Những con chữ bập bềnh theo sóng

Nhiều thầy cô giáo đã dành cả tuổi thanh xuân đến thôn đảo Điệp Sơn 'gieo chữ' cho học sinh nơi làng biển xa xôi, nhưng rồi họ cũng lần lượt rời đi, để lại nỗi trăn trở cho việc tìm 'con chữ' giúp người dân thôn đảo vượt khó khăn, đổi đời…

Cô Nhung và cô Nhanh tổ chức Tết Trung thu cho các học sinh thôn đảo Điệp Sơn

Nhọc nhằn

Thôn đảo Điệp Sơn (ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) nằm cách đất liền khoảng 50km, hiện có 108 hộ dân và chủ yếu sống bằng nghề biển. Đàn ông đánh bắt hải sản, còn phụ nữ đan lưới, vớt rong biển và bắt ốc ven bờ. Một vài hộ khá hơn thì đầu tư thả lồng bè nuôi tôm hùm trên biển.

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn - Trưởng thôn Điệp Sơn, cho biết: Hàng chục năm trước, dân thôn đảo sống khép kín, biệt lập với đất liền nên hầu hết không ai biết chữ. Sau năm 1975, người trong đất liền tìm ra đảo mới biết đến sự tồn tại của làng biển này. “Chính quyền địa phương cũng đã cử giáo viên về đây dạy nhưng chưa có trường học đàng hoàng. Người dân đi học nay ở nhà này, mai lại nhà khác. Rồi họ xây những lớp học với tường bằng đất sét, lá cây làm mái che tạm. Lớp học tạm bợ này khiến người dân chán nản, bỏ ngang không theo học nữa”, ông Mẫn tâm sự.

Đến năm 2003, địa phương đã cho xây điểm trường Điệp Sơn (trực thuộc trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vạn Thạnh) tại thôn đảo Điệp Sơn. Đó là niềm vui bất ngờ khi các em thôn đảo có một ngôi trường mái ngói để ngày ngày đến lớp học chữ. Sau khi điểm trường Điệp Sơn được xây dựng, có nhiều thầy cô giáo đến đây tiếp quản, dạy học. Do phương tiện dạy học thiếu thốn, cuộc sống khó khăn nên nhiều thầy cô đã lần lượt rời xa thôn đảo.

“Dành cả thanh xuân” cho học sinh

Các em học sinh thôn đảo Điệp Sơn được nhận giấy khen của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vạn Thạnh

Các em học sinh thôn đảo Điệp Sơn được nhận giấy khen của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vạn Thạnh

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, năm 2016 cô Ngô Thị Nhanh (lúc đó 25 tuổi) được phân công ra dạy ở điểm trường thôn đảo Điệp Sơn. Đến năm 2017, cô Nguyễn Thị Mỹ Nhung (lúc đó 26 tuổi, đang dạy ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vạn Thạnh) đã xung phong ra đảo xa dạy học tại điểm trường Điệp Sơn khi biết nơi đây đang khát chữ.

Chúng tôi gặp cô Nhung khi cô vừa dạy xong tiết học cuối buổi chiều tại trường Tiểu học Vạn Thọ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh.Cô Nhung kể: “Những ngày đầu mới ra dạy học tại đảo Điệp Sơn, mình rất bỡ ngỡ vì đảo thiếu cả điện và nước, còn sóng điện thoại thì lúc nào cũng chập chờn. Khó khăn hơn cả vẫn là việc đi lại, cách hai ngày mới có chuyến tàu đi về đất liền. Nhớ nhà và lo cho bố mẹ trong đất liền không ai chăm sóc, cuối tuần tôi đều dậy từ 4 giờ sáng để tranh thủ kịp chuyến tàu về thăm gia đình”.

Riêng những ngày mưa bão, cô Nhung và cô Nhanh phải ở lại đảo cả tháng trời. Nhiều lần gia đình thôi thúc, có lúc cô Nhung cũng muốn nghỉ dạy về lại đất liền để thuận tiện chăm lo cho bố mẹ. Nhưng rồi tình yêu thương của những người dân hiền lành và cả những học trò nhỏ ngoan ngoãn đã níu chân các cô ở lại. Phụ huynh trên đảo ngày đêm bận rộn bám biển mưu sinh nên việc học tập của con em không được họ quan tâm, coi trọng. Điều đó khiến cô Nhung tâm niệm mình phải chăm lo “gieo chữ” cho các em bớt khổ.

