Những con đường lòng dân

Qua 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã thay đổi rất nhiều, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Ngoài việc bê-tông hóa 100% đường làng, ngõ xóm, các địa phương còn khuyến khích người dân hình thành nhiều tuyến đường thông thoáng, sạch đẹp.

Qua 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã thay đổi rất nhiều, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Ngoài việc bê-tông hóa 100% đường làng, ngõ xóm, các địa phương còn khuyến khích người dân hình thành nhiều tuyến đường thông thoáng, sạch đẹp.

Đường làng Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) hình thành có một phần đóng góp không nhỏ của người dân.

Đường làng Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) hình thành có một phần đóng góp không nhỏ của người dân.

Chỉ con đường rộng 7m, bê-tông kiên cố 5,5m chạy qua trước nhà, ông Nguyễn Hùng (thôn La Châu, xã Hòa Khương) bộc bạch, làng ông không mấy rộng, lại nằm dưới chân đập ba-ra nên mỗi mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông Yên đổ về dâng trắng xóa, người dân không phân biệt được đâu là đường, bờ ruộng để lội… “Như con đường này, trước đây chỉ là con đường nhỏ hẹp “nắng bụi, mưa bùn” đi lại vô cùng khổ sở. Khi xã họp dân bàn chuyện mở đường, nhà nhà vui mừng như hội. Làm đường trước tiên là mình thụ hưởng, sau này đến con cháu mình chứ có làm cho ai đâu. Nghĩ vậy, ai cũng háo hức hiến đất, góp công, góp sức xây dựng tuyến đường này. Có đường thông thoáng nên ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, sửa chữa nhà cửa, làm hàng rào tạo cảnh quan. Sáng sớm chưa tỏ mặt người, già trẻ trong thôn í ới gọi nhau đi bộ tập thể dục, vừa giữ gìn sức khỏe vừa gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm. Không chỉ những tuyến đường liên xã, liên thôn mới có hệ thống chiếu sáng mà đến ngõ xóm cũng được người dân đóng góp lắp điện đường”, ông Hùng phấn khởi cho biết thêm.

Còn ở xã Hòa Nhơn, tuyến đường liên thôn Thái Lai - Phước Hưng Nam - Ninh An - Diêu Phong dài hơn 4km là điểm nổi bật nhất về việc bảo vệ cảnh quan môi trường mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, dù cả những đoạn không có dân cư ở vùng sâu, vùng xa này. Để làm được điều đó, các thôn đã tổ chức họp nhân dân, xây dựng quy chế về môi trường với mục tiêu “sạch từ nhà ra ngõ”. Hiện nay, tuyến đường này không chỉ khang trang mà còn sạch đẹp hơn bởi nhiều loại cây, hoa chen nhau khoe sắc.

Lão nông Lê Văn Phương (thôn Ninh An) trải lòng, nhiều người thân của ông làm ăn xa quê, khi có dịp về thăm đã không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của quê hương. Hình ảnh làng quê thông thoáng, khang trang, tươm tất hôm nay không khỏi gợi cho họ nhớ về cái thời lầy lội, liêu xiêu trên những lối mòn vào mùa mưa, những chiếc cầu tre chênh vênh bắt qua con kênh, bờ mương nhằm phục vụ cho việc đi lại, sản xuất của người dân. Nhiều người đã thốt lên: “Có mơ cũng không nghĩ được những con đường đất nhỏ hẹp ngày nào giờ được thảm nhựa, bê-tông hóa rộng thênh thang, ô-tô có thể vào tận xóm”.

Có thể nói, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là tiêu chí “Giao thông” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM luôn là niềm mơ ước bao đời nay của người dân nông thôn. Thế nhưng sau khi bắt tay vào triển khai xây dựng, nâng cấp cũng là nỗi lo lắng nhất của chính quyền cơ sở. Bởi, để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn cần rất nhiều vốn và sự hưởng ứng, tham gia của nhân dân. Trong điều kiện đời sống người dân còn không ít khó khăn, nên khả năng đóng góp, tham gia của người dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cũng có hạn… Nhắc lại điều đó để thấy rằng, vùng nông thôn Hòa Vang có được kết quả như hôm nay, nhân tố quan trọng không thể không kể đến là sự chung tay, góp sức của người dân và in đậm dấu ấn của cộng đồng. Trong đó, góp tiền của, công sức, hiến đất, vật kiến trúc để mở rộng, nâng cấp đường là những hình thức hưởng ứng tích cực của người dân vào công cuộc xây dựng NTM ở mỗi địa phương.

“Diện mạo nông thôn đang đổi thay từng ngày theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ sinh hoạt, sản xuất đồng bộ đã tạo thuận lợi cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy còn nhiều việc phải tiếp tục làm để không chỉ duy trì bền vững thành quả đã đạt được mà còn vươn tới những mục tiêu cao hơn, nhưng thực sự nhiều miền quê nơi đây đã và đang trở thành những nơi đáng sống”, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân xác nhận.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_232571_nhu-ng-con-duo-ng-lo-ng-dan.aspx