Những con đường của 'ý Đảng, lòng dân'

BHG - Trong dịp cả nước kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2022), chúng ta cùng nhớ lại quá trình phát triển của đường giao thông Hà Giang mà Đảng và Nhà nước coi là mạch máu. Ở một tỉnh miền núi vùng cao nghèo đói, thì làm đường đi xuống huyện, xã vô cùng khó khăn, vất vả và tốn kém.

Từ một số hình ảnh do Pháp chụp những năm 1930 cho thấy đường lưu thông người và hàng thời Pháp thuộc chủ yếu là đường thủy. Hai bên sông dưới cầu Yên Biên 1 là bến đò, nhiều thuyền đò đỗ đầy hai bên bờ sông.

Trước năm 1960, từ Hà Giang đi các huyện vùng cao phía Bắc, phía Tây của tỉnh chủ yếu là đường mòn đi bộ của người và ngựa. Nông dân sản xuất được nông sản muốn bán phải địu, gánh hoặc thồ ra trung tâm 2 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và thị xã Hà Giang; mọi thứ hàng thiết yếu như dầu, muối, đồ dùng gia đình và phân bón vv... đều do người địu, ngựa thồ từ Hà Giang, Bắc Quang và chợ Vạt về các chợ trung tâm huyện và khu vực, rồi từ đó lại địu, thồ về nhà mất mấy ngày đường.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng năm 1954 và sau khi hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ năm 1955 đến năm 1959 tỉnh chỉ đạo huy động sức dân sửa hai tuyến đường dân sinh từ Hà Giang đi Đồng Văn và từ Tân Quang đi Hoàng Su Phì. Cuối năm 1959 bắt đầu khởi công đường Hà Giang đi Đồng Văn, cuối năm 1960 mở đường Bắc Quang đi Hoàng Su Phì. Năm 1964 đường đến Đồng Văn, năm 1965 đến Mèo Vạc, năm 1970 đến Xín Mần. Năm 1984 thành lập huyện Bắc Mê và làm đường ô tô tới huyện. Các tuyến đường huyện đi qua nhiều xã do đó hàng chục xã đã có đường đi qua.

Sau khi tái lập tỉnh Hà Giang, Đảng bộ tỉnh chủ trương mở đường ô tô xuống 78 xã chưa có đường ô tô, do vốn đầu tư ít mỗi năm làm được vài xã. Từ năm 1992 đến năm 1996, toàn tỉnh mở được 30 tuyến đường xuống xã, còn lại 48 xã chưa có đường tỉnh xác định tập trung đầu tư với quyết tâm năm 1997 làm 29 tuyến, năm 1998 làm nốt 19 xã còn lại, phấn đấu đến năm 2.000 tất cả các xã đều có đường ô tô đến xã. Do vốn ít, đầu tư dàn trải mãi đến năm 2002 tỉnh ta mới đạt 100% số xã có đường cơ giới, chất lượng đường chỉ là rải đá cấp phối, mùa mưa nhiều tuyến đường xã bị ách tắc. Như vậy trong 10 năm (1992 – 2002) tỉnh đã hoàn thành mở đường đến xã (không tính các xã thành lập sau). Từ năm 2003 đến 2015 tỉnh và các huyện chú trọng đầu tư nâng cấp các tuyến đường từ huyện xuống các xã; từ năm 2016 đến năm 2022, khi triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới, thì phát triển giao thông là một trong 19 tiêu chí của chương trình, do đó các cấp chăm lo phát triển đường vào thôn bản, đến nay trên 96% số thôn trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm.

Sau 62 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tỉnh ta đã phát triển mạng lưới giao thông từ tỉnh không chỉ đến huyện, xã mà còn đến thôn. Với một tỉnh miền núi vùng cao đất dốc như tỉnh ta, mở mới được một cây số đường bằng miền xuôi mở mới hàng chục cây số. Do đó việc phát triển cầu đường trong tỉnh với hơn 7.556 km đường ô tô là một kỳ tích của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Chưa kể đến gần 500 km đường Quốc lộ trong tỉnh. Như vậy, trong hơn 62 năm tỉnh ta đã làm được hơn 8.000 km đường với hơn 600 cây cầu các loại, trong đó đường do địa phương làm và quản lý là 7.556 km và 452 cây cầu. Hệ thống cầu, đường trong tỉnh đã làm cho bộ mặt nông thôn tỉnh ta đổi mới, đặc biệt góp phần quan trọng mang tính quyết định cho sự phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN.

Nhờ hệ thống cầu đường đến xã, đến thôn, các dịch vụ đời sống đã về đến xã và đến thôn bản. Hàng nông sản được lưu thông, hàng thiết yếu được bán tận xã, tận thôn, do đó cuộc sống của đồng bào các dân tộc đã thay đổi hẳn; hệ thống điện lưới quốc gia đến các thôn bản, hầu hết (trên 90%) hộ nông dân có điện thắp sáng đã làm cho cuộc sống của người dân sung túc, văn minh. Đặc điểm của miền núi, vùng cao và dân tộc là ngày xưa hầu như nhà nào cũng phải nuôi ngựa để thồ hàng, đến hôm nay con ngựa được thay thế bằng ô tô, xe máy vận chuyển hàng hóa. Đó là sự thay đổi đặc biệt của miền núi nhờ đường giao thông phát triển. Sự thay đổi đó trước hết nhờ có chế độ xã hội tốt đẹp, có đường lối đúng đắn hợp và trúng lòng dân, được các cấp Đảng bộ từ tỉnh đến xã đã thật sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì nhân dân phục vụ.

TRIỆU ĐỨC THANH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202209/nhung-con-duong-cua-y-dang-long-dan-964065a/