộ lạc Penan của Mary là dân du mục. Tuy nhiên, họ đã định cư ở ngôi làng này trong các nhà dài, một loại nhà sàn dài và hẹp. Các gia đình cũng sống cạnh nhau. Khoảng bảy năm trước, bộ lạc này chuyển sang Cơ đốc giáo.
Mỗi ngày, Mary đi chơi với hàng xóm và người thân của cô trong khi đợi ngày cuối tuần đến. Đó là lúc chồng cô trở về từ một đồn điền dầu cọ.
Đôi vợ chồng trẻ con
Chồng Mary, Franky Peter, mới 18 tuổi. Họ kết hôn vào tháng 7/2018 khi Mary 12 tuổi và Peter 16 tuổi. Sau một đám cưới đơn giản ở nhà thờ, Peter chuyển đến nhà của gia đình Mary. Tình yêu của họ bắt đầu vào đầu năm 2018. Là người làng khác, Peter đến Long Menapa để chơi bóng đá với bạn bè. Khi đi tham quan ngôi làng, anh đã gặp Mary.
“Tôi đã nghĩ: ‘Ồ, cô ấy thật đẹp. Khi về nhà, tôi không thể ngừng nghĩ về cô ấy”, Peter cười lớn. Sau năm tháng hẹn hò, Peter quyết định cầu hôn.
Mặc dù cuộc hôn nhân này xuất phát từ tình yêu, Mary ban đầu từ chối lời cầu hôn của Peter vì muốn tiếp tục đi học. “Tôi muốn học cao hơn nữa và không lấy chồng, nhưng chồng tôi nổi giận. Anh ấy hỏi: ‘Tại sao lại không? Bố mẹ chúng ta đã biết rằng chúng ta ở bên nhau, và với họ, chúng ta được coi là đã kết hôn”, Mary chia sẻ.
Vì sự kiên trì của Peter, Mary cuối cùng đã đồng ý.
Trong tuần, Franky Peter, 18 tuổi, đi làm việc tại một đồn điền dầu cọ gần đó, trong khi vợ anh, Mary, 14 tuổi, ở nhà. Ảnh: South China Morning Post.
Cô nói rằng hôn nhân là một “điều tốt đẹp” đối với cô, mặc dù nạn tảo hôn đã bị chỉ trích công khai trên mạng. “Đối với chúng tôi, hôn nhân là điều tốt đẹp. Chúng tôi tin rằng việc yêu và kết hôn là ý của thượng đế. Và cứ làm vậy thôi”.
Ông của Mary, Tadang Anyop, đồng ý. “Đối với người Penan chúng tôi, đây là tổ tiên chúng tôi sinh sống. Miễn là hai người này thích nhau và muốn kết hôn, hãy để họ kết hôn”.
Làm mẹ ở tuổi 13
Khoảng ba tháng sau khi kết hôn, Mary có thai. Khi chuyển dạ, cô không biết chuyện gì đang xảy ra.
Đó là ngày 2/7/2019. Mary đang nghỉ ngơi ở nhà thì cảm thấy bụng mình xao động. “Tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi cảm thấy như mình sắp đi vệ sinh, nhưng khi đi vệ sinh và cảm thấy đau ở lưng, tôi nhận ra mình thực sự sắp sinh con”, Mary nhớ lại.
Cha Mary lái xe đưa cô lên đường đến bệnh viện cùng với chồng, chị gái và bà nội của chồng Mary. Nhưng bệnh viện nằm cách đó 270 km và mất sáu giờ đi xe từ ngôi làng, họ đã không đến kịp. Con trai Mary được sinh ra trong chiếc xe chật chội.
Bà nội chồng Mary đã cắt dây rốn bằng chiếc kéo được đem theo trong lúc vội vã. Trong khi đó, xe cứu thương chờ ở điểm hẹn gần nhất để chở Mary đến bệnh viện.
“Mọi thứ chỉ thoáng qua”, Mary nói. “Nhưng tôi không căng thẳng trong suốt quá trình”, cô nói thêm. “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có con, và sau khi sinh con, tôi chỉ cảm thấy nhẹ nhõm vì cơn đau đã qua”.
Người Penan coi việc sinh con là phước lành, ngay cả đối với các cặp vợ chồng trẻ. Nhưng Mary nói cô không biết về những rủi ro của việc mang thai ở tuổi vị thành niên. Chỉ đến khi đi khám thai lần đầu tại một phòng khám ở huyện, cô mới biết rằng mang thai có thể gây hại cho những cô gái ở độ tuổi của Mary.
Kế hoạch cho tương lai
Quá trình Mary và Peter làm cha mẹ qua nhanh như một cơn lốc. Qua việc họ gọi con trai mình là malaikat (thiên thần), cho đến việc điện thoại họ chứa đầy ảnh con, có thể thấy cặp đôi rất yêu con mình.
Tuy nhiên, một tháng sau khi sinh con, cặp vợ chồng đã để em họ Mary nhận nuôi đứa bé vì người này không thể thụ thai sau hai năm cố gắng. May mắn thay, em họ Mary sống trong ngôi nhà dài cạnh bên. Mary và Peter có thể gặp con trai của họ bất cứ khi nào họ muốn.
Mặc dù họ muốn có thêm con, Mary vẫn tránh thai bằng cách uống thuốc và làm theo lời khuyên của cơ quan y tế. Cô sẽ đợi đến khi cô 18 tuổi và cặp vợ chồng sẵn sàng nuôi dạy một đứa trẻ. Trong khi đó, Mary vẫn giữ hy vọng trở lại trường học. Tuy nhiên, cô nói rằng quyết định không phải là của riêng cô. “Tôi cũng muốn, nhưng nó cũng phụ thuộc vào chồng tôi. Tôi không chắc. Bởi vì ngay cả khi tôi muốn, chồng tôi có thể không muốn tôi quay lại trường”.