Những cơ hội khi Nga xoay trục để cung cấp năng lượng cho châu Phi
Nga đang gây dựng mối quan hệ năng lượng cùng có lợi với các quốc gia châu Phi, trong bối cảnh châu Âu vẫn duy trì biện pháp trừng phạt khí đốt của Moskva.
Trong báo cáo hàng tháng, Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cho biết nguồn cung khí đốt tự nhiên qua đường ống của Nga cho Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 14,1 tỷ m3 trong bảy tháng đầu năm 2023. Tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt vào EU đạt 90 tỷ m3, giảm 32% so với năm trước.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã tích cực tìm cách siết doanh thu từ năng lượng của Moskva, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Nỗ lực này đã lên đến đỉnh điểm khi EU, các quốc gia G7 và Australia áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga từ ngày 5/12/2022.
Kể từ đó, đường ống khí đốt của Nga dần ngừng chảy đến hơn 15 quốc gia. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga đã phản tác dụng. Các nước phương Tây đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức - từ lạm phát gia tăng, lo ngại suy thoái kinh tế cho đến xu hướng phi công nghiệp hóa đang rình rập.
Nga xoay trục và cơ hội của châu Phi
Trong bối cảnh đó, các quốc gia châu Phi đang xem xét các phương thức hợp tác năng lượng tiềm năng khác nhau với Nga - quốc gia tự túc 100% về năng lượng.
Châu Phi coi khí đốt tự nhiên là phương tiện để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng của châu lục. Họ đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga nhằm mục đích biến tình trạng nghèo năng lượng trở thành dĩ vãng.
Nga và Nam Phi đã thảo luận về các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng. Ngay trước hội nghị cấp bộ trưởng BRICS về năng lượng diễn ra tại Johannesburg, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Sergey Mochalnikov đã gặp Đại sứ Nam Phi tại Nga Mzuvukile Jeff Maqetuka. Hai bên đã thảo luận về hợp tác Nga - Nam Phi trong kinh doanh dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ.
Trong diễn biến mới, Bộ Năng lượng Nga gần đây cho biết hai bên đã bàn về kế hoạch xây dựng một nhà máy điện khí ở Nam Phi và nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
“Chúng tôi quan tâm đến việc phát triển hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi đã thảo luận với các đối tác Nam Phi về khả năng xây dựng một nhà máy điện khí. Chúng tôi đã thảo luận về việc cung cấp thiết bị, khả năng cung cấp LNG của Nga để vận hành hiệu quả các công suất phát điện mới”, ông Mochalnikov tuyên bố.
Về phần mình, theo đại sứ Maqetuka, Nam Phi sẵn sàng thảo luận với các công ty tư nhân và nhà nước Nga trên cơ sở trao quyền sở hữu hoặc thu lợi nhuận từ việc xây dựng hoặc vận hành một nhà máy.
Loại thỏa thuận này từ lâu đã được thực hiện trên khắp thế giới, đặc biệt là khi một quốc gia có các mỏ khoáng sản phong phú, nhưng không có năng lực tài chính để tự phát triển chúng. Trong trường hợp này, Johannesburg sẽ có nguồn phát điện ổn định, còn phía Nga sẽ có cơ hội bán điện trực tiếp cho thị trường nội địa Nam Phi.
Chỉ 6 tháng trước, Chủ tịch điều hành Phòng Năng lượng châu Phi NJ Ayuk cho biết hiện khoảng 80% dân số châu Phi không được sử dụng điện.
“Tôi nghĩ rằng khí đốt sẽ là một thứ rất hứa hẹn. Trữ lượng lớn khí đốt đã được phát hiện và cần được đưa vào phát triển, đặc biệt là ở Nigeria và Congo. Chúng tôi đang xem xét phát triển khí đốt không chỉ để xuất khẩu mà còn để sử dụng trong nước, thúc đẩy nền kinh tế dựa trên khí đốt để thực sự cải thiện cuộc sống của người dân”, ông Ayuk nói.
Bày tỏ niềm tin châu Phi có thể đạt mục tiêu bền vững về năng lượng, ông Ayuk cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp gỡ các công ty Nga, khuyến khích họ đầu tư vào châu Phi và hợp tác với người châu Phi trong các dự án giúp xóa đói giảm nghèo về năng lượng”.
Hồi tháng 6, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cũng cho biết họ sẵn sàng thảo luận các đề xuất mang tính xây dựng với các quốc gia châu Phi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ cho các quốc gia ở châu lục này.
Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại của Gazprom, ông Dmitry Khandoga, cho biết: “Việc sử dụng rộng rãi hơn khí đốt tự nhiên sẽ giúp châu Phi giải quyết một số vấn đề - từ kinh tế đến xã hội và môi trường. Chúng tôi tin tưởng rằng điều cần thiết đối với châu Phi là khám phá tất cả những lợi ích do nhiên liệu mang lại. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng hợp tác với các nước châu Phi và chúng tôi có thể chia sẻ với họ chuyên môn và kinh nghiệm độc đáo về công nghệ”.
Dẫn ước tính của chuyên gia, Gazprom cho biết châu Phi sẽ tạo ra hơn 60% mức tăng dân số toàn cầu vào năm 2050. Tăng trưởng kinh tế của lục địa này sẽ đi kèm với mức tiêu thụ năng lượng tăng gấp đôi, thúc đẩy nhu cầu về khí đốt tự nhiên được tăng 2,5 lần.
Châu Phi đang trở thành 'trung tâm quyền lực mới'
Châu Phi là một trong những trọng tâm trong khái niệm chính sách đối ngoại mới của Nga được công bố vào tháng 3/2023.
Trong năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã tới thăm loạt các quốc gia châu Phi, tổ chức các cuộc đàm phán ở Burundi, Nam Phi, Angola, Mozambique, Uganda và nhiều quốc gia khác.
Trong khi đó, Moskva đóng vai trò Chủ tịch Hội nghị Nghị viện Quốc tế Nga - châu Phi lần thứ 2 vào tháng 3. Hơn nữa, Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 và Diễn đàn kinh tế và nhân đạo đã diễn ra tại thành phố St. Petersburg của Nga vào ngày 27 – 28/7. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Putin cho biết châu Phi đang trở thành “một trung tâm quyền lực mới và vai trò chính trị và kinh tế của châu Phi đang tăng lên theo cấp số nhân”.
Sắp tới, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 cũng sẽ diễn ra tại Nam Phi, trong bối cảnh châu Phi đang dẫn đầu nỗ lực hướng tới một trật tự thế giới đa cực, thách thức sự thống trị của phương Tây.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 22 - 24/8 có chủ đề: “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm”.
Đây là dấu hiệu cho thấy BRICS đang quyết tâm xây dựng mối quan hệ với châu Phi, lục địa đang nỗ lực xóa bỏ những tàn tích của quá khứ thuộc địa, tìm cách kiểm soát các nguồn tài nguyên, trở nên tự cung tự cấp và vạch ra tương lai của chính mình.
Các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của 5 quốc gia thành viên BRICS sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh – gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tổng thống Nga Putin dự kiến sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến.
Trước hội nghị, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc mở rộng BRICS là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự và sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Nam Phi.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nam Phi Naledi Pandor, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS. Trong đó, 23 quốc gia đã chính thức đệ đơn xin gia nhập khối này.