Những cô gái 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 500 nữ thanh niên trong tỉnh đã hăng hái, xung phong lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn lịch sử. 'Đội quân tóc dài' dũng cảm, kiên trung ấy đã góp phần không nhỏ làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Một buổi họp mặt của các nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa.

Một buổi họp mặt của các nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa.

Những năm tháng không quên

Tròn 50 năm từ ngày nhập ngũ, những nữ chiến sĩ Trường Sơn 16, 17 tuổi năm nào giờ đã bước qua tuổi lục tuần nhưng đều đặn hàng năm họ vẫn gặp nhau, cùng sinh hoạt ở mái nhà chung Ban Liên lạc nữ Trường Sơn tỉnh để ôn lại những kỷ niệm một thời vào sinh ra tử.

Tháng 8/1973, gần 500 cô gái Ninh Bình mang trong mình sức trẻ, sự nhiệt huyết đã viết đơn xung phong đi bộ đội. Sau 3 tháng huấn luyện tại xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) họ lên đường vào chiến trường C, chi viện cho Đoàn 559 với nhiệm vụ thần tốc mở đường, chuẩn bị cho trận cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

"Ngày lên đường, cả đoàn ai cũng háo hức vì lần đầu tiên được rời khỏi lũy tre làng và cũng là lần đầu tiên được đi tàu hỏa. Trải qua hành trình hơn 1 tháng băng rừng vượt suối, chúng tôi đã đến được Binh trạm 34 của Sư đoàn 472 và được phân bổ về các đơn vị như E34, E35, một số về sư bộ làm công tác hậu cần, thông tin, văn công,…", bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng ban liên lạc nữ Trường Sơn tỉnh cho biết.

"Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt, bên mưa quây" - Câu hát phần nào nói lên được sự khắc nghiệt của thời tiết Trường Sơn: mưa thì triền miên, xối xả, trắng trời, trắng đất, nắng thì nóng cháy rát bỏng, 6 tháng không mưa, nước hứng từng giọt… Chưa kể, trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa, mỗi ngày địch dội hàng nghìn tấn bom và chất độc hóa học nhằm hủy diệt sự sống con người để ngăn bước tiến như vũ bão của quân giải phóng.

Điều kiện thời tiết, chiến đấu khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề, bệnh sốt rét hoành hành, nhưng các nữ chiến sĩ không quản khó khăn, vất vả, đảm nhiệm tất cả các công việc từ phá núi mở đường đến đảm bảo thông tin liên lạc, nuôi quân, văn hóa, văn nghệ.

Bà Nguyễn Thị Ngoan - một trong những nữ chiến sĩ công binh trên tuyến đường Trường Sơn bồi hồi nhớ lại: "Khi ấy, chúng tôi ra trận với khí thế tưng bừng, ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tháng 10/1974, nhận nhiệm vụ lật cánh mở đường Đông Trường Sơn, đơn vị công binh của chúng tôi ngày đêm xẻ núi, đào đất, san nền... Khi mở đến những "khúc cua khủy tay" khó khăn hiểm trở, chị em vẫn cố gắng hoàn thành để đảm bảo thông xe".

Bà Ngoan vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975, khi đang thực hiện nhiệm vụ, cả đội nhận được thông báo: "Quân ta đã giải phóng Sài Gòn, miền Nam hoàn toàn giải phóng!": "Phải mất vài giây sững sờ chúng tôi mới bừng tỉnh, cả đội lao đến ôm chầm lấy nhau, reo hò đến khản cả tiếng, đã có rất nhiều nụ cười, nước mắt đã rơi".

Giờ đây, sau 50 năm nhìn lại, những nữ chiến sĩ Trường Sơn vẫn không khỏi xúc động, không tin mình đã vượt qua cuộc chiến khốc liệt. "Ngoài bom đạn của kẻ thù, chúng tôi còn phải đối mặt với biết bao tai ương chết chóc như: bom đạn, chất độc hóa học, sốt rét rừng, lũ cuốn trôi, núi đá vùi lấp, đói khát… Nếu không có sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí chiến đấu và tình đoàn kết đồng chí, đồng đội thì khó mà vượt qua. Thời điểm ấy, chị em chúng tôi chia sẻ với nhau từng viên thuốc, miếng bánh xà phòng, quả bồ kết - những thứ vô cùng quý giá lúc bấy giờ. Ngoài những giờ chiến đấu căng thẳng, trên tuyến vẫn luôn rộn rã tiếng cười, tiếng hát của các chị em", bà Thủy tâm sự.

Sáng mãi tinh thần nữ chiến sĩ Trường Sơn

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, tháng 10/1976, các nữ chiến sĩ trở về địa phương, người tham gia thương nghiệp, người tiếp tục học tập, một số người không đủ sức khỏe thì phục viên. Theo thống kê từ Hội đồng ngũ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình, trên 60 nữ chiến sĩ đã qua đời do di chứng chiến tranh và bệnh tuổi già, 125 người là thương, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam, một số người vì di chứng dioxin đã không thể thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Trong chiến tranh, những cô gái anh dũng, kiên cường, đồng tâm hiệp lực chiến đấu, công tác và khi về đời thường, họ tiếp tục phát huy bản chất truyền thống bộ đội Trường Sơn tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình, nuôi dạy con cháu, tham gia công tác xã hội, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, bệnh tật, khi đời sống khó khăn.

Tự hào là người chiến sĩ công binh trên tuyến đường rực lửa, bà Hoàng Thị Bình - một nữ chiến sĩ Trường Sơn chia sẻ: "Chúng tôi luôn trân trọng và tự hào kể với thế hệ con cháu rằng thế hệ mẹ, bà đã vinh dự được đóng góp một phần công sức vào việc mở con đường huyền thoại, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh cho biết thêm: "Năm 1997, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm, tập hợp đồng đội, đến năm 2009, Ban liên lạc được thành lập, trực thuộc Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh, là không gian sinh hoạt của các nữ cựu quân nhân từng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn. Đến nay, Ban liên lạc có hơn 200 hội viên".

Bằng nghĩa tình đồng đội, các thành viên trong Ban liên lạc nữ Trường Sơn có điều kiện về kinh tế, thời gian hơn những hội viên khác đều sẵn sàng ủng hộ kinh phí, cùng nhau kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Ban liên lạc đã vận động hỗ trợ xây dựng 8 nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo với giá trị gần 500 triệu đồng; thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà cho hội viên trong các dịp lễ, tết…

Kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ là dịp để các thành viên trong Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn cùng nhau hoài niệm những ký ức khắc sâu về năm tháng chiến đấu hào hùng, kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng.

Bài ca về một thời chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn anh hùng của thế hệ trẻ ngày ấy sẽ mãi vang vọng trong trái tim của những thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, nhắc nhớ họ phải ra sức phấn đấu hơn nữa, tiếp bước cha ông xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bài, ảnh: Hồng Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-co-gai-xe-doc-truong-son-di-cuu-nuoc-/d20230804220746374.htm