Các cơn bão mạnh gây thiệt hại nặng nề ở Việt Nam những năm gần đây

Trong những năm gần đây (2016, 2017 và năm 2020), các tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đã hứng chịu ba cơn bão lớn (tương tự như cơn bão số 3 - bão Yagi) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Cột ăng-ten của Đài Phát thanh-Truyền hình thị xã Kỳ Anh bị đổ trong cơn bão số 10 năm 2017 (Doksuri).

Cột ăng-ten của Đài Phát thanh-Truyền hình thị xã Kỳ Anh bị đổ trong cơn bão số 10 năm 2017 (Doksuri).

Bão số 1 năm 2016 (Mirinae)

Sáng 27/7/2016, bão Mirinae đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 8, giật cấp 9-10. Đến chiều 27/7, bão tăng tốc nhanh 15-20km và uy hiếp khu vực Quảng Ninh đến Thái Bình.

Khi tiếp cận bờ biển tỉnh Nam Định-Ninh Bình, bão số 1 có cường độ bão mạnh cấp 12 (gió mạnh đạt 33m/s vào lúc 21 giờ 36 phút ngày 27/7/2016 tại trạm Khí tượng Văn Lý), giật cấp 13 (40m/s liên tục vào các phiên quan trắc lúc 21 giờ 30 phút, 22 giờ, 22 giờ 30 phút cùng ngày).

Cơn bão Mirinae đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Cụ thể, đã có 3 người chết, 4 người mất tích, 30 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 1.400 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 12 tàu chìm (nhiều nhất ở Nam Định với 7 chiếc); 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản ở Nam Định bị thiệt hại.

Ngoài ra, mưa bão cũng làm hàng trăm cột điện cao thế ở nhiều tỉnh thành bị đổ gây nên sự cố mất điện toàn tỉnh tại ba tỉnh Nam Định, Hà Nam và Thái Bình. Bão cũng làm các tỉnh "điêu đứng" với hơn 196.000 ha lúa bị ngập, nặng nhất là Nam Định gần 78.000 ha, Thái Bình 50.000 ha. Gần 21.000 diện tích rau màu bị hư hại; hơn 44.000 cây bị gãy đổ, trong đó Hà Nội nhiều nhất, gần 66.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hơn 9.000m3 đất đá bị sạt lở, kênh mương bị hư hỏng là 643m; gần 11.000ha và 242 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Nguồn: Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ

Bão số 10 năm 2017 (Doksuri)

Bão Doksuri đổ bộ vào khoảng 11 giờ ngày 15/9, tâm bão đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, sau đó bão tiếp tục di chuyển hướng Tây Tây Bắc, sang khu vực Thượng Lào. Thời gian có gió bão mạnh nhất khu vực Hà Tĩnh diễn ra trong khoảng từ 9 giờ đến 20 giờ ngày 15/9. Lượng mưa các khu vực trong tỉnh phổ biến 157,3-339,5mm.

Cường độ bão Doksuri khi đổ bộ vào khu vực các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình đạt cấp 11-12, gió giật cấp 14-15. Do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10 nên lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 14/9 đến 19 giờ ngày 15/9 phổ biến 160-312mm, riêng thành phố Hà Tĩnh 339,5mm.

Do ảnh hưởng của bão số 10 từ ngày 11/9-15/9/2017, đã làm ngập 29 thôn, 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà). Đường quốc lộ 1A qua thị xã Kỳ Anh bị tạm dừng hoạt động nhiều giờ, nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại.

Hơn 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100ha mặn, lợ bị ngập, hư hại hoàn toàn; đặc biệt có khoảng 60 tấn tôm của Công ty Grobet; gần 1.000 ha lúa mùa, nhiều diện tích rau màu bị bị ngập, hư hỏng; Hà Tĩnh có khoảng 8.000ha cây ăn quả, trong đó có 2.000 ha bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch và 6.000 ha cam.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 62.512 nhà dân bị đổ, tốc mái; nhiều trường học, trạm y tế và một số đơn vị, cơ quan bị tốc mái. Hệ thống điện thắp sáng toàn tỉnh bị tê liệt; riêng tại thị xã Kỳ Anh bão làm đổ sập cột ăng-ten đài truyền hình và cột phát sóng Viettel làm mất liên lạc nhiều giờ.

Mưa lớn do ảnh hưởng của bão cũng làm một số đoạn đê thuộc các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên bị nước tràn qua như tuyến đê Tả Nghèn-Lộc Hà (đoạn đê sông con); Tuyến đê biển Cẩm Hà-Cẩm Lộc bị nước triều tràn qua với chiều dài 2km. Hầu hết các địa phương bị mất điện lưới và một số tuyến đường do cột điện và cây cối bị đổ gãy gây khăn cho việc đi lại.

Nguồn: Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bão số 9 năm 2020 (Molave)

Được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía đông Philippines từ ngày 24/10; đến sáng sớm 25/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Molave với cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Sau khi vượt qua Philippines, sáng 26/10, bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 năm 2020 với cường độ cấp 12, giật cấp 14.

Sau khi vào Biển Đông, bão số 9 di chuyển nhanh theo hướng tây và mạnh thêm 2- 3 cấp, cường độ bão mạnh nhất đạt cấp 14, giật cấp 17 trong ngày và đêm 27/10. Khi di chuyển đến gần kinh tuyến 113 độ kinh đông, bão số 9 chuyển hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/giờ.

Nửa đêm 27/10 đến sáng 28/10, khi vào gần vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Định, cường độ bão giảm xuống cấp 12-13, giật cấp15- 16.

Đến trưa 28/10, bão số 9 đã đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Khu vực tỉnh Quảng Ngãi là nơi tâm bão số 9 đi qua nên đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 140-280mm ở vùng đồng bằng, từ 250-350mm ở vùng núi (riêng Sơn Hà, Trà Bồng có nơi hơn 450 mm). Mưa lớn tập trung chủ yếu trong khoảng 12 giờ (từ 7-13 giờ ngày 28) khiến lũ các sông lên nhanh trong chiều và đêm 28/10. Trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện một đợt lũ ở trên mức báo động BĐ3.

Bão Molave đã làm bị thương 13 người; sập hoàn toàn 433 ngôi nhà, hư hại nặng khoảng gần 150 nghìn ngôi nhà; 420 trường bị tốc mái; công trình đê kè biển, sông và đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng rất nhiều; ngã đổ 21 trụ BTS, trong đó mạng viễn thông Viettel bị tê liệt hoàn toàn, không liên lạc được toàn tỉnh (thậm chí ngay trong thành phố Quảng Ngãi)...

Nguồn: Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-con-bao-manh-gay-thiet-hai-nang-ne-o-viet-nam-nhung-nam-gan-day-post828912.html