Ngoài những giờ học chính, cô Nhung và cô Nhanh còn tổ chức những lớp học thêm miễn phí để kèm riêng cho học sinh. Lớp ít, nên các cô càng có điều kiện để gần gũi, chăm lo cho việc học của từng em. Nhờ đó, lực học của mỗi em dần được cải thiện. Cứ thế, lâu dần cô Nhung và cô Nhanh trở thành “người mẹ thứ hai” của học sinh nơi đây lúc nào không hay. Trong tâm tư cô Nhung từng nghĩ mình sẽ mãi gắn bó với vùng đất này.

Nhưng bố mẹ già yếu ở xa không ai chăm sóc, cô Nhung đành phải rời xa các em học sinh thân thương ở đảo Điệp Sơn. “Phân vân lắm khi phải xa các em, bởi vùng đất này và các em học sinh để lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm. Phận làm con tôi đành phải chọn rời đi để phụng dưỡng bố mẹ già. Thanh xuân của tôi coi như không hối tiếc, gửi lại niềm tin cho những giáo viên trẻ nhiều hoài bão như tôi ngày trước”, cô Nhung tâm sự.

Còn đó nỗi trăn trở…

Ở lại với thôn đảo Điệp Sơn một đêm, chúng tôi mới biết cả làng chỉ có một máy phát điện và được phát khoảng 6 - 9 tiếng mỗi tối. Giếng nước có nhiều nhưng đa số nhiễm phèn, nhiễm mặn. Hiện điểm trường Điệp Sơn chỉ có 35 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Cả trường chỉ có 2 phòng học, nên các lớp phải ghép phòng học chung với nhau và chia 2 ca sáng chiều tới lớp. Điện ở thôn hạn chế, ngày nắng, các lớp tận dụng ánh sáng mặt trời để học. Còn những ngày mưa phòng học tối om, các cô đành phải cho học sinh sinh hoạt ngoại khóa rồi dạy bù vào những tiết học sau.

Sau khi học hết lớp 5, các em học sinh nơi đây phải nghỉ học theo bố mẹ ra biển mưu sinh. Một số em được gửi vào đất liền học tiếp nhưng rồi cũng bỏ ngang về lại thôn đảo. Em Phạm Văn Đô (17 tuổi) là một trong số các em nhỏ hiếm hoi ở làng được học tới lớp 9. Nhưng sau đó, Đô lại không học lên tiếp mà trở về đảo phụ giúp bố mẹ. “Lúc đầu vào đất liền em vui lắm, nhưng cuộc sống ở đó ồn ào tấp nập em không quen. Học xong lớp 9, em nghỉ về nhà vì sợ học tiếp bố mẹ thêm vất vả”, Đô tâm sự. Năm vừa rồi, có 4 em học sinh học hết lớp 5 được gửi vào đất liền học tiếp. Nhưng sau vài tháng, các em cũng lần lượt bỏ học về lại thôn đảo.

Nhiều thầy cô khác sẽ tiếp tục thay cô Nhung, cô Nhanh đến thôn đảo Điệp Sơn “gieo chữ” cho các em học sinh nơi đây. Nhưng các em cũng chỉ học cho biết mặt chữ, rồi lại theo bố mẹ bập bềnh theo sóng mưu sinh trên biển. Đến bao giờ mới có những học sinh thôn đảo được học thành tài để giúp làng biển đổi đời vẫn là mong ước xa xôi!

Trăn trở

Cô Ngô Thị Nhanh (hiện đang dạy tại trường tiểu học Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) cho biết: Trong 4 năm dạy học ở Điệp Sơn, cô đã tìm được người chồng như ý là anh Hậu - một chàng trai chất phác và hiền lành của thôn đảo Điệp Sơn. Trong suốt quá trình cô dạy ở đây, anh luôn là người động viên và chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống với cô.

Ông Nguyễn Công Hoan - Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vạn Thạnh, chia sẻ: “Nhiều năm nay, điểm trường Điệp Sơn thường xuyên thiếu giáo viên. Từ năm 2016 - 2021, may có cô Nhanh và cô Nhung không quản ngại gian nan ở lại gieo từng con chữ cho trẻ em nơi này. Hiện các cô đã về đất liền. Năm học mới này chưa có giáo viên chịu ở lại dạy học nên trường đã cho vài thầy cô luân chuyển từ đất liền ra đảo dạy theo tuần”.

CÔNG HOAN -THỤC HIỀN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-con-chu-bap-benh-theo-song-post1399035.tpo